Thay đổi phương thức sản xuất để nâng giá trị càphê xuất khẩu
2015-12-27 08:08:54
0 Bình luận
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu càphê đứng thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, quá trình sản xuất cào bằng, các loại càphê tốt, xấu đều được thu mua ngang giá nên đã dẫn đến tình trạng càphê kém chất lượng và giảm giá như hiện nay.
Chính vì vậy, việc thúc đẩy sản xuất càphê hướng đến chất lượng đang được chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các nhà nhập khẩu đề xuất nhiều nhất.
Tái canh để nâng cao chất lượng
Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cả nước có hơn 650.000ha càphê, tập trrung chủ yếu ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước…; trong đó, diện tích cần phải tái canh và ghép cải tạo để nâng cao chất lượng càphê là 200.000 ha.
Cho đến cuối tháng 12/2015, các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước đã tái canh, ghép cải tạo được hơn 61.000ha. Tỉnh Lâm Đồng thực hiện hơn 22.000ha, Đắk Lắk hơn 15.000ha, Đắk Nông hơn 6.000ha, riêng Tổng công ty càphê Việt Nam thực hiện hơn 11.000ha.
Tái canh và ghép cải tạo vườn càphê là vấn đề lớn đối với cả nông dân lẫn doanh nghiệp. Nó đòi hỏi phải đầu tư kỹ thuật, vốn lớn nhưng rủi ro cao. Thế nhưng, trước thực tế nhiều vườn càphê già hiện nay bắt buộc phải thực hiện bước này mới có thể cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cho doanh nghiệp xuất khẩu càphê.
Để khâu tái canh và ghép cải tạo các vườn càphê tốt hơn, các hộ nông dân và doanh nghiệp trồng càphê phải nắm vững thông tin các loại giống càphê cao sản. Riêng với các hộ nông dân, ngành nông nghiệp địa phương phải hướng dẫn họ kỹ thuật cũng như cách thức vay vốn để tái canh và đầu tư.
Trong thời gian qua, Hiệp hội càphê cacao Việt Nam đã hỗ trợ gần 20 tấn hạt giống và hơn 560.000 cây càphê vối lai cao sản TRS1 cho hàng ngàn hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã của 5 tỉnh Tây Nguyên. Riêng Công ty Nestle Việt Nam cho đến cuối năm 2015 cũng đã hỗ trợ 11 triệu cây càphê giống cho các hộ nông dân khu vực Tây Nguyên - ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội càphê Cacao Việt Nam cho biết.
Ngân hàng Thế giới (World bank) cũng có dự án hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Theo ông Chris Jackson, chuyên gia chính về phát triển nông thôn của Ngân hàng Thế giới, kinh phí của dự án này sẽ giúp cải thiện canh tác và tập quán canh tác, thúc đẩy kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp là 238 triệu USD. Dự án tập trung vào phát triển cây lúa và cây càphê. Một phần kinh phí sẽ hỗ trợ cho 62.000 hộ trồng càphê tại 12 huyện sản xuất càphê lớn nhất của 5 tỉnh Tây Nguyên.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tái canh càphê sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh chất lượng càphê hơn nữa, theo kịp với tốc độ tái canh của các quốc gia xuất khẩu cạnh tranh với càphê Việt Nam hiện nay. Để việc tái canh thuận lợi hơn, phía ban điều phối cũng phối hợp với Tổ chức càphê thế giới (ICO) để học hỏi kỹ thuật tái canh, phổ biến cho các hộ nông dân sản xuất càphê.
Phân loại càphê ngay từ đầu
Bên cạnh việc tái canh cây càphê để nâng cao năng suất và chất lượng thì các khâu khác trong chuỗi sản xuất càphê cũng cần được đầu tư.
Theo ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), thương lái và doanh nghiệp phải thay đổi phương thức thương mại để thúc đẩy nhà nông hướng tới thu hoạch càphê theo đúng chất lượng mà doanh nghiệp yêu cầu.
Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp thu mua cào bằng các loại càphê, làm cho nông dân chỉ chú trọng đến lợi nhuận, mà không quan tâm đến chất lượng càphê. Cụ thể, với càphê chín, nông dân chỉ có thể thu hoạch bằng một nửa càphê xanh, non, thì nhà thu mua phải mua với giá gấp đôi.
Còn càphê xanh, non, nông dân lại thu hoạch gấp đôi càphê chín. Nếu bán ngang giá nhau thì không ai chọn cách chờ trái chín mới thu hoạch.
Mặt khác, trong chế biến càphê, phần thất thoát nằm ở khâu mua, bán không cân đối. Vì vậy, các nhà xuất khẩu phối hợp lại để xây dựng nhà máy chế biến và phân loại các hạt nguyên chất lượng cung cấp cho xuất khấu, với hạt đen, nâu, hạt sâu hoặc hạt vỡ để làm mặt hàng giá trị gia tăng, cung cấp cho thị trường nội địa, xóa lỗ thủng mặt hàng giá trị gia tăng ở thị trường nội địa.
Ngành càphê cũng chỉ có thông số hạt vỡ hiện nay là 5%, vì vậy cũng cần có quy chuẩn phân loại hạt tốt, hạt xấu. Khi phân loại được chất lượng hạt càphê và có quy chuẩn cụ thể thì ngành càphê cũng sẽ khắc phục dần tình trạng càphê bột tràn lan không có quy chuẩn hoặc quy chuẩn pha trộn các loại đậu nành, bắp (ngô) rang và các loại hóa chất cung cấp tại thị trường nội địa, ông Nguyễn Úc, Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp Thịnh Phú, Đắk Lắk chia sẻ.
Bên cạnh đó, khi phân loại chất lượng tốt hơn thì ngành càphê Việt Nam sẽ tạo uy tín hơn nữa với thị trường và các doanh nghiệp nhập khẩu. Với các thị trường tiêu thụ càphê lớn của Việt Nam như Đức, Mỹ, Italy, Tây Ban Nha, Bỉ, càphê nguyên chất, không có sự pha trộn mới là càphê chất lượng.
Vì vậy, các hộ nông dân tự phân loại chất lượng hạt ngay từ đầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phía doanh nghiệp, vừa tiết kiệm kinh phí kiểm tra, thử nghiệm, vừa tiết kiệm thời gian mà lợi nhuận nông dân thu được cũng sẽ cao hơn, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex cho biết./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo Vietnamplus