Thiết lập 8 điểm giám sát trọng điểm virus Zika tại khu vực phía Nam
Việt Nam hiện đang đối mặt với 3 căn bệnh lây lan từ muỗi: Sốt xuất huyết, Chikungunya và Zika |
Trao đổi với phóng viên Infonet về nguyên nhân dẫn đến bệnh não nhỏ, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết:
- Có thể chia thành 3 cụm nguyên nhân dẫn đến bệnh não nhỏ, đó là yếu tố nhiễm trùng (do vi khuẩn, virus); các yếu tố sử dụng thuốc lá, ma túy, chất có hại, phóng xạ, chất hóa học tác động đến người mẹ đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ và các yếu tố của biến đổi nhiễm sắc thể.
Trong một vùng có sự gia tăng bất thường của những trẻ sinh ra bị não nhỏ cùng với sự gia tăng bất thường của dịch Zika, đồng thời cũng sử dụng hóa chất Pyriproxyfen trong nước sinh hoạt, thì đều có thể nghi ngờ là các yếu tố gây bệnh.
Về yếu tố nhiễm trùng: Các nhà khoa học nhận thấy rằng, khi nghiên cứu 4 đứa trẻ, trong đó có 2 đứa trẻ mới sinh ra từ bà mẹ mang virus Zika tử vong trong 48 giờ đã phát hiện ra có virus Zika trong não. Tương tự, 2 trường hợp sảy thai cũng xét nghiệm thấy có virus Zika trong thai nhi.
Như vậy có sự hiện diện của virus Zika, đồng thời nghiên cứu sự bất thường của não bộ những trường hợp não nhỏ này cho thấy có những biến đổi liên quan đến nhóm nguyên nhân do nhiễm trùng và chưa phát hiện các nguyên nhân khác.
Về yếu tố do hóa chất: việc sử dụng hóa chất Pyriproxyfen đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo sử dụng từ năm 2004, trong đó có nhiều nước trong khu vực đã sử dụng hóa chất này kể cả trong nước sinh hoạt như Thái Lan, Philippines, Campuchia…
Tại Việt Nam, đây là hóa chất được sử dụng hạn chế, không được sử dụng trong nước uống và nước sinh hoạt, chỉ dùng tại những nơi y tế khó tiếp cận, mật độ muỗi cao, nguy cơ dịch bệnh lớn.
Theo WHO, liều có thể tiếp nhận vào cơ thể hàng ngày (ADI) của Pyriproxyfen là 0,1 miligram trên 1kg cân nặng; nồng độ sử dụng sản phẩm dùng ở Việt Nam là 0,05mg/l. Như vậy 1 người 60kg nếu lỡ uống phải nước có hoạt chất này, thì phải uống đến 120 lít một ngày mới đến ngưỡng ADI (6mg cho người 60 kg cân nặng).
Đồng thời, hóa chất này tồn tại trong cơ thể người không quá 48 giờ và sẽ bị đào thải qua phân, nước tiểu, mật; hơn nữa chưa phát hiện có biến đổi não bộ do nhiễm độc. Tuy nhiên, để có những bằng chứng mạnh mẽ và rõ ràng thì cần phải nghiên cứu thêm các yếu tố nguy cơ để có giải pháp kiểm soát hiệu quả.
Tuy vậy, biện pháp hàng đầu vẫn là chưa nên sử dụng hóa chất như là “đũa thần”, mà hàng tuần mỗi người dân, gia đình nên bỏ ra 10 phút làm vệ sinh dọn dẹp xung quanh chỗ ở của mình, đặc biệt những nơi có lăng quăng bọ gậy thì sẽ hạn chế được những dịch bệnh như sốt xuất huyết, Zika và Chikungunya (bệnh sốt, đau nhức dữ dội các khớp cổ tay, bàn tay và bàn chân làm cho bệnh nhân không thể đi thẳng được, lây truyền qua muỗi đốt)
Xin ông cho biết công tác phòng chống dịch đã được triển khai như thế nào, đặc biệt tại khu vực phía Nam?
+ Thời gian ủ bệnh của bệnh Zika từ 2-12 ngày, đặc biệt trong vòng 1 tuần sau khi có biểu hiện lâm sàng là thời gian lây nhiễm cao qua muỗi đốt. Biểu hiện của bệnh này ở mức nhẹ như sốt nhẹ, nổi ban… nên chỉ đặc biệt chú ý đối với phụ nữ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Điều quan trọng là hội chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh nếu có chỉ xuất hiện sau 6 – 9 tháng nhiễm bệnh của người mẹ mắc bệnh do vi rút Zika. Vấn đề này chưa được xác định rõ ràng tuy nhiên với những bằng chứng hiện tại, thấy cần có những biện pháp kiểm soát không để ảnh hưởng đến cộng đồng. Vì thế, công tác dự phòng không chỉ tập trung vào những trường hợp có biểu hiện lâm sàng mà phải đẩy mạnh công tác, giám sát qua sự kiện, xét nghiệm và điều tra dịch tễ vì có đến 80% các trường hợp nhiễm virus không có biểu hiện lâm sàng.
Tại khu vực phía Nam, đã triển khai đồng bộ công tác kiểm dịch y tế biên giới tại các cửa khẩu quốc tế để tuyên truyền, hướng dẫn người đi về từ vùng có dịch tự bảo vệ mình trong vòng 12 ngày không để muỗi đốt dễ làm bùng phát dịch. Viện Pasteur đã thực hiện xét nghiệm các mẫu của năm 2015 tương đồng với Zika và kết quả đều âm tính với virus Zika.
Từ 15/2/2016 đến nay, Viện Pasteur đã thiết lập hệ thống giám sát tại 8 điểm thuộc 8 tỉnh, đó là các phòng khám ngoại trú thuộc bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt tập trung giám sát các bệnh nhân ngoại trú vì đây là bệnh nhẹ, tương đồng với lâm sàng mắc Zika.
Mỗi điểm này mỗi ngày lấy tối đa 6 mẫu (3 người lớn, 3 trẻ em) với các triệu chứng lâm sàng như sốt nhẹ, có phát ban cùng các biểu hiện như viêm giác mạc, viêm khớp, đau mình mẩy… gửi về Viện Pasteur TPHCM trong tuần để làm xét nghiệm các tác nhân sốt xuất huyết, Chikungunya và Zika.
Đây là 3 tác nhân mà chúng ta đang nằm trong vùng nguy cơ nên cần làm để phát hiện sớm các trường hợp xâm nhập. Nếu phát hiện có trường hợp Zika xâm nhập, sẽ thực hiện điều tra ngay tại chỗ trên muỗi, người bệnh và người tiếp xúc để kiểm soát kịp thời, ngăn chặn sự lây lan của virus. Tuy nhiên, sự kiểm soát này nếu chỉ dựa vào lực lượng y tế thì sẽ không thể thực hiện hiệu quả mà cần có sự góp sức của cả cộng đồng.
Đây là loại bệnh chưa có vắc xin dự phòng, chưa có điều trị đặc hiệu cũng như test chẩn đoán nhanh trong khi mật độ muỗi, vùng nguy cơ lại cao, tác động nhìn thấy được lại chỉ nhìn thấy sau 6-9 tháng nên nếu từng người dân không phối hợp với ngành y tế thì sẽ khó có thể phòng chống, kiểm soát hiệu quả.
Trước thông tin đã có 5 trường hợp tử vong tại Brazil và Venezuela sau khi nhiễm virus Zika, xin ông cho biết mức độ nguy hiểm của căn bệnh này?
+ Các trường hợp tử vong đó phải nhìn vào khía cạnh các bệnh nền và bệnh khác của bệnh nhân đó để nghiên cứu, điều tra sâu hơn, cẩn thận hơn chứ về bản chất, Zika là một bệnh nhẹ chỉ gây sốt nhẹ, nổi ban, đau mắt, đau cơ… nên dù bệnh đã xuất hiện từ năm 1952 nhưng ít được chú ý.
Chỉ đến khi có sự gia tăng giữa Zika với các trường hợp bị bệnh não nhỏ cũng như hội chứng Guillain-Barré thì người ta mới đặt vấn đề liệu có sự liên quan nhiều giữa Zika với các bệnh này hay không.
Vì thế, khuyến cáo đối với phòng chống bệnh Zika, đặc biệt đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc mang thai trong 3 tháng đầu nên tránh đến các vùng có dịch, nếu bắt buộc phải đến thì cần phải có tư vấn của bác sĩ để có biện pháp phòng chống đặc thù.
Đồng thời, cần phòng các trường hợp xâm nhập vào Việt Nam, những người đi về từ vùng dịch phải có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, thực hiện các biện pháp không để tương tác với muỗi trong vòng 12 ngày, đặc biệt lưu ý những nơi lưu hành bệnh sốt xuất huyết; trong thời gian đó, nếu mắc bệnh thì trong vòng 7 ngày từ khi có biểu hiện lâm sàng (là thời gian dễ lây nhiễm của người qua muỗi sang người khác), bảo vệ chặt chẽ không để muỗi đốt để tránh bệnh lây lan trong cộng đồng.
Xin cảm ơn ông.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.