Thời 4.0, mạng xã hội thành cầu nối người khuyết tật với cộng đồng
Tìm “đầu ra” cho những sản phẩm ý nghĩa
Cầm trên tay một mẫu thú nhồi bông của Kym Việt, nhiều người hẳn sẽ bất ngờ bởi những sản phẩm tinh xảo, sinh động này lại được tạo nên từ bàn tay của những người lao động khuyết tật.
Là doanh nghiệp xã hội chuyên về đồ thủ công, Kym Việt đã và đang tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động khuyết tật. Anh Phạm Việt Hoài, một trong những nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT công ty Kym Việt, đồng thời cũng là một người khuyết tật giàu nghị lực, ngay từ đầu đã xác định rằng phải chinh phục khách hàng bằng những sản phẩm thật sự giá trị, tức là không chỉ dừng lại ở mẫu mã đẹp, chất lượng hoàn thiện cao, mà sản phẩm phải thực sự truyền tải được thông điệp nhân văn, ý nghĩa tới cộng đồng.
Tuy nhiên, giống như nhiều doanh nghiệp khác, Kym Việt cũng gặp không ít khó khăn với bài toán khó mang tên giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường. Nâng cao hiệu quả tiếp thị, truyền thông trở thành công tác thiết yếu, khi mà thời kỳ đầu, các sản phẩm của Kym Việt chưa có độ nhân diện cao, còn ít người biết đến, chủ yếu chỉ xuất hiện trong một số hội chợ.
Mạng xã hội lan tỏa giá trị đến với cộng đồng
Sau nhiều trăn trở, Ban Giám đốc Kym Việt đã đề ra hướng đi mới cho các sản phẩm của mình, thông qua việc mở rộng kênh phân phối và tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội. Bằng sức mạnh của Công nghệ 4.0 và chất lượng thực sự trong từng sản phẩm, công ty dần dần có được lượng khách ổn định và ngày càng có nhiều người biết đến.
Fanpage là nơi để Kym Việt chia sẻ hành trình sáng tạo nên những sản phẩm đẹp |
Mọi người thường hỏi tôi ý nghĩa của từ Kymviet là gì? - “Kym” trong từ “kim khâu”, từ “Việt” trong tên Tổ quốc - Việt Nam, Kym Việt là một cái tên bình dị mang trong mình những khát khao, không hoa mỹ mà chỉ đơn giản là ước vọng đem niềm tự hào về sản phẩm thủ công Việt Nam vươn mình từ một cộng đồng nhỏ đến với thế giới... Anh Phạm Việt Hoài - Chủ tịch HĐQT Công ty Kym Việt cho biết. |
Anh Hoài cũng cho biết nhiều người từng nghi ngại, không biết người khuyết tật câm, điếc, thậm chí thiểu năng trí tuệ thì sẽ làm việc như thế nào, nhưng nhờ Facebook, anh có thể cho mọi người thấy cách tạo nên một sản phẩm của Kym Việt, từng công đoạn cắt - khâu kỹ lưỡng đã được thực hiện tỉ mỉ ra sao và người thợ nào đã làm ra sản phẩm ấy.
Anh Phạm Việt Hoài chia sẻ: “Có được thành công của ngày hôm nay phải kể đến một lượng khách hàng đáng kể tìm đến Kym Việt qua Facebook của công ty. Hiện Facebook cũng là kênh chiếm tỷ trọng cao nhất trong các kênh bán hàng của chúng tôi. Tuy nhiên ban đầu chúng tôi xây dựng fanpage không chỉ với mục đích bán hàng. Đó là nơi để Kym Việt có thể đem đến cho cộng đồng những câu chuyện về văn hóa, về hành trình cuộc sống của những người khuyết tật đã tạo ra và thổi hồn vào từng sản phẩm,mang lại giá trị cho xã hội”.
Quan trọng hơn cả doanh số, anh Hoài khẳng định cái được lớn nhất khi tham gia mạng xã hội chính là cơ hội kết nối và truyền động lực cho rất nhiều người khuyết tật khác trên khắp Việt Nam, giúp họ cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Những dấu mốc thành công, những sự kiện nổi bật khẳng định đóng góp của người khuyết tật cho xã hội, anh Hoài cùng đội ngũ Kym Việt đều chia sẻ trên trang Facebook và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Lan tỏa sự lạc quan trong thời kỳ dịch bệnh
Dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, trong đó có Kym Việt, song công ty vẫn ghi nhận lượng theo dõi không ngừng tăng lên trên trang Facebook của mình. Điều đó khẳng định giá trị của những câu chuyện bình dị nhưng tràn đầy cảm hứng, tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng trong một giai đoạn nhiều khó khăn.
Anh Phạm Việt Hoài - Chủ tịch HĐQT Công ty Kym Việt - và các sản phẩm đang hoàn thiện. |
Với sự chủ động, tích cực và hướng tiếp cận đầy mới mẻ, Kym Việt đã trở thành doanh nghiệp xã hội tiêu biểu, nhận bằng khen của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cũng như giải thưởng về thiết kế sản phẩm của thành phố Hà Nội. Anh Hoài cùng Kym Việt cũng vinh dự đại diện cộng đồng người khuyết tật Việt Nam, tham gia chương trình “Sức sống Việt Nam” do Facebook và Bộ Kế hoạch Đầu Tư Phối hợp tổ chức.
“Khuyết tật chỉ là sự bất tiện, không phải là sự bất hạnh, hãy biến khiếm khuyết trên cơ thể trở thành động lực vươn lên!”, anh Hoài khẳng định.
Tận dụng sức mạnh của mạng xã hội, doanh nghiệp mang các sản phẩm chất lượng cũng như những câu chuyện truyền cảm hứng tới gần mọi người hơn. Cũng bởi thế, giá trị lan tỏa càng trở nên sâu sắc và mạng xã hội thực sự trở thành nhịp cầu nhân văn kết nối cộng đồng, xã hội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.