Thời đại số: Thuận lợi hay khó khăn với người khuyết tật
Theo thống kê của We Are Social và Meltwater, tính đến tháng 1/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương với 79,1% tổng dân số. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển đó là 21,2 ngàn tỷ đồng thất thoát từ các cuộc tấn công mạng, số cuộc lừa đảo trực tuyến ước tính tăng tới 44% so với năm 2021 và hàng triệu nội dung độc hại vẫn phát tán trên mạng mỗi ngày.
Cơ hội kinh doanh trên nền tảng công nghệ số thuận lợi cho người khuyết tật
Một số chuyên gia cho biết, tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, không từ thủ đoạn. “Những người bình thường có kiến thức về mạng xã hội còn dễ mắc bẫy thì cộng đồng yếu thế gồm người khuyết tật (NKT), phụ nữ có thu nhập thấp lại càng dễ trở thành "con mồi" vì họ có ít kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân, và mong muốn sống tự lập, chủ động kiếm thêm thu nhập”, Tiến sĩ Abdul Rohman, Đại diện nhóm nghiên cứu Đại học RMIT Việt Nam nói.
Nhận thấy thực trạng này cần có giải pháp triệt để, Dự án Nâng cao kiến thức kỹ thuật số cho cộng đồng yếu thế ở TP. HCM và Hà Nội được nhóm nghiên cứu của Đại học RMIT Việt Nam tâm huyết triển khai, nhằm tăng cường kiến thức kỹ thuật số và kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân của các cộng đồng yếu thế bao gồm phụ nữ nội trợ và NKT.
Với sự hỗ trợ của Traveloka, Dự án đã đào tạo 12 bạn trẻ là người khiếm thị và khiếm thính tại Hà Nội và 16 sinh viên đến từ các trường đại học tại TP. HCM về các kiến thức liên quan đến bảo mật và quyền riêng tư kỹ thuật số.
“Sau khi được đào tạo và tự tay tổ chức một buổi training cho cộng đồng người yếu thế, mình nắm được các thông tin hữu ích và cần thiết để có thể chia sẻ lại cho các cô, các bác gái. Mình có cơ hội được hiểu hơn thế nào là năng lực số và nhận ra rằng phần kiến thức này cần được tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa cho các nhóm người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ”, Lê Thị Kim Vân – Sinh viên một trường ĐH tại TPHCM.
Nhờ tâm huyết của những sinh viên như Vy, Dự án đã hoàn thành mục tiêu đào tạo cho cộng đồng NKT tại Hà Nội. Thông qua 6 buổi chia sẻ, Dự án đã góp phần nâng cao năng lực kỹ thuật số và kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân cho 289 người (206 phụ nữ, 83 nam giới) bao gồm người khiếm thị, người khiếm thính, và người khuyết tật vận động. Tại TP. HCM và Tiền Giang, Dự án đã triển khai thành công 11 buổi đào tạo cộng đồng, đào tạo được 391 người thuộc cộng đồng yếu thế nơi đây.
Sau khóa đào tạo, Nguyễn Hồng Quân, một người khiếm thị, khuyết tật vận động chia sẻ rằng: “Trước khi được tham gia Dự án, bản thân tôi đã gặp một số hình thức lừa đảo trên không gian mạng, nhưng khi đó, tôi chưa có nhiều kiến thức để nhận biết và cũng rất lúng túng khi tìm các biện pháp phòng tránh. Thông qua những buổi tập huấn, các giảng viên trong ban tổ chức đã trang bị thêm cho tôi rất nhiều kiến thức mới bổ ích về việc đối phó với các hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Tôi rất mong tiếp tục được tham gia các buổi tập huấn tiếp theo”.
Theo đại diện Dự án Nâng cao kiến thức kỹ thuật số cho cộng đồng yếu thế cho biết sắp tới, các cuộc đối thoại chính sách sẽ được diễn ra vào thời gian tới tại TP. HCM và Hà Nội với sự tham gia của Chính phủ, nhóm nghiên cứu RMIT Việt Nam, và các bên liên quan.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.