Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: 'Những lời dạy của Người đã đi vào trái tim tôi'
- Thủy chung chí nghĩa chí tình với bạn bè quốc tế - giá trị cao đẹp trong nhân cách Bộ đội Cụ Hồ
- Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Ấn tượng về lời căn dặn phát huy đạo đức, phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, trung thành với Tổ quốc, với nhân dân!
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- trái tim rực cháy ngọn lửa cách mạng vì Tổ quốc, vì Đảng và vì nhân dân
Lúc nhỏ, tôi đã thấm thía nỗi khổ của người dân mất nước. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” - đã đi vào tâm khảm, trái tim tôi.
Năm 1965, khi cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Chúng tôi chiến đấu dưới ngọn cờ Tổ quốc – Đất nước Việt Nam do Chủ tịch Hồ chí Minh lãnh đạo toàn dân tộc, đấu tranh với giặc ngoại bang mà giành lại được. Chúng tôi vinh dự được Nhân dân trìu mến gọi “Anh bộ đội cụ Hồ” - hoàn toàn chính đáng và rất đỗi thân thương.
Trong cuộc đời binh nghiệp của tôi, có rất nhiều cái Tết. Song có những cái Tết đã để lại trong tôi bao niềm xúc động, ấn tượng đặc biệt không thể nào quên. Cho dù đóng quân ngoài vùng giải phóng hay trong vùng có địch chiếm đóng, chúng tôi vẫn luôn háo hức, mong đợi đến thời khắc giao thừa để được nghe lời chúc Tết, nghe thơ của Bác.
Thượng tướng – Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu.
Những lần như thế, lòng yêu nước và niềm tin vào cách mạng trong mỗi chúng tôi lại trào dâng. Đặc biệt, sau Tết Mậu Thân 1968, Quân Giải phóng gặp rất nhiều khó khăn. Lương thực không đủ ăn. Quân trang không đủ mặc. Đơn vị chúng tôi khi ấy ở chiến trường B5, được giao nhiệm vụ vừa phải cùng với các đơn vị bộ đội và du kích địa phương đánh địch giữ chiến trường, vừa phải chuẩn bị cho các chiến dịch tiếp theo. Năm 1969, khi bài thơ chúc Tết của Bác được đọc trên Đài Tiếng nói Viêt Nam, thì Nhạc sỹ Huy Thục đã nhanh chóng phổ nhạc:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên chiến sỹ đồng bào
Bắc – Nam xum họp xuân nào vui hơn”.
Bài hát phổ thơ của Bác - như một lời hiệu triệu thúc giục chúng tôi vững tin bước vào những trận đánh mới. Thật tiếc thương, đúng năm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi… Thoạt tiên, nghe Đài Phát thanh Giải phóng báo tin về sức khỏe không được tốt của Bác, cả đại đội tôi, mọi người thức suốt đêm, chỉ mong sao Bác khỏe lại để cùng với Trung ương lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến. Thậm chí, chúng tôi mong - giá như có một phép màu nhiệm, mình phải làm một việc gì đó đầy vất vả hy sinh để Bác được khỏe mạnh trở lại, chúng tôi cũng sẵn sàng.
Nhưng rồi cuối cùng, chúng tôi đã phải lắng nghe tin buồn thông báo Bác đã ra đi… Chúng tôi đứng xếp hàng nghiêm trang dưới những tán lá rừng theo dõi lễ tang qua chiếc đài bán dẫn. Trên đầu, máy bay trinh sát của địch vẫn vè vè nhòm ngó. Thi thoảng lại nghe thấy tiếng bom, tiếng đạn pháo nổ của địch. Có lúc, cả đơn vị như chìm xuống, chết lặng. Nhất là khi đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất, thay mặt Trung ương Đảng đọc điếu văn với lời lẽ truyền cảm, thống thiết, khi đó, cả đơn vị không ai cầm nổi nước mắt…
Ngày hôm sau, cấp trên cho mang xuống đơn vị một tờ báo Quân Giải phóng. Chúng tôi chuyền tay nhau đọc lời di chúc của Bác. Rồi chúng tôi phát động toàn đơn vị biến đau thương thành hành động, quyết tâm thực hiện di chúc của Người. Từ đó, đơn vị chúng tôi liên tiếp thực hiện những trận đánh, lập nhiều chiến công dâng lên vong linh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Khi một nửa đất nước còn chịu ách thống trị của Mỹ - Ngụy, thì trái tim Người luôn hướng về miền Nam, thương nhớ đồng bào ngày đêm với niềm mong mỏi ngày thống nhất đất nước.
Tình cảm của Người dành cho đồng bào miền Nam, được thể hiện qua câu nói giản dị mà rất nổi tiếng: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Trong hàng ngàn bức thư, bức điện, bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn…, Bác Hồ luôn dùng những lời lẽ cao quý nhất, trang trọng nhất để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường, lòng yêu nước của đồng bào và chiến sỹ miền Nam…
Trong di chúc của Người, ngay dòng đầu tiên đã khẳng định như một lời tiên tri: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”. Bởi vậy, chiến dịch 30/4/1975 được mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh” - là rất có ý nghĩa.
Tôi rất tiếc là chỉ được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh qua phim ảnh và nghe giọng nói của Người trên sóng phát thanh bởi tôi liên tục chiến đấu trong chiến trường miền Nam. Khi tôi ra Bắc thì Bác đã đi xa. Giờ đây, tuy đã ở tuổi 78 tôi vẫn rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không chỉ bằng sách vở, mà còn bằng những việc làm cụ thể như thực hiện trách nhiệm nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, tác phong, lối sống và các hoạt động trong lĩnh vực khoa học, môi trường, đền ơn đáp nghĩa…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.