Tìm tiếng nói chung giữa ngân hàng và doanh nghiệp

2017-10-30 12:32:32 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Trong những năm qua, rất nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trên thực tế, đầu tư tín dụng đối với DNNVV đã liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về vốn, phục vụ sản xuất kinh doanh của các DNNVV.
Theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cho biết, DNNVV hiện chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm. 


Hội thảo giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất kinh doanh, thời gian qua có rất nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến 31/8/2017, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt 1.292.182 tỷ đồng, tăng 7,49% so với cuối năm 2016, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2016 và chiếm tỷ trọng 21,14% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Như vậy, đầu tư tín dụng đối với DNNVV đã liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về vốn, phục vụ sản xuất kinh doanh của các DNNVV đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.
Hiện nay có trên 200 nghìn DNNVV đang có dư nợ tại các tổ chức tín dụng (TCTD). Kết quả này có được là nhờ vào nỗ lực triển khai các chính sách tín dụng ngân hàng hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Điển hình như: Thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 7/2017, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,5% mức lãi suất này từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho đối tượng DNNVV tiếp cận vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, NHNN chỉ đạo các TCTD xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay, qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản;

Các TCTD cũng chủ động tiếp cận đối tượng khách hàng là nhóm DNNVV, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên, hỗ trợ cho các khách hàng DNNVV, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của các DN này. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quân Đội triển khai Chương trình cho vay DNNVV với quy mô 30 nghìn tỷ đồng; TPBank dành 5 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 6,9% dành cho các DN xuất khẩu và DN công nghiệp phụ trợ (trong đó có DN nhỏ và vừa); Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh Nghiệp với quy mô 1.200 tỷ đồng, lãi suất từ 6,9%/năm. NHNN cho biết, tính đến hết tháng 6/2017, chương trình Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp tại các địa phương đã giải ngân đạt hơn 375 nghìn tỷ đồng cho hơn 30 nghìn khách hàng DN; số tiền được gia hạn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ là hơn 25 nghìn tỷ đồng cho hơn 1.000 DN. Ngoài ra, các ngân hàng còn áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất, giảm phí ... cho gần 6 nghìn DN với tổng dư nợ được hỗ trợ là 17 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, chương trình cho vay bình ổn thị trường đạt trên 19.423 tỷ đồng/4.110 tỷ đồng tổng dư nợ tín dụng cho Chương trình; mức lãi suất cho vay ngắn hạn VND tiếp tục duy trì ở mức từ 4%-9%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 5,5%-10,8%/năm.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, quan hệ tín dụng giữa ngân hàng thương mại và DNNVV đã được cải thiện theo hướng cởi mở hơn, gần gũi hơn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng DN hiện vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng về thủ tục vay ngân hàng, tài sản thế chấp, tỷ lệ vốn vay của DNNVV chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn. Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc cho vay DNNVV. 

Về phía các DNNVV, phần lớn các DNNVV có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, thiếu tài sản đảm bảo cho khoản vay theo quy định hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp, quyền sở hữu tài sản không minh bạch, chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ đã vay... 

Còn về phía các TCTD, dù nguồn vốn luôn sẵn sàng nhưng các TCTD cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV, nhất là các DN hoạt động trong các lĩnh vực mới, đặc thù mà còn nặng về tài sản bảo đảm cho khoản vay, khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền của các DNNVV khi cho vay vốn, vì không có thông tin đầy đủ về DN, không kiểm soát được quá trình mua bán, thanh toán hàng hóa dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho các DNNVV vay. Bản thân các TCTD khi cho vay cũng cần phải thẩm định đầy đủ các điều kiện của các DN để đảm bảo an toàn vốn. 

Các chuyên gia cũng chỉ ra một số nguyên nhân khác như sức cạnh tranh của DN Việt Nam nói chung, DNNVV nói riêng trên thị trường trong nước và quốc tế; biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, bão lũ ngày càng phức tạp cũng ảnh hưởng nghiêm trọng hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN, kéo theo đó là ảnh hưởng tới hiệu quả cho vay của các TCTD.

Chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV còn tồn tại nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả trong trợ giúp DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, vì vậy chưa khuyến khích được các DNNVV tìm đến và các TCTD cho vay có bảo lãnh của các tổ chức này...

Do đó, giải pháp tín dụng cho DNNVV không chỉ phụ thuộc vào DN và các TCTD mà còn cần các giải pháp mang tính tổng thể với sự vào cuộc và phối hợp đồng bộ của nhiều Bộ ngành, địa phương và các giải pháp phát triển thị trường vốn.

Lãi suất không còn là điểm nghẽn giữa DNNVV và ngân hàng mà quan trọng nhất là thiếu thông tin trao đổi giữa đôi bên. Từ khi Thông tư 39 của NHNN ra đời, quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với DNNVV cởi mở hơn, hiệu quả hơn. Nhưng cho đến nay, dư nợ tín dụng của DNNVV đạt 1,29 triệu tỷ đồng, nếu so với 97% tổng DN đang hoạt động tại Việt Nam, mức cho vay này chỉ như “muối bỏ bể”. 

Ông Bùi Ngọc Tường, Tổng Giám đốc DN chuyên vận hành, quản lý các nhà máy nước sạch cho biết, số lượng khách hàng ngày càng tăng, do đó, công ty muốn mở rộng kinh doanh nhưng rất khó tiếp cận vốn ngân hàng, vì tài sản của công ty chủ yếu là đường ống cấp nước cho người dân mà không được ngân hàng coi là tài sản đảm bảo.

“Diện tích nhà xưởng, đất của công ty được Nhà nước cho thuê miễn phí nên cán bộ ngân hàng nói nếu xảy ra rủi ro không thể thu hồi đất này. Hoặc ngân hàng cũng không thể đào ống nước lên khi cần thu hồi nợ xấu”, ông Tường cho biết.

Là DN chuyên về sản xuất chè, bà Lê Phương, Giám đốc công ty TNHH Chè Á Châu, cho hay, để nâng cao tính cạnh tranh, các DN phải không ngừng nâng cao công nghệ, nhưng muốn làm phải có vốn. Do diện tích đất trồng chè không có giá trị thế chấp để bảo lãnh vay vốn nên việc thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ trở thành vòng luẩn quẩn. “Vốn ít, đầu tư công nghệ thấp, khiến năng suất thấp và kéo theo tốc độ tăng trưởng thấp. Từ đó, khó tích lũy vốn cho nền kinh tế”, bà Phương nói.

Chia sẻ với báo giới về thực trạng này, chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực cho biết, lãi suất không phải điểm nghẽn giữa DNNVV và ngân hàng do hiện nay, mức lãi suất cho vay trong các chương trình tín dụng ưu tiên, gói tín dụng của các ngân hàng thương mại dành riêng cho DNNVV thường thấp hơn mặt bằng lãi suất chung 0,5-1,5%. Điều này đã giúp cho các DNNVV có thêm nguồn lực phát triển, cho nên quan trọng nhất là thiếu thông tin trao đổi giữa đôi bên khiến ngân hàng không “mặn mà” cho DNNVV vay vốn.

Ông Lực phân tích, nghề ngân hàng là huy động vốn và cho vay nhưng DNNVV cũng là đối tượng khách hàng chính mà ngân hàng cần phải “chăm sóc”. Tuy nhiên, DNNVV hiện đang thiếu minh bạch về thông tin, tài chính, phương án kinh doanh; chủ DN thường ngại hoàn thiện hồ sơ để vay vốn (do thiếu nhân lực hoặc nghĩ thủ tục phức tạp); thiếu tài sản bảo đảm nên ngân hàng khó cho vay vốn. Mặc khác, bản thân các cán bộ tín dụng đi xác minh thông tin cũng e ngại đề xuất cho vay khi DN chưa đủ các điều kiện, bởi vì xảy ra rủi ro cán bộ ngân hàng sẽ vướng vào lao lý.


Ảnh minh họa

Trong khi đó, chuyên gia ngân hàng Lê Xuân Nghĩa cho rằng trước đây chỉ có các DN nhà nước mới được các ngân hàng cho vay tín chấp, nhưng nay nhiều DNNVV cũng được vay tín chấp thay vì tài sản bảo đảm, chiến lược kinh doanh. “Đây là điều chưa có tiền lệ trong ngành ngân hàng, nó thể hiện niềm tin của ngân hàng vào DN, nhưng đó phải là các DN họ biết mặt đặt tên và kỳ vọng. Vì vậy, để lọt “mắt xanh” của ngân hàng đòi hỏi các DN phải có bản tài chính tốt và được thẩm định khả năng hiệu quả, đây là cách làm sáng tạo, phù hợp thay vì làm theo khuôn mẫu, quy định cứng nhắc”, ông Nghĩa cho hay.
Tuy nhiên, số lượng DNNVV lọt vào “mắt xanh” của ngân hàng rất ít, bởi vì để tránh rủi ro cho mình, các ngân hàng bắt buộc phải thận trọng. Do đó, nếu không tìm được tiếng nói chung, có lẽ vòng luẩn quẩn vay – mượn giữa ngân hàng và DN sẽ tiếp tục còn kéo dài trong nhiều năm tới.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

TP. Vinh là trung tâm kinh tế, văn hóa của tiểu vùng Bắc Trung Bộ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định 376/QĐ-TTg, ngày 4/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
2024-05-07 21:18:00

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và dấu ấn chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh xuất chúng, người đã thấm nhuần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư duy sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân, đã đưa ra quyết định quan trọng, chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đi tới thắng lợi cuối cùng cũng chính từ bước ngoặt quan trọng này. Tài thao lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ.
2024-05-07 14:41:26

Hình ảnh cuộc diễu binh sống dậy ký ức 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào sáng 7/5 tại Sân vận động tỉnh Điện Biên với cuộc diễu binh khí thế ngút trời.
2024-05-07 11:42:59

Video cuộc diễu binh trên đường phố Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra sáng ngày 7/5/2024 là hoạt động chính trị vô cùng quan trọng nhằm khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
2024-05-07 11:36:26

Người dân đội mưa chen kín quanh SVĐ dự Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, hàng nghìn người dân đứng dưới mưa để chứng kiến lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Cơn mưa nặng hạt không làm ảnh hưởng nhuệ khí ngút trời của lực lượng diễu binh cũng như người dân Điện Biên và du khách.
2024-05-07 09:43:23

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Pháp

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
2024-05-07 08:48:42
Đang tải...