Tín dụng bán lẻ dẫn dắt tăng trưởng
Đẩy mạnh tín dụng bán lẻ
Thời gian qua, xu hướng tập trung cho vay mảng bán lẻ đã xuất hiện và cạnh tranh mạnh mẽ trong hệ thống NHTM. Trong nhóm 13 ngân hàng niêm yết lớn nhất trong hệ thống, tỷ lệ cho vay bán lẻ trên tổng dư nợ tín dụng đã tăng từ 32,2% trong năm 2017 lên 35,5% trong năm 2018 và đạt mức trên 40% vào cuối 2019.
Các chuyên gia và các đại diện ngân hàng tại Diễn đàn ngân hàng bán lẻ 2019
Trên thực tế, trong số 13 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2020 trong tháng 4 vừa qua, những ngân hàng có lợi nhuận tuyệt đối cao nhất trong hệ thống đều là những tên tuổi mà mảng cho vay bán lẻ đã được tập trung rất mạnh trong giai đoạn 2017-2019 như Vietcombank, VPBank, TPBank, VIB…
Kết quả báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng thương mại cho thấy, trong các năm từ 2017 đến 2019 mảng tín dụng cá nhân của hàng chục ngân hàng đã có sự tăng trưởng liên tục. Tại Vietcombank lĩnh vực tín dụng cá nhân đã tăng từ 32,7% năm 2017 lên lần lượt 36,9% vào năm 2018 và đạt mức 42% vào cuối quý III/2019. Ngoài ra, cho vay mua nhà hiện nay vẫn là động lực tăng trưởng chính tín dụng bán lẻ của ngân hàng. Trong giai đoạn 2020-2022 dự báo cho vay cá nhân của Vietcombank sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh và tỷ trọng cho vay cá nhân sẽ chiếm khoảng 65% tổng dư nợ vào 2025.
Với việc chuyển dịch mạnh mẽ phân khúc bán lẻ, dư nợ cho vay nhóm khách hàng cá nhân của BIDV trong giai đoạn 2014-2018 có mức tăng trưởng bình quân 40%/năm. Kết thúc năm 2018 tỉ trọng cho vay bán lẻ chiếm 34,1% tổng dư nợ cho vay của BIDV trong khi đó đến hết năm 2019 con số này được nâng lên mức 34,5% và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng.
Còn ở VietinBank, phân khúc bán lẻ cũng đã có sự đột phá mạnh mẽ. Dư nợ cho vay cá nhân tăng trung bình gần 35%/năm trong giai đoạn 2017-2019 và tỉ trọng cũng chiếm khoảng trên 3% tổng dư nợ vào cuối năm 2019.
Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, hiện nay các ngân hàng như: VPBank, HDBank, TPBank, MB, VIB, ACB… đều có sự tăng trưởng tín dụng bán lẻ rất mạnh mẽ. Trong năm 2019, biên lãi ròng (NIM) của hàng loạt ngân hàng được cải thiện nhờ vào tăng trưởng tín dụng bán lẻ, bao gồm tài chính tiêu dùng, tín dụng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ.
Tại VIB cho thấy, trong năm 2019 cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ của ngân hàng này đạt gần 110.000 tỉ đồng, tăng trưởng 46% và chiếm tới 82% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này. Trong khi tại VPBank với sự đóng góp của FE Credit, các khoản vay tiêu dùng chiếm tới 57% tổng dư nợ và tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn trong hệ thống.
Còn ACB, mặc dù quy mô không quá lớn, nhưng hiện tại mảng bán lẻ của ngân hàng này hầu như chiếm tỉ lệ áp đảo trong cơ cấu tổng dư nợ. Tỉ trọng cho vay khách hàng cá nhân của ACB năm 2019 là 59% và cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa 32%. Số lượng khách hàng cá nhân của ACB đã tăng đều từ hơn 2 triệu khách vào đầu năm lên 3,1 triệu khách vào cuối quý III/2019.
Từ đầu năm 2019 với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu trong hệ thống vào năm 2025, ngân hàng này đã phối hợp với đơn vị tư vấn BCG (Hoa Kỳ) để triển khai Dự án “Chuyển đổi mô hình hoạt động ngân hàng bán lẻ - RTOM”. Theo đó, sau khi thí điểm mô hình hỗ trợ khách hàng tại quầy được áp dụng ở một số chi nhánh, thời gian xếp hàng tự động giảm trung bình từ 3-5 phút/lượt người. Độ hài lòng của khách hàng được đánh giá ở mức tối đa (4,9/5 tiêu chí).
Ở các ngân hàng thương mại khác việc đổi mới hệ thống công nghệ ngân hàng bán lẻ, cải thiện mô hình hỗ trợ giao dịch và gia tăng các sản phẩm tín dụng bán lẻ nhằm đáp ứng nhu cầu vốn và nâng cao độ hài lòng của khách hàng cũng không hề kém cạnh.
Đại diện BIDV cho biết, ngay từ năm 2019 ngân hàng này cũng đưa vào hoạt động Trung tâm Ngân hàng số để giảm thiểu tối đa thời gian chờ đợt của khách hàng. BIDV áp dụng đồng bộ hóa tuyệt đối các ứng dụng trực tuyến trên các kênh Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, Web Chat, Facebook, YouTube và cả trên đồng hồ thông minh (Apple Watch). Hiện tại, ngân hàng này cũng đã xây dựng các kênh tự phục vụ (e-zone) tại phòng giao dịch, đồng thời triển khai một số sản phẩm sáng tạo cùng đối tác như: Samsung Pay, QR Pay, Chat-bot trên ứng dụng Mobile Banking, Swift GPI, rút tiền ATM trên điện thoại…
Việc đổi mới mô hình này, theo BIDV đã giúp hệ thống phát triển khoảng 20 loại sản phẩm, dịch vụ tín dụng trong mảng bán lẻ. Quy mô tín dụng bán lẻ đạt mức 360 nghìn tỉ đồng (năm 2019) với khoảng 12 triệu khách hàng cá nhân, trong đó có khoảng hơn 7 triệu khách hàng trong mảng ngân hàng số.
Trong khi đó, tại BaoVietBank và MSB để hướng tới mục tiêu đưa mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ lên mức 40% trong năm 2020, các đơn vị này đã nỗ lực đầu tư hàng loạt các công nghệ số và mở rộng các sản phẩm tín dụng cá nhân. Theo BaoVietBank với các sản phẩm gửi tiết kiệm trên App ViettelPay, phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh, triển khai các chương trình ưu đãi như Easy Car, Happy House, Partnership… trong thời gian qua ngân hàng đã thu hút được trên 12.000 khách hàng tham gia gửi tiết kiệm và vay vốn.
Còn đại diện khối bán lẻ của MSB cũng chia sẻ, trong năm nay ngân hàng sẽ tận dụng tối đa gói tín dụng 7 nghìn tỉ đồng được thiết kế cho khách hàng cá nhân vay tín chấp và vay thế chấp để thúc đẩy doanh thu mảng bán lẻ tăng trưởng ở mức 40%. Để đạt mục tiêu này MSB đã phối hợp với hãng tư vấn Mc Kinsey hoạch định chiến lược kinh doanh mới trong giai đoạn 2019-2023. Trong đó, ở mảng bán lẻ, ngân hàng sẽ dành tối thiểu tới 30% nguồn lực của mảng này để phối hợp với khối ngân hàng số (Digital Banking) và các đối tác Fintech chiến lược nhằm xây dựng các sản phẩm số hóa kết hợp với tín dụng bán lẻ truyền thống.
Tăng thêm thời gian gia hạn nợ
Theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các ngân hàng được phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ thêm một khoảng thời gian tối đa là 12 tháng cho người vay vốn bị ảnh hưởng Covid-19 dẫn đến sụt giảm thu nhập, doanh thu. Theo đó, những khoản vay phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi vay trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 (ngày Thủ tướng công bố dịch Covid-19) đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 mà khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19 sẽ được ngân hàng cho vay vốn gia hạn nợ mà không chuyển nhóm.
Thực tế, Thông tư 01 được NHNN ban hành kịp thời đã tháo gỡ được khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là không có dòng tiền, thiếu thanh khoản để trả nợ, lãi, thanh toán thuế, phí… Bởi vậy, điều mà doanh nghiệp cần nhất lúc này là được gia hạn nợ và vẫn được giữ nguyên nhóm nợ vì nếu bị chuyển nhóm nợ, doanh nghiệp sẽ bị hạ điểm tín dụng, điều đó sẽ gây nhiều khó khăn cho việc vay mới sau này.
Tại Hội nghị trực tuyến về tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 do NHNN Việt Nam tổ chức mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã yêu cầu toàn bộ hệ thống các TCTD cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của Ngành với nền kinh tế, triển khai mạnh mẽ các biện pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất cho vay. Phải xác định việc hỗ trợ khách hàng vay vốn cũng là hỗ trợ cho chính các TCTD, giúp hệ thống TCTD hoạt động tốt hơn trong giai đoạn khó khăn.
Theo đó, các TCTD phải coi việc tập trung chỉ đạo triển khai Chỉ thị 01, Thông tư 01, Chỉ thị 02 của NHNN là công việc trọng tâm trong năm 2020 và Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc các TCTD chịu trách nhiệm trước Ban lãnh đạo NHNN về việc triển khai thực hiện công việc trọng tâm này.
Đến nay, các TCTD đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng: (1) Cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 170.746 khách hàng với dư nợ 128.210 tỉ đồng; (2) Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.372 khách hàng với dư nợ 28.441 tỉ đồng; Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 318.528 khách hàng với dư nợ 980.163 tỉ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí một số TCTD đã hạ lãi suất 2,5% lên tới trên 4% cho khách hàng); Cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch khoảng 1-2% cho 147.637 khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt 533.122 tỉ đồng.
Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản toàn hệ thống được đảm bảo. Tính đến ngày 27/4/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,61% so với cuối năm 2019, huy động vốn tăng 0,31%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 1,18%.
Diễn biến tỉ giá và thị trường ngoại hối tương đối ổn định trong 2 tháng đầu năm, từ ngày 16/3/2020, tỉ giá bắt đầu có xu hướng tăng nhanh, có thời điểm tăng khoảng 2% so với cuối năm 2019. Tuy nhiên, sau khi NHNN thực hiện truyền thông để ổn định tỉ giá (ngày 23/3/2020) và niêm yết tỉ giá bán can thiệp ở mức 23.650 VND/USD (sáng 24/32020), tỉ giá giao dịch trên thị trường đã có xu hướng giảm và ổn định trở lại. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Đến ngày 29/4/2020, tỉ giá trung tâm ở mức 23.257 VND/USD, tăng 0,44% so với cuối năm 2019; tỉ giá giao dịch của Vietcombank ở mức 23.330/23.510 VND/USD, tăng 0,95/1,21% so với cuối năm 2019, NHNN tiếp tục mua ngoại tệ từ các TCTD để bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết, tại VietinBank phần lớn khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh có nhu cầu gia hạn nợ chứ không có nhiều khách hàng có nhu cầu giảm lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ cũ. Tính đến cuối tháng 4 tổng số các khoản nợ bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 của VietinBank khoảng 300 nghìn tỉ đồng (chiếm 30% tổng dư nợ của ngân hàng này). Đến nay, ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 700 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 33 nghìn tỉ đồng, tương đương hơn 10% tổng số dư nợ bị ảnh hưởng dịch bệnh của khách hàng.
Hoạt động bán lẻ đóng góp quan trọng vào doanh số ngân hàng. Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Các ngân hàng khác cũng tích cực vào cuộc thực hiện gia hạn nợ để hỗ trợ khách hàng. Ở VPBank đến cuối tháng 4/2020 có gần 150 ngàn hộ kinh doanh có dư nợ, trong đó 60% rơi vào khó khăn, mỗi khoản vay nhỏ có dư nợ từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng nên số lượng hồ sơ đề nghị gia hạn nợ rất lớn. Đến nay, VPBank đã cấu trúc nợ, giãn nợ khoảng hơn 6.000 khách hàng, cho vay mới hơn 3.000 khách hàng với dư nợ hơn 5.000 tỉ đồng.
SHB cũng thông tin, đến nay dư nợ được thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ tại ngân hàng này là 23.339 tỉ đồng, chiếm 9% tổng dư nợ của ngân hàng. VIB cũng đã thực hiện cơ cấu nợ khoảng 700 khách hàng với tổng dư nợ là 600 tỉ đồng và sẽ tiếp tục xử lý cho 4.700 khách hàng với dư nợ 6.600 tỉ đồng trong thời gian tới; Agribank đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ gần 30.000 tỉ đồng, với gần 15.000 khách hàng…
Tuy nhiên, điều mà các lãnh đạo ngân hàng băn khoăn là thời gian cơ cấu lại nợ tối đa 12 tháng là quá ngắn. Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, do dịch bệnh diễn biến còn rất phức tạp, không biết ngày nào Thủ tướng Chính phủ mới công bố hết dịch. Vì vậy không nên khống chế “cứng” thời gian cơ cấu lại nợ tối đa là 12 tháng, bởi chưa biết liệu đến lúc đó đã hết dịch, chưa kể ngay cả khi hết dịch doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian mới có thể phục hồi.
Nhiều lãnh đạo các ngân hàng đề nghị NHNN xem xét kéo dài thời hạn cơ cấu nợ lên 36 tháng, thay vì 12 tháng như hiện tại. Bởi sau khi hết dịch, nhiều doanh nghiệp sẽ phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi kinh doanh tới 1-2 năm mới phát triển lại và có nguồn tiền trả nợ ngân hàng.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cũng cho rằng, nên xem xét thời hạn tái cơ cấu các khoản nợ kéo dài đến khi WHO công bố hết dịch. Bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tham gia chuỗi toàn cầu nên dù Việt Nam có kiểm soát được dịch tốt nhưng thị trường quốc tế của doanh nghiệp đó vẫn chưa hết dịch nên vẫn ảnh hưởng rất nặng nề.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cũng đề nghị mở rộng thời gian gia hạn nợ cho DN và kiến nghị NHNN cho phép cấu trúc nợ online và bổ sung hồ sơ pháp lý sau mới kịp giải quyết hỗ trợ cho người vay vốn đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây nên.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.