Tín dụng chính sách là “đòn bẩy” cho hộ nghèo phát triển
Nhiều hộ thoát nghèo nhờ được vay vốn
Theo ông Lê Bình, Giám đốc NHCSXH huyện Tam Nông, hiện nay đơn vị đang quản lí và triển khai cho vay 16 chương trình tín dụng chính sách. Nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách đã được triển khai đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần giúp các hộ vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị - xã hội của Phòng giao dịch (PGD) NHCSXH huyện là 327.322 triệu đồng với 13.198 lượt khách hàng đang vay vốn, chiếm tỉ trọng 93,2% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại đơn vị. Kết quả này có đóng góp không nhỏ của tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Họ là những người ở cơ sở, gần dân nhất, luôn sát cánh cùng hộ vay trong quá trình sử dụng vốn. Huyện Tam Nông đã xây dựng được mạng lưới Tổ TK&VV tại khắp các khóm, ấp để tiếp tục chuyển tải kịp thời vốn chính sách đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng thụ hưởng khác.
Ông Châu Văn Bo, Uỷ viên Ban thường vụ Huyện uỷ Phó Chủ tịch UBND huyện trao Giấy khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện
Thực hiện phương thức ủy thác, NHCSXH huyện Tam Nông tổ chức được mạng lưới hoạt động rộng khắp, trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện quản lí 85.162 triệu đồng với 3.465 lượt khách hàng đang vay vốn tại 76 Tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 26% trên dư nợ ủy thác cho vay; Hội Nông dân huyện quản lí 101.083 triệu đồng với 3.996 khách hàng đang vay vốn tại 86 Tổ TK&VV, chiếm tỉ trọng 31% trên dư nợ ủy thác cho vay; Hội Cựu chiến binh huyện quản lỉ 65.302 triệu đồng với 2.537 lượt khách hàng thuộc 53 Tổ TK&VV, chiếm tỉ trọng 20% trên dư nợ ủy thác cho vay; Huyện Đoàn quản lí 75.774 triệu đồng với 3.200 lượt khách hàng đang vay vốn tại 72 Tổ TK&VV, chiếm tỉ trọng 23% trên dư nợ ủy thác cho vay. Có thể nói, phương thức cho vay này đã thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ, của tỉnh và của huyện đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì mở rộng được các hội nhóm cơ sở và lồng ghép triển khai các chủ trương, chính sách khác của Đảng và Nhà nước đến người dân hiệu quả.
Phương thức cho vay có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gắn với thực hiện bình xét cho vay tại các Tổ TK&VV dưới sự chứng kiến tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã và Trưởng khóm, ấp, ngân hàng giải ngân trực tiếp cho người vay tại các Điểm giao dịch xã được triển khai có hiệu quả trong những năm vừa qua đã góp phần đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch và kịp thời. Thông qua phương thức cho vay này, tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, chuyển giao khoa học kĩ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách, hoạt động của tổ chức hội được mở rộng, phong phú, uy tín của các hội đoàn thể được nâng lên, từ đó góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở.
Tại xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, ông Lê Văn Tèo, 60 tuổi sống ở ấp Long Thành là một trong những hộ gia đình sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay của NHCSXH. Lê Văn Tèo chia sẻ: “Được NHCSXH huyện Tam Nông cho vay 50 triệu đồng để chăn nuôi nuôi bò. Nhờ cần cù chăm sóc và thường xuyên vệ sinh chuồng trại, giăng mùng cho bò ngủ, phòng ngừa dịch bệnh cho bò nên đến nay sau hơn 4 năm nuôi, ông Tèo đã cho xuất chuồng nhiều đợt, thu nhập cả trăm triệu đồng. Trả vốn và lãi cho ngân hàng đúng hạn và tiếp tục vay vốn lại theo chu kì để nuôi thêm dê sinh sản… Tiền lãi thu được không những đã trả được lãi ngân hàng mà còn dư gửi tiết kiệm. Mỗi năm, gia đình tôi cũng trích ra một phần để mở rộng mô hình sản xuất. Năm 2020 gia đình đã thoát nghèo”.
Trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 11.254 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 10.203 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 1.361 lao động, giúp cho 1.176 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ vốn để xây mới và cải tạo 9.754 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng 2.182 ngôi nhà cho hộ nghèo, nhà vượt lũ Đồng bằng sông Cửu Long, nhà ở xã hội...
Đáng chú ý, để khắc phục khó khăn sau đại dịch Covid-19, nguồn vốn cho vay đã giúp cho hàng trăm lao động có việc làm, hỗ trợ vốn cho trên 180 em học sinh, sinh viên có điều kiện mua thiết bị học tập trực tuyến, cho vay trên 12 tỉ đồng để các doanh nghiệp trả lương cho hàng ngàn lao động ngừng việc và khôi phục sản xuất kinh doanh.
Giải pháp trợ lực các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với tín dụng ngân hàng, do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiện tại, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được triển khai đều khắp các xã của huyện Tam Nông, đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi. Nhờ mạnh dạn vay vốn của NHCSXH nên đã thoát nghèo bền vững.
Trải qua 20 năm hoạt động với không ít khó khăn… các thế hệ lãnh đạo Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Tam Nông bằng ý chí quyết tâm và bản lĩnh đã vượt qua mọi gian nan, vất vả… chỉ đạo, điều hành hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện không ngừng phát triển, góp phần đáng kể trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở địa phương và thúc đẩy nền kinh tế huyện Tam Nông phát triển khởi sắc như ngày hôm nay. Mục tiêu tới, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Tam Nông sẽ tập trung nguồn lực và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, của tỉnh Đồng Tháp từng giai đoạn; phát triển NHCSXH huyện theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tín dụng của Đảng, Chính phủ, phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ ngày càng có hiệu quả hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Bằng nhiều giải pháp hiệu quả, đến cuối năm 2021 huyện Tam Nông còn 1.388 hộ nghèo, chiếm 4,90%; hộ cận nghèo có 2.873 hộ, chiếm 10,14%.
Ngày nay trên mảnh đất Tam Nông, đã hình thành một dây chuyền gắn kết 4 nhà là “ngân hàng - chính quyền - tổ chức chính trị xã hội - Tổ TK&VV” trợ lực giúp người nghèo khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.