Tin tức kinh tế, tài chính ngày 21/7/2021: Các ngân hàng sẽ mở đại lý ủy thác để giao dịch, thanh toán?
Giá vàng hôm nay 21/7: Giảm khi dòng tiền dồn vào kênh đầu tư khác
Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước cũng giảm theo đà đi xuống của giá vàng thế giới.
Lúc 9 giờ, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 56,8 triệu đồng/lượng, bán ra 57,45 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giảm 150.000 đồng/lượng khi được giao dịch quanh 51,2 triệu đồng/lượng mua vào, 51,9 triệu đồng/lượng bán ra. Biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng trang sức cũng được giãn rộng lên 700.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng PNJ có xu hướng giảm mạnh hơn khi lùi về 51,5 triệu đồng/lượng mua vào, 52,9 triệu đồng/lượng bán ra, mất tới 200.000 đồng/lượng.
Lúc 9 giờ, theo giờ Việt Nam, giá vàng hôm nay trên thị trường quốc tế tiếp tục đi xuống 1.807 USD/ounce, tương đương khoảng 50,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC trên 7,1 triệu đồng/lượng.
Tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.211 đồng/USD, tăng thêm 4 đồng mỗi USD so với hôm qua. Giá USD ở các ngân hàng được điều chỉnh nhích lên 22.930 đồng/USD mua vào, 23.130 đồng/USD bán ra, tăng 10 đồng mỗi USD so với hôm qua.
Đầu ngày 21/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay của thế giới giao dịch tại 1.810 USD/ounce, đánh dấu một phiên giảm 3 USD/ounce.
Đêm qua, giá vàng thế giới có lúc lên tới 1.825 USD/ounce nhưng không trụ được ở mức giá này khi dòng tiền trên thị trường dồn vào các kênh sinh lời khác.
Cụ thể, sau khi xuống còn 1,16%/năm, lãi suất trái phiếu Mỹ đã đảo chiếu leo lên 1,2%/năm. Giới đầu tư tài chính thu gom USD để mua trái phiếu giúp giá trị "đồng bạc xanh" giữ vững đà tăng. Vì thế, giá vàng không có động lực để bật tăng.
Mặt khác, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh, đồng thời cho biết các chuyên gia kinh tế của Nhà Trắng nhận định lạm phát tại Mỹ đang tăng chỉ là tạm thời vào sẽ giảm dần trong thời gian tới.
Có thể, thông tin này làm nhiều người suy đoán kinh tế Mỹ vẫn tăng tốc dù tình hình Covid-19 còn diễn biến khó lường. Theo đó, họ mạnh tay mua cổ phiếu giúp thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu đồng loạt "xanh" sàn. Đặc biệt tại Phố Wall, các chỉ số Dowjones tăng 549 điểm, S&P 500 tăng 64 điểm, Nasdaq giành lại 223 điểm sau khi đã giảm rất mạnh trong phiên dịch hôm trước.
Diễn biến của thị trường cổ phiếu và trái phiếu cho thấy dòng tiền chảy vào thị trường vàng bị chi phối rất mạnh. Từ đó, giới kinh doanh kim loại quý lo ngại việc nắm giữ vàng có thể bất lợi. Thế nên khi giá vàng thế giới giao dịch tại 1.825 USD/ounce, giới đầu tư đã ồ ạt bán ra thu về lợi nhuận.
Sau vài phút giao dịch, giá vàng thế giới bị nhấn chìm 20 USD/ounce, xuống còn 1.800 USD/ounce lúc 22 giờ ngày 20-7. Ở mức giá này, một số nhà đầu tư chuyên "đánh lên" (mua vào sau khi giá vàng giảm mạnh rồi chờ vàng tăng giá bán ra thu về lợi nhuận) kỳ vọng giá vàng sẽ ngoi lên nên họ đưa vốn vào thị trường. Giá vàng hôm nay bật tăng trở lại và đến 6 giờ ngày 21/7 giao dịch tại 1.810 USD/ounce.
Chứng khoán hồi phục
Dù trải qua khoảng thời gian dài chìm trong sắc đỏ, nhưng đến gần cuối phiên 20-7, thị trường chứng khoán đã hồi phục, vươn lên sắc xanh tăng trưởng. Đây cũng là phiên sinh nhật tròn 21 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đáng chú ý, sau khi bị áp lực bán đè nặng khiến rớt giá cổ phiếu trong hôm qua, sang hôm nay nhiều doanh nghiệp ghi nhận giá cổ phiếu lội ngược dòng, nhận được lực mua khá tốt, bao gồm Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Vietcombank (VCB), Vinhomes (VHM), Techcombank (TCB), Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR), PetroVietnam Gas (GAS), BIDV (BID), Thế giới di động (MWG), VietinBank (CTG)...
Dù vậy, hàng loạt doanh nghiệp có vốn hóa lớn cũng bị áp lực bán cổ phiếu như Đầu tư và phát triển Công nghiệp (BCM), An Phát Holdings (APH), Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (KDH), Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (PSH), Vincom Retail (VRE), Transimex (TMS)...
Về chỉ số ngành, trừ cổ phiếu thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, còn lại đều ghi nhận tăng trưởng. Trong đó, các cổ phiếu của nhóm nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, tài chính, hàng tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ tiện ích... đón nhận mức tăng khá tốt.
Khép phiên, VN-Index tăng 29,78 điểm (+2,39%) lên 1.273,29 điểm. Điểm tích cực là sắc xanh bao phủ diện rộng trên sàn HoSE, với 281 mã chứng khoán tăng giá, nhiều hơn 3 lần số mã rớt giá. Thanh khoản sàn HoSE đạt xấp xỉ 17.880 tỉ đồng, thấp hơn 18% so với phiên hôm qua và giảm 24% so với bình quân của tháng trước.
Mức độ hồi phục của rổ VN30 cao hơn VN-Index, khi chính thức chốt phiên với số điểm 1.411,02 (+36,87 điểm, +2,68%). Rổ này có 28/30 thành viên tăng giá, trong đó có mã SSI (Chứng khoán SSI) tăng trần.
Sắc xanh cũng lan tỏa tới sàn HNX và rổ HNX30, với mức tăng lần lượt 9,04 điểm (+3,1%) lên 301,11 điểm và 15,41 điểm (+3,4%) lên 468,73 điểm.
Trong ngày, thanh khoản ở ba sàn gồm HoSE, HNX và UPCoM đạt 21.179 tỉ đồng, giảm hơn 18% so với phiên trước, thấp hơn 32% so với phiên mở đầu tháng này.
Hôm nay, khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ gần 22 tỉ đồng. Lũy kế từ đầu tháng 7 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 6.490 tỉ đồng.
Dự thảo mô hình đại lý cho ngân hàng: Nhiều ý kiến trái chiều
Quy định cho phép ngân hàng ủy thác cho các bên thứ ba làm đại lý thanh toán, nhận được nhiều ý kiến trái chiều về mối lo ngại tính bảo mật hay các hoạt động nghiệp vụ bài bản...
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (thay thế Nghị định số 110/2014/NĐ-CP) trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm thúc đẩy chuyển đổi số, tạo các cơ chế khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Theo giải trình, mô hình ngân hàng đại lý (agent-banking) hoạt động chủ yếu tại các khu vực chưa có điểm giao dịch tài chính của ngân hàng, để người dân có thể thực hiện các dịch vụ cơ bản như nhận tiền mặt, hỗ trợ khách hàng rút, chuyển khoản; nhận các khoản thanh toán nợ, thanh toán hóa đơn, tham gia vào một phần thu thập thông tin khách hàng để làm thủ tục xác thực khách hàng...
Triển khai chính sách về đại lý ngân hàng nằm trong chiến lược đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt quốc gia
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng đưa ra quan điểm rằng, ông không quá ủng hộ chính sách này. Theo ông, các dịch vụ của ngân hàng đều mang tính chất nhạy cảm và yêu cầu bảo mật cao. Chính vì vậy, các ngân hàng ủy quyền cho một bên thứ ba như một tổ chức tài chính, một quỹ hoặc một công ty nào đó ở vùng xa xôi để thực hiện các chức năng thay ngân hàng, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trừ khi, các hoạt động này không kết nối, thâm nhập và hệ thống nội bộ mới không gây phá vỡ hệ thống bảo mật của ngân hàng. Còn nếu được thực hiện dưới danh nghĩa ngân hàng, truy cập vào hệ thống nội bộ thì e rằng hệ thống bảo mật khó mà bảo toàn. Mà vốn dĩ hệ thống bảo mật ngân hàng tại Việt Nam cũng chưa phải quá cao, trong khi quyền lợi của khách hàng cần phải được bảo đảm.
“Hiện nay, mô hình này cũng không được áp dụng nhiều ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, trừ một số dịch vụ như chuyển tiền, thì ngân hàng chỉ kết nối với công ty chuyển tiền, chứ cũng không ủy quyền cho một công ty bên ngoài nào thực hiện các chức năng của ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Tuy nhiên, nếu chính sách trên đi vào thực hiện, Ngân hàng Nhà nước nên quy định chặt chẽ những dịch vụ nào có thể được ủy quyền cho bên thứ ba. Đồng thời, đại lý được ủy quyền phải có trụ sở, vốn điều lệ tối thiểu và không có bất cứ sai phạm nào liên quan đến vấn đề tài chính, tiền tệ. Ngoài ra, các thông tin cá nhân giao dịch phải được bảo mật tuyệt đối và ngân hàng phải bảo lãnh cho những đại lý này, trong trường hợp gây thiệt hại cho khách hàng hoặc xảy ra tranh chấp.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia Tài chính đánh giá, việc ngân hàng uỷ quyền cho đại lý thực hiện một số chức năng sẽ có những lợi ích nhất định. Theo đó, có thể mở rộng khả năng hoạt động của hệ thống ngân hàng đến những địa phương, địa bàn mà hiện nay chưa có các chi nhánh hoặc các phòng giao dịch đại diện. Khi đó, đại lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự bao trùm của ngân hàng, trên cơ sở đó cũng mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Thực tế chúng ta thấy rằng, việc mở rộng hoạt động này cũng tạo tác động hai chiều, một là phát hành thẻ, hai là các điểm tiếp nhận thẻ, trong đó các trung tâm, cửa hàng mua bán lớn cũng có thể trở thành “chân rết” của hệ thống ngân hàng để chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên về hạn chế, bên thứ ba làm đại lý cho ngân hàng thường không được đào tạo một cách bài bản, đầy đủ về các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng, bao gồm cả mở thẻ, tiếp nhận thẻ. Từ đó dễ xảy ra những rủi ro nhất định và ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng.
Trước vấn đề này, rất cần sự nghiên cứu, phân tích của các ngân hàng đối với hoạt động đại lý ủy quyền để có các cơ chế hoạt động phù hợp, tạo ra lớp bồi dưỡng, đào tạo chuyên nghiệp, hay những yêu cầu ở mức tối thiểu cho một bên đại lý. Cùng với đó, cần đảm bảo an toàn về mặt tài chính, cũng như thực hiện đúng các quy định pháp luật trong việc mở thẻ tín dụng, cho vay, hay thanh toán,...
Đối với các quy định liên quan đến chính sách này như: Yêu cầu 80% số lượng đại lý loại này phải hoạt động tại địa bàn nông thôn; Các đại lý thanh toán không được thu phí cao hơn mức phí niêm yết của ngân hàng giao đại lý,... theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, đều là hợp lý.
“Thứ nhất, việc ủy quyền cho bên thứ ba là đại lý chỉ nên thực hiện cho các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, những nơi không có chi nhánh, phòng giao dịch, cơ sở của ngân hàng. Những nơi này mới cần đại lý, còn các đô thị hay các nơi tập trung đông người thì ngân hàng đã phủ sóng rồi.
Thứ hai, là về chi phí, rõ ràng chi phí phải không được cao hơn so với phí của ngân hàng thương mại đưa ra, để đảm bảo tất cả các đại lý đó thực hiện trong phạm vi chi phí mà ngân hàng thương mại quy định. Những người dân ở vùng sâu vùng xa hay thành thị đều phải chịu một mặt bằng chi phí giống nhau, có tính đồng bộ trên toàn quốc mới công bằng. Không thể nào ở vùng nông thôn, xa xôi lại phải chiu chi phí cao sẽ gây ra bất cập và nếu không khống chế vấn đề này, mỗi nơi một giá sẽ gây ra bất ổn trong công tác quản lý”, PGS. Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Theo vị PGS, nếu muốn khuyến khích cho vùng sâu, vùng xa sử dụng dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, thì thậm chí ngân hàng thương mại còn phải giảm chi phí, có chính sách ưu đãi với khách hàng. Về phía đại lý, sẽ tùy theo mức độ hợp tác mà có tỷ lệ hoa hồng phù hợp, do hai bên thỏa thuận để tránh gây thiệt hại cho người dân.
3 rủi ro rình rập thị trường bất động sản
Tình trạng một căn hộ bán cho nhiều người, huy động vốn nhà trên giấy, ém thông tin dự án... đang làm phức tạp thị trường địa ốc.
Sở Xây dựng TP HCM vừa công bố bản báo cáo tình hình thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm và cảnh báo hệ thống các quy định bất cập, thiếu đồng bộ gây khó khăn trong việc ngăn chặn, xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh địa ốc. Sở Xây dựng chỉ ra 3 rủi ro điển hình trên thị trường đang rình rập người mua bất động sản và nhà đầu tư.
Một căn hộ bán cho nhiều người
Là tình trạng một bất động sản bị chủ đầu tư, các đơn vị phân phối bán trùng cho nhiều khách hàng khác nhau. Tình trạng này xuất phát từ sự bất cập của các quy định cũ thuộc Luật Nhà ở 2005, Nghị định 90 do Chính phủ ban hành năm 2006 tạo điều kiện và giao nhiều thẩm quyền cho chủ đầu tư như phê duyệt thiết kế kỹ thuật, phê duyệt dự án, nghiệm thu hoàn thành công trình, huy động vốn... không qua kiểm soát của cơ quan Nhà nước.
Thị trường bất động sản phía Đông TP HCM.
Nhà trên giấy đã "bán lúa non"
Đây là hiện tượng dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã tiến hành cho đặt cọc, giữ chỗ, hứa mua hứa bán... diễn ra phổ biến trên thị trường. Theo khoản 2, điều 55, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014, trước khi bán, cho thuê mua nhà hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán.
Trong vòng 15 ngày kể từ lúc nhận được thông báo, cơ quan quản lý sẽ trả lời về việc đủ điều kiện bán nhà cho chủ đầu tư, trường hợp không đủ điều kiện bán phải nêu rõ lý do. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư đã không thực hiện đủ thủ tục và hồ sơ trình cơ quan thẩm quyền kiểm tra xem xét.
Từ việc bán nhà hình thành trong tương lai chưa đủ điều kiện huy động vốn dẫn đến các trường hợp giao kết hợp đồng dưới các hình thức đặt cọc, giữ chỗ, đăng ký ... nhưng chủ đầu tư không sử dụng vốn để thực hiện xây dựng nhà ở thường xuyên diễn ra.
Bán nhà nhưng ém thông tin
Nhiều đơn vị môi giới bất động sản, phát triển dự án, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh đã ký hợp đồng mua bán nhà ở với khách hàng nhưng không công khai hoặc công khai chưa đầy đủ hoặc chưa trung thực về các thông tin bất động sản. Đây là hành vi bị nghiêm cấm đã quy định cụ thể trong Luật Kinh doanh Bất động sản.
Sở Xây dựng thừa nhận, các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý. Điều này dẫn đến có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, giải quyết chậm của một số cơ quan quản lý Nhà nước, chưa đảm bảo các quy trình phối hợp liên thông, đồng bộ. Để giải quyết bất cập này, Nhà nước cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc kịp thời trong các thủ tục về đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị, đất đai, nhà ở.
Trước các hạn chế và rủi ro trên, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP HCM tăng cường công khai thông tin pháp lý các dự án nhà ở nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các hoạt động kinh doanh bất động sản trái pháp luật.
Sở Xây dựng cũng kiến nghị Công an TP HCM theo dõi sát các mặt không lành mạnh của thị trường bất động sản nhằm điều tra, xử lý các sai phạm, đánh giá tình huống ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội để báo cáo UBND TP HCM có hướng xử lý kịp thời.
Giá thực phẩm thiết yếu bắt đầu "hạ nhiệt"
Để giúp giảm giá thực phẩm thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh, điều cần nhất là tháo gỡ những điểm nghẽn khiến hàng hóa từ nơi sản xuất khó đến bàn ăn
Quan sát trên thị trường trong khoảng 3-4 ngày trở lại đây, có thể thấy giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại TP HCM đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, xu hướng giảm nhiệt thị trường thể hiện rõ kể từ ngày 19-7 tới nay. Đến ngày 20-7, các siêu thị, cửa hàng đã trở lại tình trạng ế ẩm dù hàng hóa chất đầy quầy kệ.
Tại một số chợ như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Bình Thới (quận 11), giá cải ngọt đã giảm về mức 30.000 đồng/kg, xà lách 30.000-32.000 đồng/kg, cà chua 40.000 đồng/kg, dưa leo 30.000-35.000 đồng/kg, rau muống 28.000-30.000 đồng/kg… Riêng giá hành, ngò vẫn còn khá cao bởi nguồn cung ít, thời gian vận chuyển kéo dài khiến tỉ lệ hao hụt cao. Chị Lê Thị Nga, bán rau củ, trái cây tại chợ Bình Thới, cho hay mình quay lại chợ bán hàng từ ngày 19-7 sau một thời gian đóng cửa vì dịch.
"Mấy ngày nay hàng ít nhưng bán rất chậm so với lúc bình thường, khách đi chợ cũng mua ít hơn. Đang lúc khó khăn chung nên tôi xác định thà lãi ít chứ không nhân cơ hội làm giá vì như vậy là thất đức, sẽ không bền" - chị Nga chia sẻ.
Việc tổ chức nhiều điểm bán giúp thị trường hàng thiết yếu ở TP HCM những ngày qua đã bớt căng thẳng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo các doanh nghiệp (DN), phản ứng thị trường cho thấy đa số người tiêu dùng đã tích lũy đủ hoặc dư thừa thực phẩm nên tạm thời không có nhu cầu mua thêm. Bên cạnh đó, hàng trăm điểm bán hàng thực phẩm bình ổn xuất hiện khắp nơi, hàng hóa dồi dào hơn, nhiều điểm bán đồng giá 100.000 đồng cho mỗi bịch 4-5 kg rau củ quả hoặc bán theo giá tham chiếu của siêu thị Co.opmart (theo hướng dẫn của Sở Công Thương TP - PV), các cửa hàng tạp hóa cũng bày bán rau củ quả cộng với thông tin TP HCM sẽ mở lại hệ thống chợ truyền thống khiến tâm lý người dân được cải thiện, không còn lo thiếu thực phẩm.
"Người tiêu dùng đã bình tĩnh hơn, không còn tâm lý "phải mua cho bằng được" thực phẩm mà cân nhắc, chọn mua tại những nơi có giá thấp hơn. Ngoài ra, việc lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra một số điểm kinh doanh, xử phạt hành vi bán giá cao cũng đã phát huy tác dụng răn đe, giúp hạ giá" - giám đốc một DN phân phối tại TP HCM phân tích.
Các DN nhận định những ngày tới giá cả hàng hóa vẫn còn có thể giảm thêm. Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho hay hồi tuần trước, trứng gà "leo" lên mức 40.000 đồng/chục, trứng vịt trên 50.000 đồng/chục, hiện nhiều nơi đã giảm giá còn 30.000-35.000 đồng/chục trứng gà và 40.000-45.000 đồng/chục trứng vịt.
Khi thị trường trở lại bình thường, siêu thị bán trứng gà, vịt với giá bình ổn (26.000 đồng/chục trứng gà, 31.000 đồng/chục trứng vịt) thì bên ngoài cũng phải giảm giá về mức tương đương hoặc cao hơn chỉ 3.000-4.000 đồng/chục vì nếu chênh lệch quá lớn sẽ không bán được hàng.
TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, chỉ ra việc thiếu hàng cục bộ đẩy giá cả nhiều loại thực phẩm tươi sống tại TP HCM tăng cao trong thời gian qua là do ách tắc trong khâu vận chuyển, lưu thông chứ không phải do thiếu nguồn cung thực phẩm. "Chính quyền thành phố thấy thực tế đó nên đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ.
Trong lúc này, rất cần những DN phân phối lớn của thành phố đồng lòng, áp dụng mức giá tương đương nhau cho các mặt hàng thực phẩm để làm đối trọng và dẫn dắt giá ở thị trường bên ngoài. Cùng với đó là nhanh chóng nối lại hoạt động an toàn cho kênh phân phối truyền thống song song với giải pháp căn cơ là phối hợp đồng bộ với các tỉnh, thành để tháo gỡ tình trạng "ngăn sông cấm chợ", khai thông những ách tắc cho cả người trồng lẫn khâu phân phối, tiêu thụ hàng hóa" - TS Điền nêu quan điểm.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông thừa nhận tình trạng một số loại thực phẩm tại thị trường TP HCM đã tăng giá trong thời gian thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. Đây là điều không tránh khỏi, kể cả đối với những DN, đơn vị tuyên bố bán hàng bình ổn, xuất phát từ một số lý do như giá tăng từ phía cung cấp hàng, chi phí vận tải tăng cao, hao hụt gia tăng vì thời gian vận chuyển quá lâu. Ngoài ra, chi phí kiểm dịch tài xế, chi phí xét nghiệm… cũng là gánh nặng. Đặc biệt, nhu cầu của TP HCM tăng đột biến do yếu tố tâm lý, người dân đổ xô đi mua quá đông cũng là cơ hội cho giá thực phẩm tăng.
Theo ông Đông, để giúp giảm giá thực phẩm thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh, cần bám vào những nguyên nhân bên trên để tháo gỡ dần dần. Chẳng hạn, để thương lái, nhà cung cấp không tăng giá sản phẩm thì phải tăng được nguồn cung; điều này cần sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phát triển sản xuất, tăng sản lượng.
Về khâu lưu thông, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Giao thông Vận tải đã có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể và triển khai quyết liệt, trong đó có việc bỏ quy định xét nghiệm, tạo thuận lợi cho tài xế chở hàng nhanh chóng hơn, từ đó giúp chi phí vận chuyển giảm, phần hao hụt hàng hóa tươi sống cũng bớt đi.
"Một điều nữa rất cần lưu ý vào lúc này là khi cơ quan nhà nước yêu cầu DN phân phối bình ổn giá, tăng dự trữ, họ không thể không làm. Nhưng câu hỏi đặt ra là phía nhà nước đã hỗ trợ lại gì cho DN? Ví dụ hỗ trợ về lãi suất, chi phí điện, nước, giãn, giảm thuế…? Có vậy DN mới đủ sức và có tinh thần để làm nhiệm vụ cung ứng hàng hóa với giá cả ổn định cho người dân" - ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.