Tin tức kinh tế, tài chính ngày 5/8/2021: Nợ xấu ngân hàng và những rủi ro tiềm ẩn

2021-08-05 09:56:57 0 Bình luận
Nợ xấu tăng tạo sức ép ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng. Bất động sản không có tồn kho mới từ thị trường sơ cấp.

Giá vàng hôm nay 5/8: Mức 1.800 USD là quá rẻ, một 'cơn bão hoàn hảo' đang hình thành để đẩy giá vàng đi lên?

Trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 4/8, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại 56,65 - 57,35 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với phiên mở cửa buổi sáng. Chênh lệch giá bán đang cao hơn giá mua 700.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, tại Tập đoàn Doji và Bảo tín Minh Châu, giá vàng tiếp tục cùng giữ nguyên không thay đổi ở cả chiều mua vào và chiều bán ra.

Thương hiệu Bảo tín Minh Châu không thay đổi giá vàng trên bảng điện tử trong nhiều ngày nay. Hiện giá vàng SJC vẫn niêm yết giữ nguyên tại: 56,90 - 57,52. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.

Thương hiệu Doji niêm yết giá vàng SJC tại: 56,45 - 57,90 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng thế giới đang giữ mức cao phiên giao dịch tối 4/8 (theo giờ Việt Nam) khi Mỹ công bố báo cáo bảng lương tư nhân ADP (thông số giúp dự báo sự tăng trưởng việc làm của tháng trước, do tổ chức tư nhân Automatic Data Processing thực hiện). Theo đó, dữ liệu thị trường lao động cho thấy, khu vực tư nhân có ít lao động hơn dự kiến trong tháng 7/2021.

ADP cho biết, 330.000 việc làm đã được tạo ra trong tháng 7/2021, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng khoảng 695.000 việc làm.

Lúc 21h ngày 4/8 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới trên sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.831,4 - 1.832,4 USD/ounce, tăng 20,9 USD so với phiên giao dịch liền kề.

Tuy nhiên, ngay sau đó, vàng giảm khỏi mức cao hàng ngày do động lực trong lĩnh vực dịch vụ mạnh hơn dự kiến trong tháng 7/2021, theo dữ liệu mới nhất từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM).Vàng thế giới lùi về mức 1.811,1 - 1.812,1 USD/ounce.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng phi sản xuất ở mức 64,1% vào tháng 7/2021, tăng từ mức 60,1% của tháng 6/2021. Mức tăng này đã gây ngạc nhiên cho các thị trường, với dự báo đồng thuận kêu gọi chỉ số này ở mức 60,1%.

Các nhà đầu tư và thị trường nhạy cảm với dữ liệu việc làm bởi "sức khỏe" của thị trường lao động là một vấn đề quan trọng mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang theo dõi có thể quyết định tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Theo một số nhà kinh tế, dữ liệu ADP mới nhất tạo ra một số rủi ro đối với báo cáo bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố chính thức ngày 6/8.

Theo dự báo đồng thuận, các nhà kinh tế đang kỳ vọng, 870.000 việc làm đã được tạo ra trong tháng 7/2021. Một số quan chức ngân hàng trung ương cho hay, dữ liệu việc làm mạnh mẽ trong tháng 7 và tháng 8 có thể khiến Fed giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng vào cuối năm nay.

Mới đây, quỹ Quadriga Igneo đã đưa ra dự báo vàng vẫn có khả năng tăng lên 3.000-5.000 USD/ounce (tương ứng 83-139 triệu đồng/lượng) trong vòng 3 - 5 năm tới khi các thị trường đánh giá thấp những rủi ro dài hạn liên quan đến việc ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ sau khi in tiền ồ ạt.

Nhà quản lý của quỹ Diego Parrilla cho hay, việc in tiền của ngân hàng trung ương không thực sự giải quyết được vấn đề, mà nó đang trì hoãn vấn đề. Vàng sẽ được hưởng lợi hoàn toàn từ việc trở thành một tài sản vật chất mà bạn không thể in ra.

Ông Diego Parrilla nhận định: "Việc in tiền và các chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo trên toàn thế giới đã tạo ra nhiều vấn đề dài hạn, bao gồm cả bong bóng tài sản. Và các ngân hàng trung ương có một công việc khó khăn trước mắt khi nói đến việc giảm và tăng lãi suất trong môi trường này.

Vàng có thể bắt đầu tăng giá sau một sự kiện rủi ro cho thấy các ngân hàng trung ương không kiểm soát được tình hình kinh tế".

Theo ông William Cai, nhà đồng sáng lập kiêm quản lý danh mục thuộc Wilshire Phoenix, lạm phát cao - hệ luỵ của chính sách tiền tệ nới lỏng có thể sẽ là một nhân tố quan trọng tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong trung hạn.

Nhà môi giới hàng hoá Drew Rathgeber thuộc AIO Capital cũng nhận thấy, vàng chưa “hết thời” và "một cơn bão hoàn hảo" đang hình thành để đẩy giá vàng lên cao hơn nhiều. Lạm phát sẽ còn ở mức cao trong một thời gian, một phần do chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed.

Fed vẫn nói, lạm phát tăng cao ở Mỹ trong năm nay là “vấn đề tạm thời” - một tín hiệu cho thấy, Fed sẽ không vội thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chứng khoán tăng 8 phiên liên tiếp

VN-Index hôm nay có lúc bị nhấn về dưới tham chiếu, nhưng trong những phút cuối đã bật lên, tăng 2,3 điểm và nối dài chuỗi tăng 8 phiên liên tiếp.

Sau khi vượt qua vùng cản mạnh 1.320 điểm trong phiên hôm qua, thị trường chứng khoán đã ghi nhận tín hiệu chốt lời sớm. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM nhanh chóng chinh phục mốc 1.340 điểm, sau đó giằng co mạnh và đến trước phiên ATC thì đảo chiều xuống dưới tham chiếu. Lực cầu trong những phút cuối kịp giúp chỉ số trở lại sắc xanh, đóng cửa tăng 2,3 điểm lên 1.334,74 điểm.

VN-Index đã nối dài mạch tăng 8 phiên liên tiếp kể từ 26/7 đến nay. Chỉ số tích luỹ 66 điểm trong giai đoạn này và nằm trong nhóm 5 thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới.

VN-Index hôm nay có mức tăng thấp nhất trong vòng một tuần nhưng số lượng cổ phiếu tăng và giảm chênh lệnh lớn, lần lượt là 213 mã và 152 mã.

Thị trường không thể bứt mạnh bởi áp lực bán tại những cổ phiếu trụ như MSN, VIC, BID, VHM và VCB. Các mã này có biên độ giảm từ 0,3-1,3% và đứng đầu danh sách tác động tiêu cực đến chỉ số chung. Ở chiều ngược lại, NVL tăng 1,9%, GAS tăng 1,1% và STB tăng 2,9% là ba cổ phiếu dẫn sóng thị trường.

Thanh khoản thị trường giảm khoảng 200 tỷ đồng so với hôm qua, nhưng vẫn duy trì ở mức tương đối cao là 21.284 tỷ đồng. Rổ VN30 chiếm gần 11.650 tỷ đồng trong số này. Dòng tiền chủ yếu chảy vào nhóm tài chính với gần 7.500 tỷ đồng, tiếp đến là bất động sản, nguyên vật liệu và công nghiệp. STB, HPG và TCB là ba cổ phiếu có giá trị giao dịch đạt trên 1.000 tỷ đồng và cùng chốt phiên tăng điểm.

Sau các phiên giao dịch giằng co, nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân mạnh hơn. Nhóm này chi gần 2.000 tỷ đồng để mua trong khi bán ra chưa đến 1.200 tỷ đồng. VHM, STB, SSI và MBB là những mã được gom hàng nhiều nhất.

Nợ xấu tăng tạo sức ép ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng

Báo cáo tài chính quý II/2021 của nhiều ngân hàng vừa công bố cho thấy, tình hình nợ xấu tiềm tàng mới rất đáng lo ngại vì ảnh hưởng bởi đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư này, khi sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân đã tới hạn. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, tỉ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2021, tăng từ mức 1,69% (cuối năm 2020) lên 1,78% (cuối tháng 4.2021). Tuy nhiên, mức tăng này chưa phản ánh những rủi ro tiềm ẩn mà hệ thống ngân hàng phải đối mặt trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, đến cuối năm 2021, có khả năng tỉ lệ nợ xấu nội bảng và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống sẽ cao hơn so với dự báo trước đây.

Trong một diễn biến có liên quan, với việc áp dụng Thông tư 03/2021, sửa đổi Thông tư 01, các ngân hàng sẽ được trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho những khoản nợ cơ cấu do ảnh hưởng dịch trong thời gian dài hơn. Lộ trình trích lập dự phòng kéo dài trong 3 năm, nếu nợ xấu càng nhiều thì gánh nặng trích lập của các ngân hàng càng tăng.

Chính vì vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng từ khối quốc doanh đến thương mại cổ phần đều tăng mạnh chi phí dự phòng. Ở khối ngân hàng quốc doanh, báo cáo tài chính quý 2 của Vietcombank cho thấy, chi phí dự phòng rủi ro 6 tháng đầu năm 2021 tăng 37% so với cùng kỳ 2020 lên 5.500 tỉ đồng.

VietinBank cũng trích lập gần 8.500 tỉ đồng trong nửa đầu năm, tăng 28% so với cùng kỳ. BIDV trong sáu tháng đầu năm cũng đã có mức trích lập dự phòng tăng 48% so với cùng kỳ.

Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, ACB là ngân hàng có mức trích lập chi phí dự phòng rủi ro trong 6 tháng đầu năm tăng tới 66% lên hơn 6.350 tỉ đồng, MB Bank cũng tăng chi phí dự phòng lên hơn 4.200 tỉ đồng…

Trong bối cảnh này, tỉ lệ bao phủ nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã lên mức kỷ lục trong 6 tháng đầu năm. Theo thống kê thì hiện nay, có rất nhiều ngân hàng đưa tỉ lệ bao phủ nợ xấu đạt trên 100%, thậm chí một số ngân hàng đạt trên 200-300%.

Đơn cử như tính đến thời điểm 30.6.2021, tỉ lệ bao phủ nợ xấu tại Vietcombank là 352%, tức cứ 100 đồng nợ xấu thì ngân hàng này đã dự phòng tới 352 đồng. Trước đó, hồi đầu năm, tỉ lệ bảo phủ nợ xấu của Vietcombank chạm mức kỷ lục 379%. VietinBank, Agribank, BIDV cũng đã đưa tỉ lệ bao phủ nợ xấu lên lần lượt là 129%, 131% và 131%.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần cũng có rất nhiều ngân hàng có tỉ lệ bao phủ nợ xấu hơn 200% như Techcombank vẫn gia tăng trích lập dự phòng giúp tỉ lệ bao phủ nợ xấu đến cuối tháng 6 đạt kỷ lục 259%. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu của MB tăng từ 134% hồi đầu năm lên 236% cuối tháng 6.2021, trong khi ACB cũng cải thiện mạnh từ 160% lên 208%.

Theo chuyên gia phân tích tài chính, ông Nguyễn Duy Phương - Giám đốc khối đầu tư Quý DG Investment, với Thông tư 1/2020 và 3/2021 của NHNN, các ngân hàng được phép tái cơ cấu nợ để giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh và không chuyển nhóm nợ, nên nhiều món nợ đáng lý phải là nợ xấu thì ngân hàng có thể giữ nguyên nhóm nợ, do đó tổng dư nợ xấu có thể thấp hơn nhiều so với nợ xấu thực tế. Cũng chính vì vậy, dự phòng nợ xấu trên sổ sách có thể thấp hơn nhiều so với số dự phòng nếu ngân hàng phải trích lập dự phòng đúng với thực tế.

Bất động sản không có tồn kho mới từ thị trường sơ cấp

Bất động sản không có tồn kho mới từ thị trường sơ cấp là một trong những nội dung được Bộ Xây dựng ghi nhận trong báo cáo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý 2 do Bộ vừa phát hành.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong quý 2 vừa qua, tổng lượng giao dịch trên thị trường bất động sản là 29.949 giao dịch, tăng 18% so với quý trước đó. Nguồn cung bất động sản có 29.557 căn nhà ở đủ điều kiện đưa vào giao dịch, nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và bất động sản khác giảm.

Qua đánh giá cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường quý 2 vừa qua tốt hơn, trong quý không tạo ra lượng bất động sản tồn kho mới từ thị trường sơ cấp. Lượng bất động sản tồn kho chưa được giao dịch hầu như chỉ có ở các nhà đầu tư thứ cấp và một số loại hình bất động sản đang chịu tác động nặng nề của bệnh dịch như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, Bộ Xây dựng khẳng định.

Tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo về cho thấy, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng... có 29.949 giao dịch bất động sản thành công; tổng lượng giao dịch bình quân tăng 18% bằng so với quý trước và chỉ nhỉnh hơn khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2020.

Điểm qua một số địa bàn trọng điểm cho thấy, tại Hà Nội có 1.094 giao dịch thành công, chỉ bằng khoảng 20% so với quý trước. Tại Thành phố Hồ Chí Minh con số này là 3.002 giao dịch thành công, bằng khoảng 87%. Nếu chia theo khu vực, tại miền Bắc có 6.384 giao dịch thành công, miền Trung là 7.300 và miền Nam 16.265. Nhìn chung, các giao dịch thành công vẫn tập trung nhiều ở phân khúc trung cấp và cao cấp.

Bộ Xây dựng khẳng định đối với nhà ở, thị trường cơ bản vẫn phát triển ổn định, giá giao dịch tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Nguồn cung vẫn tập trung chủ yếu ở phân khúc trung cấp và cao cấp; nguồn cung nhà ở xã hội và giá thấp vẫn rất hạn chế; trong đó, nguồn cung nhà ở sơ cấp từ các dự án mở bán tiếp tục giảm so với năm 2020.

Đối với căn hộ chung cư, giá giao dịch bình quân tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tăng khoảng 5-7% so với quý trước đó. Cụ thể, tại Hà Nội, một số dự án có mức tăng quanh ngưỡng 5% như Sunshine Garden tăng khoảng 5,9%, Xuân Mai Complex 4,5%, Hòa Bình Green City 5,1%, Stellar Garden 6,4%, Seasons Avenue 5%, Xuân Mai Complex 5,4%...

Mức tăng của căn hộ chung cư tại Thành phố Hồ Chí Minh được ghi nhận qua một vài dự án điển hình như Cantavil An Phú-Cantavil Premier tăng khoảng 7,1%, Opal Riverside 6,3%, New City Thủ Thiêm 5,2%, Sunview Town 5,5%...

Cùng đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư bằng khoảng 100-105% so với thời điểm cuối năm 2020. Với phân khúc căn hộ bình dân (có mức giá từ 25-30 triệu đồng/m2), dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. 

Căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm như các quận, huyện như tại Hà Nội có dự án Le Grand tại quận Long Biên khoảng 28 triệu đồng/m2, Vinhomes Ocean Park tại huyện Gia Lâm giá tầm 28 triệu đồng/m2, XPHomestar tại huyện Đan Phượng khoảng 20 triệu đồng/m2.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Kinhtedothi.vn)

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự án The East Gate tại thành phố Thủ Đức có giá khoảng 27 triệu đồng/m2, Tecco Town tại quận Bình Tân khoảng 24 triệu đồng/m2; tại Bình Dương, dự án Lavita tại thành phố Thuận An có giá khoảng 26 triệu đồng/m2... Nguồn cung loại căn hộ này ngày một hạn chế trong khi nhu cầu của người dân vẫn còn nhiều dẫn đến giá bán tiếp tục tăng.

Hiện căn hộ chung cư trung cấp vẫn là sản phẩm chủ đạo trên thị trường và chiếm phần lớn nguồn cung mở bán mới trong quý vừa qua. Giá giao dịch căn hộ trung cấp có mức tăng cao tại một số khu vực như quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai (Hà Nội); quận 5, thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; thành phố Dĩ An của tỉnh Bình Dương.

Đáng chú ý, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh một số dự án căn hộ cao cấp nằm ở vị trí đặc biệt, trung tâm có mức giá quảng cáo, chào bán rất cao. Tại Hà Nội phải kể đến dự án The Grand Hàng Bài ở vị trí "đất vàng" của Hà Nội, với giá chào bán từ 570-700 triệu đồng/m2.
Thị trường Thành phố Hồ Chí Minh nổi lên các dự án như One Central Saigon, quận 1 có mức giá bán dự kiến cao kỷ lục, khoảng 650-800 triệu đồng/m2; dự án Spirit Of Saigon, quận 1 có giá khoảng 400 triệu đồng/m2; Sunshine Venicia Thủ Thiêm giá khoảng 150 triệu đồng/m2; The River Thủ Thêm của thành phố Thủ Đức có giá khoảng 110 triệu đồng/m2.

Do tác động của tình hình dịch bệnh, riêng loại hình căn hộ chung cư cho thuê, giá cho thuê nhìn chung vẫn có xu hướng giảm theo quý so với cuối năm 2020. Mức giảm bình quân toàn thị trường khoảng 3-5%.

Tại Hà Nội, các quận Cầu Giấy, Tây Hồ là khu vực có mức giá cho thuê căn hộ chung cư trung cấp và cao cấp giảm mạnh nhất. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá cho thuê căn hộ trung và cao cấp tại quận 7, Bình Tân có mức giảm mạnh nhất.

Đồng Nai: Sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng hơn 10%

Trong 7 tháng của năm 2021, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng trên địa bàn H.Trảng Bom đạt hơn 70 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị ngành công nghiệp đầu tư nước ngoài đạt hơn 60 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 90% trong tổng số giá trị sản xuất công nghiệp.

Một số ngành sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2020 là: ngành khai khoáng tăng 8,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%; điện tăng 9,5%; nước và xử lý rác thải tăng 8,2%. Các ngành hàng có sản lượng tăng so với mặt bằng chung của toàn ngành là: gạch xây dựng các loại tăng 11%; giày da tăng 10,8%; sắt thép tăng 12,7%; ba lô, túi xách tăng 11,2%; vải sợi tăng 10,6%; sản xuất trang phục tăng 10,5%...

Do tác động của dịch bệnh Covid-19, một số doanh nghiệp ngành may, giày da, gia công đồ gỗ xuất khẩu thiếu nguyên liệu sản xuất, hoạt động không ổn định hoặc khâu tiêu thụ gặp khó khăn, sản phẩm bị tồn đọng nhiều.
 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quận Đống Đa phát động thi viết báo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Đống Đa hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2024-03-29 10:26:56

KUN Happy Run Cần Thơ 2024 - Sân chơi thể thao đỉnh cao, căng trào cảm xúc

Trước thềm giải chạy VPBank Can Tho Music Night Run 2024, sáng ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thương hiệu KUN thuộc CTCP Sữa Quốc tế (IDP) và Nexus Sport Events sẽ phối hợp tổ chức giải KUN Happy Run Cần Thơ 2024. Giải chạy nhằm lan tỏa tình yêu thể thao, truyền cảm hứng về lối sống nhân văn, tích cực đến các mầm non tương lai của đất nước.
2024-03-29 10:04:15

Du khách được ăn hơn 400 món tại Lễ hội văn hóa ẩm thực TP.HCM

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 hấp dẫn với hơn 400 món ăn, thức uống đặc trưng ba miền tại 40 gian hàng ẩm thực.
2024-03-28 22:55:00

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17
Đang tải...