Tin tức Miền Tây ngày 16/2/2022: Xây cầu dài 16km chạy ra biển

2022-02-16 12:00:00 0 Bình luận
Xu hướng du lịch đang có sự thay đổi lớn đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) lữ hành, cơ sở kinh doanh du lịch phải thay đổi để bắt nhịp và phục hồi.

Dịp Tết Nguyên đán 2022 vừa qua đánh dấu sự khởi sắc trở lại của hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Lượng khách đến các điểm du lịch tăng cao so với ngày thường, đặc biệt là tâm lý của người dân đã tự tin hơn khi đi du lịch cho thấy những chuyển biến tích cực trong hoạt động du lịch.

Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh từng bước khởi sắc trở lại.

Công ty Truyền thông du lịch Nam Á Châu có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc đưa khách du lịch từ TP. Hồ Chí Minh về Tiền Giang. Theo ông Nguyễn Đức Minh Trí, Giám đốc công ty, hiện nay, đa phần khách đi tour trong nước với quy mô nhỏ, gia đình. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, số lượng khách đi miền Tây khá đông. Hiện công ty đã khởi động trở lại các tour du lịch miền Tây, trong đó có Tiền Giang và đưa đoàn đi hằng ngày.

Theo đồng chí Nguyễn Đức Đảm, dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2022, toàn tỉnh đón khoảng 90.000 lượt khách du lịch. Năm nay, các điểm du lịch như: Tân Thành, Trại rắn Đồng Tâm, cù lao Thới Sơn, Cảng Du thuyền Mỹ Tho… lượng khách đến khá đông. So với năm 2019 trở về trước, tỷ lệ này còn thấp, nhưng có thể khẳng định đây là bước khởi động đánh dấu hoạt động du lịch phục hồi. Một điểm quan trọng là người dân đã cảm thấy an toàn và tự tin hơn khi du lịch. Đây là điều kiện để mở lại hoạt động du lịch trong thời gian tới.

Hiện nay, phần lớn khách du lịch đến tỉnh chủ yếu từ TP. Hồ Chí Minh. Do đó, việc các tour tuyến du lịch từ TP. Hồ Chí Minh đến Tiền Giang được kết nối trở lại giúp cho hoạt động du lịch ở tỉnh từng bước phục hồi.

Theo ông Huỳnh Hữu Phước, chủ Điểm du lịch Công đoàn Thới Sơn (xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho), dịp Tết Nguyên đán 2022, nhiều người dân ở một số tỉnh đã đến cơ sở để tham quan. Bước đầu, dù số lượng khách đi du lịch còn ít, mỗi đoàn dưới 20, nhưng tăng cao so với ngày thường.

Ngoài các điểm du lịch tại TP. Mỹ Tho, các cơ sở du lịch khác trên địa bàn cũng từng bước khởi sắc trở lại. Bà Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Xuân Ron Chợ Gạo cho biết, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, công ty đã có kế hoạch thu hút khách du lịch. Thời điểm trước Tết Nguyên đán, những người nước ngoài sống tại Việt Nam đã đến cơ sở để tham quan, tìm hiểu về văn hóa Tết cổ truyền của người Việt.

Đến thời điểm này, tình hình dịch Covid-19 đã dần ổn, điểm du lịch của công ty đã quảng bá hình ảnh trên mạng xã hội Facebook và thông qua những khách từng đến đây. Trước đây, công ty đón các đoàn khách đông, nhưng thời gian gần đây, đa số là đón khách gia đình và nhóm nhỏ.

Hiện DN đã làm việc với các nhóm khách gia đình cuối tuần, khách đoàn trường học, DN và khách tour. Đồng thời, phối hợp với tour du lịch để đưa khách đến. Dự kiến nghỉ Lễ 30-4 và 1-5 sắp tới, công ty sẽ có những đoàn khách quy mô đông hơn.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Nhật, hiện ngành Du lịch đã khởi sắc trở lại. Tình hình dịch bệnh đã ổn nên người dân đã tự tin để đi các tour du lịch. Tuy nhiên, một trong những vấn đề mấu chốt hiện nay là đội ngũ phục vụ du lịch phải tạo cho khách lòng tin để họ tìm đến.

Theo ông Phong, sau đại dịch, hoạt động du lịch xem như phải làm lại từ đầu, phải thay đổi rất nhiều. Cái cốt lõi thì vẫn giữ lại, nhưng phải thay đổi trong cách phục vụ và làm cho du khách có được cảm giác an toàn.

Các DN phải có sự phân khúc khách hàng, tạo các không gian mở. “Trước đây, các điểm du lịch cho khách vào những khu hơi chật hẹp, còn bây giờ phải cho khách vào những nơi rộng rãi, thoáng mát để khách không lo về vấn đề lây lan dịch bệnh.

Thời gian đến giữa các đoàn khách cũng phải có sự giãn cách, không để khách đi tập trung quá đông. Các công ty, điểm du lịch phải sửa chữa cơ sở vật chất theo tình hình mới. Nếu cứ giữ cái cũ thì không thể kéo khách về tỉnh được.

Hiện nhiều khách đã hiểu, nhưng cũng có một số khách chưa nắm được sự an toàn khi đến Tiền Giang du lịch. Do đó, điều đầu tiên là phải quảng bá, khi đến Tiền Giang du lịch sẽ an toàn” - ông Phong nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phong, tới đây, công ty sẽ tìm cách để giữ khách lại Tiền Giang vào ban đêm. DN rất mong Nhà nước hỗ trợ để có cơ sở hạ tầng nhằm giữ chân khách vào ban đêm. Riêng đối với DN sẽ tổ chức các chiếc du thuyền chạy trên sông Tiền phục vụ khách vào ban đêm với các dịch vụ như: Ăn trái cây, nghe đờn ca tài tử... Nếu tình hình khởi sắc, DN sẽ phối hợp với Cảng Du thuyền Mỹ Tho tổ chức chiếc du thuyền chạy trên sông Tiền phục vụ ăn uống.

Thực tế cho thấy, qua mùa dịch, cơ sở vật chất của một số điểm du lịch bị xuống cấp, hư hỏng. Một số điểm đã sửa chữa nâng cấp, nhưng có một số không tiếp tục đầu tư sửa chữa do lượng khách không nhiều, không có kinh phí để tái đầu tư. Đó là một trong những hạn chế trong việc đầu tư khôi phục du lịch hiện nay.

Do đó, để hoạt động du lịch nhanh chóng phục hồi, ngoài sự thay đổi, nắm bắt xu hướng của các DN cần có sự tiếp sức của các ngành chức năng về nhiều mặt.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Đức Đảm, thực hiện kế hoạch phục hồi du lịch của UBND tỉnh, Sở đã triển khai đến các DN để phối hợp thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, các giải pháp cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Thứ nhất, công tác đảm bảo cho việc tái hoạt động của các điểm tham quan, du lịch phải hướng đến sự an toàn.

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Sở VH-TT&DL đã đi kiểm tra, hỗ trợ các DN, nhất là các điểm du lịch trong việc trang trí, chỉnh sửa lại. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục có những hỗ trợ cụ thể cho các DN. Mặt khác, Sở VH-TT&DL sẽ tập trung hoàn thiện, nâng chất các điểm du lịch, đẩy mạnh khai thác các tour du lịch hiện có và khai thác các tour mới.

Theo đồng chí Nguyễn Đức Đảm, Bộ VH-TT&DL sẽ trình Chính phủ để mở cửa toàn bộ du lịch từ đầu tháng 3-2022. Nếu được Chính phủ đồng ý, dự kiến trong tháng 3, một số địa phương sẽ được đón khách quốc tế. Do đó, trong kế hoạch của tỉnh, dự kiến, tuyến tàu du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh đi Campuchia sẽ được mở lại vào đầu tháng 6-2022.

Tuyến tàu này có đi qua Cảng Du thuyền Mỹ Tho. Trước khi đại dịch xảy ra, Cảng Mỹ Tho đã đón rất nhiều khách du lịch quốc tế. Hiện Sở VH-TT&DL đã bàn với các cơ quan để tổ chức các tour tham quan các điểm du lịch tại TP. Mỹ Tho như: Chùa Vĩnh Tràng, Nhà Bạch Công Tử, cù lao Thới Sơn… khi tuyến tàu du lịch quốc tế này hoạt động trở lại.

Ngoài ra, để hoạt động du lịch nhanh chóng phục hồi, Sở VH-TT&DL sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch. Cụ thể, đơn vị sẽ phối hợp với TP. Hồ Chí Minh để khảo sát các điểm du lịch, từ đó kết nối đưa khách về Tiền Giang.

Sóc Trăng sẽ có cây cầu dài 16km chạy ra biển

Ngày 15/2, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết Chính phủ đã bổ sung vốn đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 để tỉnh Sóc Trăng xây dựng cầu cảng dài 16 km vươn ra biển.

Dự kiến cây cầu cảng dài 16km sẽ bắt ra biển

Theo đó, cầu cảng này nằm trong dự án cảng nước sâu thuộc huyện Trần Đề, đã được trung ương phê duyệt. Ngoài cảng biển nước sâu, tỉnh Sóc Trăng còn liên quan 2 dự án lớn đã được Chính phủ phê duyệt, đầu tư từ nguồn vốn trung ương là cao tốc Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Đốc và cầu Đại Ngãi.

Theo ông Trần Văn Lâu, 3 dự án này kết nối khu vực ĐBSCL, rất thuận lợi cho tỉnh Sóc Trăng phát triển. Nếu không có gì thay đổi, dịch bệnh được kiểm soát tốt thì dự kiến cuối năm nay, 3 dự án lớn này sẽ được khởi công.

Đối với tỉnh, trục đường phát triển kinh tế đông – tây đã khởi công, kết nối từ Ngã Năm qua cầu Mỹ Thanh 2.

"Hiện nay, một tập đoàn dự kiến phối hợp với tỉnh Sóc Trăng làm trục đường tây - bắc, đi từ cầu Đại Ngãi đến cảng nước sâu và thị xã Vĩnh Châu" - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói.

Theo Báo Người Lao Động

Điểm tâm tô bún bò cay ở Bạc Liêu​

Đến Bạc Liêu, trên đường ra Quán Âm Phật đài, sẽ không mấy ai quên dừng chân bên một quán nhỏ ven đường để thưởng thức tô bún bò cay đã vang khắp Đồng bằng miền Tây Nam Bộ này.

Chiều chiều bên chiếc võng đong đưa, lời bài hát Bạc Liêu hoài cổ của nhạc sĩ Thanh Sơn cứ vang lên nghe thật da diết: “Cho nhắn gởi Bạc Liêu mấy lời; Sông có cạn tình không đổi dời; Dù đi xa trăm hướng; Ai người thấu nỗi hoài hương; Bạc Liêu thương quá hình bóng quê nhà ...”.

Đúng vậy, đến Bạc Liêu - xứ sở của bài hát Dạ cổ hoài lang, của những cánh đồng muối trắng, ghé quán cóc ven đường nhấp ly cà phê đắng là đã được nghe râm ran những giai thoại có một không hai của chàng Ba Huy giàu có, đào hoa một thời mà dân gian đã gọi thành danh Công tử Bạc Liêu.

Tô bún bò cay ở Bạc Liêu.

Bạc Liêu còn có những món ăn ngon trứ danh: Bánh tằm Ngan Dừa, bánh hỏi thịt nướng ngay trong thành phố hay bánh xèo Vườn Nhãn mà độ lớn của mỗi cái bánh khiến mấy người ăn còn không hết, ...

Bạc Liêu cũng có bún nước lèo mắm bò hóc, bún riêu, bún bì, … Nhưng có lẽ tô bún bò cay ở Bạc Liêu là nổi danh hơn cả.

Nói bún bò cay nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng phải có chút kinh nghiệm thì nấu ăn mới ngon. Thịt bò làm sạch hầm với nước dừa tươi để làm nước súp.

Đặc biệt của tô bún bò cay ở Bạc Liêu là phải cay, nên ớt đã bỏ hạt xay nhuyễn là thứ không thể thiếu. Những cọng bún trắng tinh quấn thành lọn để vào dá, trụng qua nước sôi, để ráo. Trút bún ra tô, múc nước nấu thịt bò cùng với vài miếng gân, nạm để lên trên.

Khi ăn, người ta luôn có đĩa rau sống gồm có quế, ngò gai, ngò om, giá đậu xanh, … bên cạnh. Tùy theo khẩu vị người ăn, tự tay họ sẽ cho thêm vào tô bún, rồi vắt thêm chanh, để có tô bún ngon lành.

Theo làn khói tỏa, hương vị đậm đà của tô bún bò cây ở Bạc Liêu như mãi in trong ký ức người đã từng thưởng thức món ăn cay nồng mà ngọt lịm đã thành thương hiệu từ bấy lâu nay.

​​​​​​Theo Dân Việt

Cà Mau tạm giải thể 6 bệnh viện dã chiến

Theo Báo Nhân Dân, nhờ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đặc biệt là bệnh nhân F0 chuyển nặng, cũng như tình hình tử vong do mắc Covid-19 mà 6 bệnh viện dã chiến ở Cà Mau tạm thời giải thể.

Bệnh viện dã chiến số 5 tạm giải thể ở Cà Mau.

Chiều 15/2, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, đã ban hành Quyết định giải thể Bệnh viện dã chiến số 4, 5, 6, 7, 8, 9, đồng thời giao lãnh đạo Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo giám đốc các bệnh viện dã chiến nêu trên rà soát, thanh toán các chính sách, chế độ cho nhân viên tham gia để bàn giao cơ sở vật chất lại cho đơn vị quản lý trước đây.

Theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 đã được trang bị cho các bệnh viện dã chiến nêu trên sẽ được giao cho các đơn vị đang phụ trách quản lý. Trong đó, Bệnh viện dã chiến số 4 giao về cho Bệnh viện Quân Dân Y quản lý, khi có nhu cầu thì kích hoạt đưa vào sử dụng; Bệnh viện dã chiến số 6, 7 giao về lần lượt cho Trung tâm Y tế huyện Phú Tân và Ngọc Hiển để phục vụ cho đơn vị điều trị 50 giường tại Trung tâm Y tế; Bệnh viện dã chiến số 5, 8, 9 lần lượt giao về cho Bệnh viện Đa khoa Cái Nước, Bệnh viện Sản-Nhi và Bệnh viện Mắt-Da Liễu quản lý.

Khi được bàn giao về “chủ cũ”, các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế... sẽ được những đơn vị tiếp nhận quản lý và sử dụng phục vụ cho người bệnh tại đơn vị. Tuy nhiên, phải quản lý và bảo dưỡng đúng theo quy định và phải sẵn sàng triển khai thực hiện phục vụ quản lý, điều trị Covid-19 khi có lệnh điều động từ cấp có thẩm quyền. 

Song hành việc tạm giải thể 6 bệnh viện dã chiến nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng ban hành Quyết định thành lập đơn vị điều trị Covid-19 tại Trung tâm Y tế huyện Phú Tân và Ngọc Hiển. Mỗi đơn vị như vậy sẽ có quy mô 50 giường bệnh thu dung, điều trị tầng 1 và tầng 2.

Trong ngày 15/2, Cà Mau chỉ ghi nhận thêm 156 ca mắc mới Covid-19, nâng lũy kế số ca mắc toàn tỉnh đến nay là 57.782 và đang điều trị 1.266 bệnh nhân F0 (hầu hết là các ca điều trị tại nhà). Trong ngày, Cà Mau không ghi nhận thêm trường hợp mới tử vong do Covid-19, duy trì ngày thứ 11 liên tục không có trường hợp F0 tử vong. Đây cũng là một trong những nỗ lực của tỉnh Cà Mau trong phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 theo đúng hướng dẫn và tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương và Chính phủ, bảo đảm mọi hoạt động trở lại bình thường phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới.

Long An: Dự kiến nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62 trong năm nay

Theo Báo Long An, dự kiến ngay trong năm nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ chuẩn bị các bước để thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ (QL) 62.

Quốc lộ 62 xuống cấp, hư hỏng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông sau hơn 20 năm đưa vào khai thác, sử dụng

Thông tin từ Sở GTVT Long An, tuyến QL62 là tuyến giao thông huyết mạch đặc biệt quan trọng của tỉnh nối cả vùng Đồng Tháp Mười với trung tâm TP.Tân An cũng như trục giao thông quan trọng của các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, An Giang đến TP.HCM. Sau hơn 20 năm khai khác và đưa vào sử dụng, đến nay, tuyến đường này đã không còn đủ sức đáp ứng nhu cầu giao thông của người dân. Thực tế, từ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1999 đến nay, chưa một lần tuyến QL62 được sửa chữa lớn, hầu hết chỉ là giặm vá những đoạn hư hỏng và chỉ được mở rộng một phần qua các thị trấn, thị xã Kiến Tường và gia cố lề đoạn qua huyện Thủ Thừa, Thạnh Hóa.

Chính vì vậy, khoảng 5 năm qua, tuyến QL62 đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường hư hỏng, nhỏ, hẹp không đáp ứng đủ nhu cầu giao thông cũng như tiềm ẩn các yếu tố mất an toàn giao thông. Điều đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển KT-XH của các địa phương vùng Đồng Tháp Mười, nhất là khi hiện nay, nhu cầu vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường ngày một tăng cao. Việc sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến QL62 đang là mong mỏi của tất cả người dân các địa phương vùng Đồng Tháp Mười hiện nay.

Nhiều đoạn trên QL62 thường bị ngập nước vào mùa mưa

Sau rất nhiều lần kiến nghị, đề xuất, đến nay dự án nâng cấp, mở rộng QL62 đã chính thức được thông qua và có chủ trương bố trí nguồn vốn. Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT chuẩn bị các bước đầu tư để triển khai ngay trong năm nay và sẽ hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng trong năm 2023 với tổng kinh phí trên 2.200 tỉ đồng. Đây là tin vui lớn cho người dân Long An nói riêng cũng như người dân các tỉnh miền Tây nói chung. Theo dự kiến, tuyến QL62 sau khi được nâng cấp, mở rộng sẽ đạt chuẩn đường cấp III đồng bằng với mặt đường rộng 11m, vận tốc thiết kế 80km/h với điểm đầu dự án tại nút giao với QL1, TP.Tân An, điểm cuối tại Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp.

An Giang: Nhóm đối tượng lưu hành tiền giả bị lãnh án trên 39 năm tù

Ngày 15/2, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang, tuyên phạt nhóm đối tượng lưu hành tiền giả.

Sơn cùng 7 đồng phạm tại tòa

Gồm các bị báo Lê Thanh Sơn (SN 1991) bị kết án 10 năm tù; Lê Văn Đém (SN 1997) 7 năm tù; Phạm Tấn Được (SN 1992) 6 năm tù; Nguyễn Văn Tuấn (SN 2002) và Phạm Tấn Lợi (SN 2000) mỗi bị cáo 3 năm 9 tháng tù; Nguyễn Thanh Phong (SN 1996), Nguyễn Tấn Đạt (SN 2001) và Nguyễn Hữu Tiến (SN 1991) mỗi bị cáo 3 năm tù cùng về tội “ Lưu hành tiền giả”. Các bị cáo cùng trú tại An Giang.

Theo cáo trạng, tối 23-1-2021, ông Tô Hoàng Hiển, trú tại xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú đến Công an xã Vĩnh Thạnh Trung tố giác Đạt cùng Dệ (không rõ họ và địa chỉ) đến tiệm tạp hóa của ông dùng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng, mua 2 thẻ cào nạp tiền điện thoại (trị giá 100.000 đồng/thẻ) để ông trả lại tiền dư là 300.000 đồng.

Sơn khai nhận tại Cơ quan An ninh điều tra

Thấy sự việc đã bị bại lộ, ngày hôm sau Đém, Sơn đến Công an huyện Châu Phú đầu thú và khai nhận cùng đồng bọn lưu hành tiền giả, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Phú tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Đạt, Được, Tuấn, Phong, Tiến, Lợi; đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền. Đến ngày 1-2-2021, các đối tượng bị khởi tố điều tra.

Trong quá trình điều tra xác định, khoảng tháng 9-2020, thông qua mạng xã hội (Facebook) Sơn liên hệ mua của Lê Hoàng Mãi, trú tại TP. Hồ Chí Minh 90 triệu đồng tiền giả với giá 15 triệu đồng. Sau khi phát hiện số tiền giả trên bị nhòe, Sơn cùng Đém lên TP. Hồ Chí Minh đổi lại. Mãi đưa cho Sơn 50 triệu đồng tiền giả, số tiền giả còn lại Mãi hứa sẽ đưa sau, nhưng do Mãi bị Công an TP. Hồ Chí Minh bắt nên không giao cho Sơn được. Về đến An Giang, Sơn cho Đém biết việc đi TP. Hồ Chí Minh là đi đổi tiền giả rồi rủ Đém tham gia tiêu thụ tiền giả, Đém đồng ý. Sơn lấy 20 triệu đồng tiền giả đưa cho Đém tiêu thụ, số tiền giả còn lại Sơn đem về nhà cất giấu. Quá trình kiểm tra tiền giả, Sơn phát hiện 7,5 triệu đồng bị nhòe nên đã đốt tiêu hủy, số còn lại 22,5 triệu đồng tiền giả bán cho Đém và Được.

Sơn cùng các đồng phạm

Sau khi có được 42,5 triệu đồng tiền giả, Đém cùng Được rủ Đạt, Được, Tuấn, Phong, Tiến, Lợi và một số đối tượng chưa rõ thân nhân đem tiền giả đến tiệm tạp hóa tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Bình Dương, mua thẻ cào điện thoại, thuốc lá,… để được trả lại tiền thật và dùng tiền giả để mua ma túy về sử dụng.

Kết thúc phiên tòa, Hồi đồng xét xử còn tuyên phạt bị cáo Sơn 10 triệu đồng và buộc các bị cáo giao nộp lại số tiền thu lợi bất chính.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Xúc tiến, quảng bá Du lịch đêm Hà Nội 2024 với chủ đề “Đêm Trúc Bạch”

Vào 18 giờ ngày 29/11/2024, tại không gian tuyến phố ẩm thực Đảo Ngọc Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) sẽ khai mạc chương trình quảng bá sản phẩm du lịch "Đêm Hà Nội 2024" với chủ đề “Đêm Trúc Bạch”; công bố Quyết định công nhận 3 điểm du lịch mới của Thủ đô và khai trương Tuyến tàu điện số 6.
2024-11-26 14:31:36

Tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ bản thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.
2024-11-26 08:14:24

Hải Phòng tổng kết Nghị quyết về 'thu hồi diện tích đất giao không đúng thẩm quyền'

Thành phố Hải Phòng vừa tổ chức hội nghị tổng kết Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND về “nhiệm vụ, giải pháp thu hồi diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí tài nguyên đất”.
2024-11-26 07:37:23

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'

Chiều 25/11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
2024-11-26 07:00:00

Chiêm ngưỡng show diễn chỉ có trong thế vận hội quốc tế ngay tại Phú Quốc

Mỗi tối tại thị trấn Hoàng Hôn, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng màn trình diễn đẳng cấp quốc tế của những á quân, quán quân flyboard và jetski thế giới cùng trình diễn gần 20 phút pháo hoa, pháo nước.
2024-11-25 11:39:00

CSGT Lào Cai dùng 'mắt thần' đặc biệt đối phó xe phóng ẩu

Quá trình làm nhiệm vụ, Tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai đã dùng "mắt thần" phát hiện, ghi hình hàng loạt tài xế ô tô lái xe chạy quá tốc độ.
2024-11-25 11:03:24
Đang tải...