TP.HCM: Không được phép chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch COVID-19
Tăng cường, củng cố hệ thống y tế các cấp tại Thành phố
Mặc dù, TP.HCM đã qua đỉnh của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. Nhưng ngành y tế Thành phố khuyến cáo người dân không được lơ là, chủ quan, cần cần đảm bảo biện pháp 5K, thực hiện tốt hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố. Trước thông tin từ WHO về biến chủng phụ của Delta, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, bên cạnh những biện pháp phòng, chống dịch đang triển khai. Ngành y tế Thành phố phối hợp cùng các chuyên gia theo dõi diễn biến đối với biến chủng mới của dịch COVID-19.
“Qua thực tiễn 4 đợt dịch, đặc biệt là đợt dịch lần 4, ngành y tế Thành phố đã rút ra 10 bài học kinh nghiệm và sẽ áp dụng khi có sự cố xảy ra trong thời gian sắp tới. Hiện nay, Sở Y tế Tp.HCM đang cùng các Sở, ngành xây dựng đề án phát triển y tế cơ sở trên địa bàn. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tăng cường củng cố hệ thống y tế cơ sở, dự phòng ở các cấp…” – bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai chia sẻ.
Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cung cấp thông tin tại họp báo chiều ngày 1/11.
Liên quan đến đề xuất tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu, nhóm nguy cơ cao trong tháng 11 và 12/2021. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin, Thành phố đã đề xuất vấn đề này với Bộ Y tế và sẽ tuân theo hướng dẫn của Bộ. Đối với công tác tiêm vaccine cho trẻ em từ 3-12 tuổi, Sở Y tế đang lập kế hoạch chi tiết với các phường, xã để đề xuất với Bộ Y tế trong thời gian tới.
Tại buổi họp báo, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM đã phân tích vấn đề “Vì sao số ca nhập viên tại TP.HCM vẫn còn cao trong khi mức độ bao phủ vắc xin tăng?”. Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai có 3 nguyên nhân chính
Thứ nhất: Khi các cơ sở thu dung tại địa bàn quận huyện thu gọn lại, những bệnh nhân đang điều trị tại những nơi này sẽ được đưa vào các bệnh viện.
Thứ hai: Khi các công ty, xí nghiệp, nhà máy bắt đầu hoạt động, việc test nhanh định kì được triển khai. Từ đó, phát hiện thêm nhiều trường hợp dương tính nằm trong lực lượng lao động từ các tỉnh thành đổ về. Tuy nhiên, do các xí nghiệp, nhà máy không đủ điều kiện cách ly, phần lớn người lao động sẽ được đưa vào bệnh viện để đảm bảo an toàn.
Thứ ba: Đối với trường hợp lao động nghèo nhiễm COVID-19, sống tại khu nhà trọ, khu lưu trú không đủ điều kiện cách ly tại nhà, những đối tượng này cũng được đưa vào bệnh viện để điều trị chăm sóc tốt hơn.
Lập đoàn kiểm tra cơ sở vật chất, trước khi học sinh trở lại trường
Tính đến nay, Thành phố có 230 cơ sở trưng dụng phục vụ phòng chống dịch chưa được bàn giao (trong đó có 31 trường THPT). Phần lớn các đơn vị sử dụng đã đề xuất với Sở thời gian trao trả dự kiến, chủ yếu tập trung vào tháng 11/2021.
Trưởng phòng Công tác Chính trị, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM Trịnh Đình Trọng - Ảnh: TTBC TP.HCM
“Sau khi nhận bàn giao các trường học, Sở Giáo dục - Đào tạo cũng tổ chức đoàn kiểm tra cơ sở vật chất tại các trường. Từ đó, đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo Ban quản lý xây dựng công trình của địa phương phối hợp với các đơn vị có liên quan để khẩn trương rà soát, xây dựng phương án, tiến hành sửa chữa các trường”, Trưởng phòng Công tác Chính trị, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM Trịnh Đình Trọng trao đổi tại họp báo.
Liên quan đến vấn đề cho học sinh trở lại trường, ông Trịnh Đình Trọng cho biết: Trên cơ sở Nghị quyết 428 của Chính phủ, Sở Giáo dục - Đào tạo đã ban hành văn bản số 4728 hướng dẫn về tổ chức hoạt động trực tiếp tại cơ sở giáo dục. Hiện tại, Sở đang phối hợp Sở Y tế trao đổi vấn đề chuyên môn, bàn giải pháp an toàn để tham mưu cho UBND TP.HCM về kế hoạch tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường trong thời gian tới.
Hơn 90% doanh nghiệp trong KCN, KCX, KCNC đã đăng ký hoạt động trở lại
Cung cấp thông tin tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Thị Kim Ngọc đã thông tin về tình hình phân luồng sản xuất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn. Tính đến ngày 1/11, tổng số doanh nghiệp đăng kí hoạt động trở lại là 1.342/1.412 doanh nghiệp, đạt tỉ lệ 95%.Trong đó, số lao động làm việc là 216.000/288.000 lao động, đạt 75%. Riêng tại khu công nghệ cao, theo ghi nhận có 88/88 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 100%) với 145.000 người công nhân viên (đạt 84%).
Tính đến ngày 1/11, trên địa bàn TP.HCM có hơn 6.500 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đăng kí tổ chức sản xuất trở lại. Các quận, huyện và TP Thủ Đức đang tiếp tục cập nhật số lượng doanh nghiệp đăng kí phương án hoạt động lại để gửi về Sở trong thời gian tới.
Bất kỳ sự chủ quan nào cũng rất nguy hiểm trong giai đoạn hiện nay
Nhấn mạnh nguyên tắc “An toàn tới đâu, mở cửa tới đó”, Phó Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho rằng không vì thấy tình hình khả quan hơn mà chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch COVID-19. Hiện nay, TP.HCM vẫn đang ở cấp độ 2 của dịch bệnh - Cấp độ nguy cơ trung bình. Trong đó, có một số phường xã là cấp độ 3. Mỗi ngày TP.HCM đều có từ 1.000 – 1.400 ca mắc mới. Tại họp báo, ông Phạm Đức Hải đề nghị các cơ quan báo chí cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu, bất kỳ sự chủ quan nào trong phòng chống dịch bệnh cũng đều rất nguy hiểm khi diễn biến dịch vẫn đang phức tạp, khó lường như hiện nay.
Phó Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP.HCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo - Ảnh: TTBC TP.HCM.
Tính đến 18h00 ngày 31/10, TP.HCM ghi nhận 432.703 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ y tế công bố. Hiện tại, Thành phố đang điều trị 11.230 bệnh nhân (có 255 bệnh nhân nặng thở máy và 11 bệnh nhân can thiệp ECMO). Trong ngày 31/10 có 624 bệnh nhân nhập viện, 473 trường hợp xuất hiện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/1/2021 đến nay là 252.316 bệnh nhân xuất viện); 25 trường hợp tử vong (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/1/2021 đến nay là 16.706 người). Về tiêm vaccine phòng COVID-19, đến ngày 31/10, tổng số mũi 1 là 7.608.475; mũi 2 là 5.723.998 mũi.
TP.HCM đạt cấp độ 2 trong kết quả đánh giá cấp độ dịch COVID-19
Thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, ngày 01/11/2021, UBND TP.HCM có Thông báo số 161 về cấp độ dịch trên địa bàn Thành phố xét theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM.
Theo đó, tính đến ngày 01/11, TPHCM đạt cấp độ 2 trong kết quả đánh giá cấp độ dịch COVID-19.
Ở cấp quận, huyện, TP Thủ Đức: có 13/22 địa phương đạt cấp độ 1; 9/22 địa phương đạt cấp độ 2 (Quận 3, Quận 11, Quận 12, quận Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và huyện Hóc Môn). Có 5 quận giảm cấp độ dịch so với tuần trước gồm: Quận 5, 6, Bình Tân, Tân Bình và Tân Phú.
Ở cấp phường, xã, thị trấn: có 207/312 địa phương đạt cấp 1; 101/312 địa phương đạt cấp 2; 04/312 địa phương đạt cấp 3 (Phường 4 - quận Phú Nhuận, xã Hiệp Phước - huyện Nhà Bè, xã Vĩnh Lộc B - huyện Bình Chánh và thị trấn Hóc Môn). Có 53 phường, xã giảm cấp độ dịch và 32 phường xã tăng cấp độ dịch so với tuần trước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.