TP.HCM: Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố tính đến ngày 24/5
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn - Ảnh:TTBC TP.HCM.
Diễn biến dịch bệnh Covid-19 tính đến ngày 24/5
Trong ngày 23/5, không ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tính đến nay, có 276 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM. Trong đó, 74 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 26,81%), 198 trường hợp nhập cảnh (chiếm tỷ lệ 71,74%), 04 trường hợp lây trong khu cách ly VNA (1,45%).
Có 259 trường hợp điều trị khỏi, chiếm tỷ lệ 93,84%. Hiện đang điều trị 17 bệnh nhân dương mới (16 người tại bệnh viện Dã chiến Củ Chi, 01 người tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới), tương ứng 1,75 ca trên 1 triệu dân. Hiện sức khỏe các bệnh nhân ổn định, không có triệu chứng chuyển nặng. Ngoài ra, tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi đang điều trị 03 bệnh nhân tái dương tính (BN2704 tái dương tính ngày 26/4/2021; BN2458 tái dương tính ngày 06/5/2021 và BN2782 tái dương tính ngày 12/5/2021). Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp nhận 01 trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng chuyển từ Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang.
Đ/c Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố - Ảnh: TTBC TP.HCM.
Thực hiện điều tra giám sát các trường hợp tiếp xúc hoặc liên quan ca dương tính và khoanh vùng dập dịch:
Đối với trường hợp BN ở TP Thủ Đức (BN 4514): Tổng số mẫu xét nghiệm thực hiện là 5957, bao gồm 80 người tiếp xúc gần và 1.241 người tiếp xúc khác. Mở rộng xét nghiệm: 4.636 người các khu vực chung cư Sun View (3281 người), công ty Grove quận 3 và các công ty xung quanh (305 người), công ty Deloitte quận 1 (409 người), Công ty DataLogic quận 9 (641 người). Qua đó phát hiện thêm 01 trường hợp dương tính là BN 4583, còn lại tất cả kết quả đều âm tính. Có 80 người cách ly tập trung, 1241 người cách ly tại nhà. Hiện đang phong tỏa block A1 khu chung cư Sun View Town, P. Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức (nơi BN cư trú) và văn phòng Công ty cổ phần tập đoàn Grove 129 Pasteur, P. Võ Thị Sáu, Q.3 (nơi 2 BN 4514 và 4583 làm việc).
Đối với trường hợp BN ở quận 7 (BN 4583): Tổng số mẫu xét nghiệm thực hiện là 257, bao gồm: 116 người tiếp xúc gần và 75 người tiếp xúc khác. Mở rộng xét nghiệm: 66 người tại tòa nhà BN ở; hiện có 239 người âm tính, 18 người đang chờ kết quả (là người đi cùng chuyến bay từ Hải Phòng vào TPHCM mới tìm kiếm được); 116 người cách ly tập trung, 141 người cách ly tại nhà.
Đối với 03 BN ở quận 3 (BN 4780, 4781, 4782): Tổng số mẫu đã thực hiện là 1.958 người, bao gồm 137 người tiếp xúc gần và 441 người tiếp xúc khác. Mở rộng xét nghiệm đối với 1.380 người gồm các khu vực hẻm nơi BN cư ngụ, buôn bán ở quận 3 (715 người), khu vực quanh nhà con của BN ở Bình Tân (304 người) và phòng khám đa khoa Trung tâm y khoa Medic quận 10 (363 người). Hiện có 1.868 người âm tính, còn 90 người đang chờ kết quả (người tiếp xúc mới được khai thác và tiếp cận sau). Cách ly tập trung 141 người, cách ly tại nhà 1817 người.
Hiện còn phong tỏa: Hẻm 287 và số 289 đường Nguyễn Đình Chiểu, P.5, Q.3 là nơi cư ngụ, buôn bán của 3 BN; đoạn đường Đoàn Phú Tứ, P. An Lạc A, Q. Bình Tân (khoảng 200m với 66 hộ dân) là nơi con BN 4780 cư ngụ; Trung tâm y khoa Medic (254 Hòa Hảo, P.4, Q.10) là nơi BN 4780 đến khám bệnh.
Đối với 01 ca nghi nhiễm ở quận Gò Vấp: BN có các triệu chứng khá điển hình của bệnh Covid-19 như sốt, khó thở, đau họng, mất vị giác, đồng thời chụp Xquang có hình ảnh viêm phổi và xét nghiệm kiểm tra SARS-CoV-2 lần đầu có kết quả dương tính yếu. Sau đó khi được xét nghiệm kiểm tra lần 2, lần 3 đã cho kết quả âm tính, nhưng ngay từ thời điểm có kết quả xét nghiệm lần 1 ngành Y tế đã tiến hành đầy đủ các biện pháp chống dịch. Tổng số mẫu đã thực hiện là 264 người: tất cả có kết quả âm tính. Cách ly tập trung 32 người. Hiện còn tạm phong tỏa hẻm 954 Quang Trung, P.8, Q. Gò Vấp (42 hộ dân) là nơi BN cư ngụ và Phòng khám y khoa Quang Trung, P.14, Q. Gò Vấp là nơi BN đến khám.
Công tác giải mã gene:Nhóm nghiên cứu Covid-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và đơn vị Nghiên cứu Lâm Sàng Đại Học Oxford đã tiến hành giải mã nhanh bộ gene của SARS-CoV-2 từ bệnh nhân BN4514 (TP Thủ Đức), BN4583 (Quận 7) và BN4780 (Quận 3). Kết hợp kết quả giải mã gene với thông tin dịch tễ có thể khẳng định, hai bệnh nhân BN4583 (Quận 7) và BN4514 (TP Thủ Đức) có cùng một nguồn lây do biến chủng B.1.617.2 (biến chủng Ấn Độ); BN4780 (Quận 3) nhiễm biến chủng B.1.1.7 (biến chủng Anh) là biến chủng đang lưu hành tại Đà Nẵng và Hà Nam, hiện nay đã lây lan ra các tỉnh khu vực miền Trung; cũng từng phát hiện được trên BN1660 (từ Hải Dương 29/1) và BN2910 (từ Hà Nam 29/4) đã cách ly điều trị tại BV Dã Chiến Củ Chi trước đây. Như vậy đây là lần đầu tiên TPHCM ghi nhận sự lưu hành đồng thời của cả hai biến chủng được cho là có khả năng lây lan nhanh.
Các biện pháp tiếp tục triển khai trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố
Kiểm soát nguồn bệnh xâm nhập Thành phố: Tiếp tục tổ chức xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên đối với hành khách tại sân bay quốc nội đi chuyến bay từ các tỉnh thành đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Phát hiện sớm nguồn lây tiềm ẩn: Khẩn trương điều tra truy vết người tiếp xúc ca bệnh để cách ly tập trung và xét nghiệm kiểm tra, đồng thời qua đó xác định nguồn lây; khoanh vùng mở rộng xét nghiệm những địa điểm, khu vực có liên quan ca bệnh hoặc có nguy cơ cao; khẩn trương giải trình tự gen đối với các ca nhiễm mới để chủ động trong công tác phòng, chống dịch; Tăng cường phân luồng, khám sàng lọc và xét nghiệm tầm soát người có triệu chứng nghi ngờ tại cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm người nhiễm bệnh; Yêu cầu các nhà thuốc khi ghi nhận người mua thuốc điều trị các triệu chứng viêm hô hấp cấp thì thông báo ngay cho y tế địa phương để kiểm tra, giám sát kịp thời.
Hạn chế lây lan dịch bệnh trong cộng đồng: Tiếp tục việc dừng các hoạt động tập trung đông người và các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu theo chỉ đạo của UBND TP; Đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong từng lĩnh vực; Các ngành, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, giao thông vận tải phải ghi nhận lại thông tin khách hàng, để cung cấp cho ngành y tế truy vết ca nhiễm khi có yêu cầu; đề nghị người dân chủ động ghi lại lịch trình di chuyển tiếp xúc hàng ngày để cung cấp khi cần điều tra truy vết.
Ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp - Ảnh: TTBC TP.HCM.
Ghi nhận và trao tặng bằng khen cho 26 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác xử lý ổ dịch được phát hiện trong cộng đồng ngày 8/5/2021, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, hiện nay TPHCM đang lưu hành 02 biến chủng SARS-CoV-2 được cho là có khả năng lây lan nhanh gồm biến chủng Ấn Độ và biến chủng Anh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh tại Thành phố. Chính vì vậy, chính quyền và người dân toàn Thành phố tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phải tiếp tục nâng cao mức cảnh giác với dịch bệnh và nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và UBND Thành phố:
Các Sở - ngành, quận - huyện quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở… nên ở nhà và làm theo hướng dẫn của ngành y tế, cần thiết thì kết nối trực tuyến để làm việc tại nhà
Từ 25/5/2021, người đến các cơ quan, đơn vị liên hệ công tác phải khai báo y tế. Mỗi cơ quan, đơn vị phải thành lập 01 Tổ Covid-19 để kiểm soát khách ra/vào cơ quan.
Phát huy cao độ tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trong các công việc liên quan đến phòng, chống dịch bệnh phải giải quyết nhanh chóng.
Tổ chức giãn cách mật độ mua sắm tại các khu chợ đêm, chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đêm, chợ đầu mối… hạn chế tối đa việc tập trung đông người. Đẩy mạnh hậu kiểm trong công tác phòng, chống dịch tại các điểm nguy cơ đã được ngành y tế xác định như: chung cư, nhà ga, bến xe, chợ…
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nội vụ chuẩn bị sẵn sàng cho Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố đi vào hoạt động.
Phối hợp với Sở Y tế ban hành Thông cáo báo chí về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM vào 18 giờ hàng ngày để cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin chính thống cho người dân.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đó nhấn mạnh việc mỗi người dân phải tự giác, chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Khuyến cáo những người trên 60 tuổi hạn chế đi ra đường, đến nơi đông người.
Sở Y tế rà soát lại quy trình phòng chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện giãn cách trong các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh; hạn chế tối đa các trường hợp thăm nuôi và kiểm soát chặt chẽ người ra/vào bệnh viện; sẵn sàng các khu cách ly tạm thời tại bệnh viện.
Nhân viên y tế, bệnh nhân, người thăm nuôi phải cài đặt phần mềm Bluezone nếu có điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, bệnh viện cần trang bị thêm các thiết bị để tăng cường phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký lịch khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, khám bệnh từ xa…
Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất phối hợp với chính quyền địa phương và cơ sở y tế nghiên cứu, điều chỉnh giờ làm việc của các cơ sở sản xuất theo hướng giãn cách các ca làm việc, giảm mật độ tụ tập đông người vào buổi sáng, giờ tan ca; diễn tập các tình huống và triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các quận - huyện, TP Thủ Đức rà soát lại số lao động nước ngoài được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, vào làm việc tại các doanh nghiệp, không để lọt trường hợp nhập cảnh trái phép.
Viện nghiên cứu phát triển Thành phố khẩn trương xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế của từng ngành, từng lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm và 06 tháng cuối năm 2021. Đồng thời có đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 để có phương án điều chỉnh các giải pháp phù hợp, kịp thời, nhất là triển khai gói hỗ trợ khắc phục khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.