TP.HCM: Tổ chức Lễ giỗ lần thứ 190 Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt
Đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, các cơ quan, ban ngành thành phố tham dự Lễ giỗ sáng ngày 26/8.
Tham dự Lễ giỗ có Đồng chí Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy Thành phố; đ/c Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND Thành phố; đ/c Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND Thành phố; đ/c Lê Thị Bân - Nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh (hậu duệ dòng dõi Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt), cùng đại diện các Sở, ban, ngành đoàn thể, ban quản lý di tích, cơ quan thông tấn Trung ương, Thành phố.
Ban tổ chức, thực hiện các nghi thức tế lễ tại chánh điện, các nghi thức được cử hành theo phong cách hoàng cung dành cho các vị khai quốc công thần.
Việc tổ chức Lễ giỗ lần thứ 190 Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt, nhằm tưởng nhớ các vị tiền nhân, anh hùng liệt sĩ, nhân dân đã có công mở mang bờ cõi, xây dựng, gìn giữ đất nước. Thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của nhân dân ta. Qua đó, nhằm giáo dục cho các thế hệ sau, đặc biệt là thế hệ trẻ biết hướng về cội nguồn dân tộc, có tình yêu quê hương Tổ quốc một cách thiết thực và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.
Sau khi hoàn thành lễ Cúng Tiên thường tại chánh điện, đại diện lãnh đạo Thành phố thắp hương tại lăng mộ Tả Quân Văn Duyệt.
Lễ giỗ được thực hiện theo nghi thức tế lễ Tiểu cung đình triều Nguyễn. Các nghi thức được cử hành theo phong cách hoàng cung dành cho các vị khai quốc công thần. Lễ phẩm cúng giỗ gồm trà, rượu, trầu cau, bánh Gia Định xưa cùng các vật phẩm trái cây Nam bộ, các loại hoa quả được kết thành hình long- mã - phụng cùng các món ăn đặc trưng phương Nam. Trong Lễ giỗ có hoạt động hát kỳ yên cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, tưởng nhớ các bậc tiền hiền, các Anh hùng liệt sĩ đóng góp công lao xây dựng đất nước.
Theo đó, ngày 26/8 diễn ra các hoạt động: Nghi lễ Cúng Tiên thường; lễ dâng hương; Lễ Xây chầu – Đại bội – Hát bội tuồng và đón tiếp người dân đến chiêm bái. Ngày 27/8, diễn ra các hoạt động của Ngày Chánh giỗ: Cúng Chánh giỗ theo nghi thức tế lễ Tiểu cung đình triều Nguyễn, Tế Tiền hiền – Hậu hiền – Anh hùng liệt sĩ, biểu diễn nghệ thuật hát bội, Lễ Tôn Vương – Hồi chầu và đón tiếp nhân dân đến chiêm bái. Ngày 28/8, diễn ra các hoạt động như Cúng trầu cau và bánh Gia Định xưa cùng với Hát bội - tuồng Phụng Nghi Đình.
Trước đó, sáng ngày 25/8, cũng tại di tích đã diễn ra Lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống “Lễ hội Khai Hạ - Cầu An tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt”.
Năm 1989, Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền quận Bình Thạnh luôn chú trọng lãnh đạo thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc.
Di tích Lịch sử Văn hóa Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) - Phát huy tốt giá trị văn hóa phi vật thể.
Nằm trong khuôn viên rộng 18.500m2, bên cạnh chợ Bà Chiểu, lăng Tả quân Lê Văn Duyệt được dân gian gọi là lăng Ông Bà Chiểu, nơi chôn cất vị Tả quân Lê Văn Duyệt - Tổng trấn thành Gia Định xưa. Dưới sự quản lý điều hành tài tình về kinh tế và quân sự của ông, người dân nơi đây được sống trong an bình, no ấm. Đương thời, Tả quân Lê Văn Duyệt cùng người dân trong vùng đã thực hiện nghi lễ Hạ nêu để cầu mưa thuận gió hòa. Các nghi thức tế, lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.