Trại phong Đá Bạc và cuộc sống đơn độc của cụ bà 80 tuổi
Trại phong Đá Bạc nằm giữa những ngọn đồi heo hút, thư thớt dân cư của xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Trại được xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi bệnh phong còn bị người dân coi là một trong “tứ chứng nan y”, một căn bệnh phải đối mặt với sự xa lánh của gia đình cũng như cộng đồng.
Dãy nhà trại phong Đá Bạc từng là nơi sinh sống hơn 150 bệnh nhân.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, trại phong giờ đây chỉ còn lại những mảnh đời bị lãng quên cùng với công trình kiến trúc đã dần xuống cấp theo thời gian. Giữa trại phong hoang vu, hẻo lánh tưởng như đã bị bỏ hoang ấy lại tồn tại những mảnh đời “bị lãng quên”, bám trụ lại với trại phong cho đến những hơi thở cuối cùng.
Đá Bạc từng là trại phong lớn của Hà Nội. Hơn chục năm trở về trước, nơi đây từng là nơi sinh hoạt của hơn 150 người, chủ yếu là những cụ già không có nơi nương tựa hoặc bị con cháu và người đời hắt hủi bởi mang trong mình căn bệnh khiến nhiều người khiếp sợ - bệnh phong.
Vào năm 2013, chính quyền TP Hà Nội quyết định di dời trại đi nơi khác nhằm đảm bảo tốt hơn các điều kiện sinh sống cho bệnh nhân. Nhiều người đã chuyển đi chỉ còn 10 người xin ở lại vì đã gắn bó với nơi này quá lâu. Trải qua năm tháng, một nửa số người xin ở lại trại phong Đá bạc đã qua đời, vài người tiếp tục được con cháu đón về chăm nom lúc tuổi già. Chỉ còn bà Nguyễn Thị Sợi (80 tuổi, quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) ở lại sống đơn độc trong những căn phòng tiêu điều, ngày ngày làm bạn với hai chú chó cùng đàn gà.
Trại phong Đá Bạc sau nhiều năm bỏ hoang trở nên cổ kính, u tịch. Những căn phòng trước đây từng là nơi lưu trú của những bệnh nhân giờ đã hoang tàn, đổ nát, cỏ cây đua nhau mọc, ken đầy những lối đi. Nhiều đồ đạc, dụng cụ sinh hoạt vẫn còn ở trong phòng nhưng đã phần nào bị mục rỗng, mạng nhện giăng đầy, từng mảng trần nhà rơi xuống nền tạo nên một không gian hỗn độn, hôi hám. Cảm giác cô đơn, hoang tàn hiện rõ qua những dãy nhà xuống cấp.
Một kiếp đau buồn…
Bà Nguyễn Thị Sợi, người cuối cùng còn lại ở trại phong, bà Sợi buồn tủi khi kể về cuộc đời mình...
58 năm đã qua đi, trong ký ức của bà Sợi chỉ còn những vết sẹo tâm hồn do bị xa lánh, kỳ thị bởi chính gia đình và dân làng. Giờ đây, khi gắn bó với Trại phong Đá Bạc đã hơn 50 năm, bà coi mảnh đất này như quê hương, là ngôi là thứ hai của mình. Dù đã có rất nhiều bệnh nhân được gia đình đón về do xã hội không còn kỳ thị những người bị bệnh phong, tuy nhiên bà chia sẻ bà sẽ tiếp tục sống ở đây cho đến cuối đời để chăm lo cho phần mộ của những người bạn, những bệnh nhân từng ở trại phong, khi mất được chôn cất trên những ngọn đồi.
Nghe bà kể về cuộc đời tôi mới thấy bản thân mình hạnh phúc và may mắn hơn rất nhiều người vì cuộc đời này còn lắm những mảnh đời bất hạnh, những mảnh đời đơn độc như bà Sợi. Vừa kể chuyện những giọt nước mắt bà lại lặng lẽ rơi trên khuôn mặt hằn lên vết cơ cực của thời gian, và chai sạn của bệnh tật, bà bảo: Bà mất bố mẹ năm 3 tuổi, vì họ mất quá sớm nên cũng không nhớ được khuôn mặt của họ như thế nào. May mắn bà được một gia đình cách mạng nhận nuôi. Những tưởng cuộc sống của bà sẽ tốt hơn, sẽ được sống trong một gia đình đầy đủ tình thương từ bố, mẹ và hai người chị nhưng dường như ông trời lại tiếp tục thử thách người con gái với dáng người bé nhỏ ấy một lần nữa.
Đôi bàn tay căn bệnh quái ác đã trở nên không lành lặn.
Năm 17 tuổi, đang là cái tuổi đẹp của đời con gái thì cô gái Sợi xinh đẹp, vui tươi khi ấy như chết lặng khi biết mình mắc căn bệnh phong vô phương cứu chữa, gia đình, hàng xóm xa lánh và gọi với cái tên “con gủi” của xã hội. Bà khóc khi nhớ về những năm tháng mới mắc bệnh, đi xem chiếu bóng tại hợp tác xã bị mọi người khinh thường ném đá, ném nước vào người, có người đàn ông cũng nhiễm bệnh phong bị ném vỡ đầu sợ quá lại chạy về nhà dù rất muốn xem.
Hay hồi ấy sau buổi đi cấy về, rét quá phải ngồi hơ chân tay trên bếp lửa mà không thấy nóng, rồi bị bỏng khắp người, lớp da căng phồng võng nước. Lúc đó, bà đã biết mình mắc bệnh phong. Sợ người ta biết mình mắc bệnh quái ác nên bà đã lấy que chọc các vết bỏng cho vỡ ra, thế rồi đi làm đồng bùn đất dính vào các vết bỏng làm chân tay bị nhiễm trùng. Nằm ngủ phải lấy chăn đắp che đi những vết thương vì sợ mọi người trong gia đình biết.
“Lúc nghe mình bị bệnh phong tôi chỉ biết khóc. Hồi ấy, ở quê tôi cứ ai mắc căn bệnh này đều bị mọi người xa lánh. Gia đình tôi đã cho tôi ngủ dưới bếp, ăn riêng bát đũa. Tôi nén chịu những cơn đau nhức, đi làm ruộng như những người bình thường để che giấu căn bệnh quái ác. Thế rồi dần dần những ngón chân, ngón tay tôi cứ phồng rộp lên teo đi, dân làng cũng biết chuyện, người ta gọi tôi là hủi. Mọi người thấy mình liền vội vàng xa lánh”, bà Sợi nhớ lại.
Mấy chục năm về trước, căn bệnh phong mà bà Sợi mắc phải là một thứ gì đó kinh khủng lắm. Những người mắc phải căn bệnh này dần dần sẽ bị mọi người xa lánh rồi cuối cùng “ra đi” trong sự cô độc, đau đớn. Vì thế nên khi biết mình mắc bệnh, bà Sợi chỉ biết ngồi khóc. Những người thân trong gia đình bà cũng vì thế mà dần xa rời bà. Họ cho bà ăn riêng bát đũa, ngủ riêng một chỗ.
Căn bệnh quái ác theo năm tháng tàn phá cơ thể bà Sợi. Từ một cô gái với thân hình lành lặn, bình thường như bao người, chân tay bà cứ dần teo tóp lại, khòng khoèo và đơ cứng như khúc củi. Những cảm giác cũng cứ thế mất dần, thậm chí kim châm hay lửa đốt bà cũng không biết đau đớn là gì.
Đến năm 22 tuổi, bà Sợi được chuyển đến trại phong Đá Bạc để ở, điều trị và gắn bó đến tận bây giờ. “Có lẽ tôi chẳng được sống đến tận bây giờ nếu không có trại phong này. Ở trại phong ai cũng thế đến chiều tối khi mặt trời dần khuất núi lại bật khóc. Ai cũng tủi thân khi chính mình bị người thân, họ hàng xa lánh, nghĩ sống đơn độc suốt cuộc đời. Cũng may vì vào đây, tôi được sống chan hoà với nhiều người cùng cảnh ngộ, chia sẻ về cuộc sống nhau”, bà Sợi hồi ức lại.
Mái ấm không thể rời
Từ khi vào đây, bà Nguyễn Thị Sợi được sống, được chăm sóc và có nhiều người để bầu bạn. Thế nhưng đến cuối đời bà lại chấp nhận sự cô độc ấy một lần nữa. Một mình bà Nguyễn Thị Sợi ở lại sống côi cút ở trại phong bỏ hoang giữa núi đồi. Bà quyết định không chuyển đến trại phong khác.
Trải qua hơn 50 năm sống ở trại phong Đá Bạc, bà Sợi coi nơi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình. Bà là một trong những người đầu tiên đến với trại phong và bây giờ chính bà lại là người cuối cùng bám trụ ở trại phong này.
Hàng ngày, những mảnh đời bất hạnh tuổi xế chiều kể lại cho nhau nghe về quá khứ và những chuyện vui buồn. Bên cạnh bà Nguyễn Thị Sợi còn có đàn gà và chú chó Bun bà đã nuôi 11 năm làm bạn,
Không còn trợ cấp, những cụ ông, cụ bà đang ở tuổi thất thập rơi vào cảnh túng thiếu nghèo đói, những vết thương của bệnh tật vẫn đeo bám, những đôi chân, đôi tay không còn lành lặn càng khiến việc sinh hoạt trở nên khó khăn hơn, thế nhưng họ vẫn có nhau lúc ốm đau, vui buồn tuổi già. Cuộc sống ở đây chủ yếu tự cung tự cấp, người trồng rau, người nuôi gà, cứ thế các cụ cải thiện bữa ăn hằng ngày. Không người thân, không người trông nom chăm sóc, cũng không có sự quan tâm, các cụ chỉ có thể nương tựa tuổi già lẫn nhau mà sống qua ngày.
Từ khi mọi người chuyển đi, bà Sợi sống biệt lập với xã hội. Bà tận dụng mảnh vườn hoang để nuôi gà và trồng rau để làm thực phẩm sống qua ngày. Mỗi tháng, bà Nguyễn Thị Sợi nhận trợ cấp 700.000 đồng từ nhà nước. Chế độ chính sách an sinh xã hội của Nhà nước đã giúp bà dần ổn định hơn trong cuộc sống.
Sống chỉ có một mình nên bà Sợi “thèm người” lắm nên cứ có ai còn nhớ đến lên thăm, bà Sợi có thể ngồi nói hàng giờ liền mà không hết chuyện. Những câu chuyện của bà lần nào cũng chỉ xoay quanh cuộc sống, cuộc đời cơ cực của bản thân và ước mong có thể sống và nằm xuống ngay tại chính nơi bà đã gắn bó cả cuộc đời.
Dù một mình với những bữa cơm buồn tẻ bưởi xế chiều nhưng bà vẫn luôn suy nghĩ tích cực với cuộc sống
Thời gian cứ đằng đẵng trôi, nỗi buồn vẫn cứ cồn cào nhưng sự tủi hổ bị xa lánh vì căn bệnh mới là nỗi đau lớn nhất của bà Sợi. Đối với bà, người gắn bó với nơi này cả một cuộc đời, mỗi khi nhắc đến lại trực trào nước mắt. Hơn 50 năm qua đi, những người bị bệnh phong cũng đã không còn phải chịu cảnh bị người đời xa lánh. Sự phát triển của y học hiện đại đã chữa trị khỏi căn bệnh quái ác này.
Sinh viên Học viện Báo chí đến thăm và giúp đỡ các cụ tại trại phong Đá Bạc (Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội).
Niềm vui nho nhỏ của các cụ đó chính là có người đến thăm hàng ngày để được trò chuyện. Cứ mỗi khi có người lên thăm là các cụ lại vui lắm, đặc biệt là các đoàn thiện nguyện và các nhóm sinh viên tình nguyện.
“Tôi sẽ ở đây đến cuối phần đời còn lại. Lúc rảnh rỗi tôi lại đạp xe đi ra chùa hay đi mua đồ ăn đồ uống. Mọi người giờ đây khi gặp tôi cũng vui vẻ chào đón và chia sẻ tình cảm với mình. Đó cũng là điều tôi vui và lấy đó làm động lực sống chứ không mong ước gì cao sang hơn nữa”, bà Sợi nói thêm.
Định kiến của xã hội về căn bệnh “hủi” đã đẩy bà Sợi từ người có quê hương, có gia đình thành một con người không nhà không cửa. Chính sự xa lánh, bàn tán xôn xao đó đã cướp đi hạnh phúc của một đời người. Bệnh “hủi” thật không đáng sợ và những người mắc bệnh “hủi” cũng không đáng bị kỳ thị, lãng quên. Hơn ai hết, họ là những người xứng đáng nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của xã hội, của cộng đồng.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Hữu Doanh (Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TW) trong chương trình Sức khỏe vàng bác sĩ từng khẳng định bệnh phong rất khó lây dù tiếp xúc trực tiếp vì vi khuẩn rất yếu. Nếu người bệnh phong nặng không được uống thuốc điều trị thì chỉ có 30% vi khuẩn có khả năng gây bệnh, nếu thuốc tỉ lệ giảm còn 5%. Khả năng sức đề kháng con người tốt kết hợp với uống thuốc tỉ lệ giảm chỉ còn 0.5%.
Nửa thế kỷ sống gần gũi và cứu chữa người bệnh phong, từng là Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hòa (Bình Định); Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập (Nghệ An) Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn là người đầu tiên và duy nhất trên thế giới đã tự tiêm vi khuẩn bệnh phong vào người mình để chứng minh cho mọi người biết rằng, nếu hiểu bệnh, bệnh sẽ không lây và có thể chữa khỏi.
Tôi cũng xin nhắc lại, bệnh phong (người miền Nam hay gọi là bệnh cùi, miền Bắc gọi là bệnh hủi) không phải là căn bệnh di truyền. Nếu không phát hiện kịp thời thì có thể để lại di chứng tàn tật ở mặt, tay, chân… Nhưng ngày nay với sự phát triển của y tế đã có thể hoàn toàn chữa khỏi, chúng ta cần phải có cái nhìn đúng đắn về căn bệnh này để những người bệnh vượt qua mặc cảm để sống chan hòa với những người xung quanh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.