Nữ Trung tá gần 90 tuổi và cuộc đời binh nghiệp vào sinh ra tử
Bên cạnh việc tích cực làm từ thiện, tri ân các gia đình có công với cách mạng, giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, bà còn là người hết lòng vì sức khỏe cộng đồng…
Cứ nhìn phong thái giản dị, nhẹ nhàng của CCB, bác sĩ Trần Thị Thục Oanh, chúng tôi khó có thể tin được bà đã sắp bước sang tuổi 90. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy luôn ánh lên sự thân thiện, ấm áp, bao dung. Càng khâm phục hơn khi chúng tôi được biết, người đàn bà bé nhỏ này đã từng trải qua nhiều biến cố thăng trầm đầy mất mát, thương đau: Năm 1947, bố bà hoạt động ở Chiến khu Khu 10 Việt Bắc bị Pháp bắn chết. Nhà bà bị giặc Pháp đốt cháy. Trước tình cảnh ấy, mẹ bà lâm bệnh rồi qua đời. Năm ấy bà mới tròn 12 tuổi.
Ảnh 1: Cựu chiến binh Trần Thị Thục Oanh.
Từ tuổi thơ mất mát, nhọc nhằn cộng thêm mối thù với giặc Pháp nên ngay sau khi học xong lớp y tá năm 1951, Thục Oanh xin nhập ngũ vào Quân y Viện 6 (nay là Bệnh viện Quân y 6, Cục Hậu cần, Quân khu 2). Trong vai trò y tá, hộ lý, bà đã trực tiếp phục vụ các thương binh, bệnh binh ở hai chiến dịch Tây Bắc và Hòa Bình chuyển về. Năm 1954, ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ, bà có mặt ở những nơi ác liệt nhất, từ Ba Khe, Lũng Lô, Cò Nòi, đến đèo Pha Đin... Nhìn vóc dáng mảnh mai của người phụ nữ này, chúng tôi khó có thể hình dung bà đã từng cùng đồng đội phát rẫy, làm nương, đào hầm, dựng lán, cõng gạo, cáng thương binh, tải đạn trên khắp các chiến trường từ Tây Bắc, Hòa Bình, Điện Biên Phủ đến những ngày đánh Mỹ ở Tây Nguyên, Lào, Campuchia…
Xuất phát điểm là cô y tá trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bà vừa công tác, vừa học tập để trở thành quân y sĩ, rồi bác sĩ giỏi; đảm trách nhiều cương vị quan trọng như: Chủ nhiệm Quân y d2 k20 Binh trạm 37, Đoàn 559, Chủ nhiệm Quân y Z157, Chủ nhiệm Quân y Cục Ô tô Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng)… Đó thật sự là một nỗ lực đáng khâm phục. Sau nhiều năm cống hiến và đóng góp cho ngành y, năm 2012, bà vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”.
Chia sẻ với chúng tôi về một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, bà nói: “Đánh Pháp đã gian khổ, nhưng đánh Mỹ còn gian khổ, khốc liệt hơn; vừa thời tiết khí hậu khắc nghiệt, vừa bom đạn ác liệt, địch lại rải chất độc hóa học dioxin cả ngày lẫn đêm; thiếu gạo, thiếu thuốc, bộ đội bị sốt rét ác tính triền miên… Nhất là khi thương bệnh binh ở các hướng chuyển về, tận mắt chứng kiến cảnh bộ đội đau đớn kêu rên; thậm chí phải trực tiếp chôn cất đồng đội… Ở giữa lằn ranh sự sống và cái chết, chúng tôi rất thấu hiểu và trân trọng tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng. So với hàng nghìn, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trên khắp các chiến trường trong Nam, ngoài Bắc, việc tôi còn sống và trở về đã là một may mắn lắm rồi”.
Có lẽ, từ những trăn trở ăm ắp đầy tình thương và trách nhiệm này mà khi trở về đời thường, bà không chọn cuộc sống an nhàn thụ hưởng tuổi già như bao người khác, mà lại dành cả phần đời còn lại để làm những việc “tốt đời, đẹp đạo” đầy ý nghĩa. Với bà, làm từ thiện, hỗ trợ các thương bệnh binh hay tri ân các anh hùng, liệt sĩ và hậu phương của họ là mang lại niềm vui, hạnh phúc cho chính mình. Bà luôn tâm niệm: “Sống là để lan tỏa yêu thương”, nên còn sống ngày nào, bà sẽ vẫn âm thầm hỗ trợ chị em, đồng chí, đồng đội - những người đã cùng bà hy sinh cả tuổi thanh xuân, góp phần làm nên chiến thắng, đem lại hòa bình cho dân tộc.
Ảnh 2: Cựu chiến binh Trần Thị Thục Oanh (người đội mũ) tại lễ trao nhà Nghĩa tình đồng đội tặng hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn.
Trong mạch của câu chuyện, bà vui vẻ trải lòng tôi mới biết, ngay sau khi rời quân ngũ, bà đã mở phòng mạch riêng, chủ yếu khám và chữa bệnh “0 đồng” cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Cũng từ thời điểm đó, bà chính thức bước vào hành trình làm việc thiện với mong muốn lan tỏa yêu thương đến cộng đồng. Ban đầu là khám và chữa bệnh miễn phí; sau là ủng hộ, hỗ trợ kinh phí giúp một số bà con nghèo chữa bệnh, sửa nhà; ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, CCB có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; ủng hộ tìm kiếm và xây mộ cho các liệt sĩ, xây nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt… với số tiền vài tỉ đồng.
Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, mặc dù tuổi cao, sức yếu, bà vẫn viết đơn tình nguyện xung phong tham gia công tác phòng, chống dịch, tiêm vắc-xin ở các địa phương; đồng thời ủng hộ quỹ phòng, chống dịch gần 100 triệu đồng trong nhiều đợt. Bà bộc bạch: Mình là người có chuyên môn cao, mắt còn tinh, tai còn thính, trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này, thêm một người là bớt một việc.
Chỉ cần tổ chức tin tưởng, bà sẽ sẵn sàng lên đường phục vụ nhân dân. Tấm lòng và tinh thần thiện nguyện ấy của bà đã làm lay động hàng triệu trái tim trong dịp vinh danh “Người tốt, việc tốt” năm 2021 tại T.P Hà Nội. Với bà, mỗi lần giúp đỡ được ai, bà đều rất vui. Hiện tại bà sống một mình, nhu cầu sinh hoạt không lớn. Vì vậy, còn sức khỏe, cứ góp nhặt được đồng nào là bà lại đi làm từ thiện. Suy cho cùng, giúp được đúng người, đúng thời điểm, âu cũng là một hạnh phúc.
89 năm tuổi đời, 56 năm tuổi Đảng, Trung tá, bác sĩ, CCB Trần Thị Thục Oanh đã và đang sống một cuộc đời thật đẹp. Trong trái tim người nữ Thầy thuốc Ưu tú luôn tràn ngập một tình yêu thương con người với con người. Bằng sự tận tâm, trách nhiệm trong công việc, từ những việc làm tình nghĩa đối với cộng đồng - đã và đang góp phần làm lan tỏa những giá trị nhân văn cao cả; thắp sáng ngọn lửa nhân ái, vị tha để cuộc sống ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.