Nâng cao trình độ lao động cho người khuyết tật vẫn là điều khó khăn
Theo báo Lao động, Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong đó, có 87,27% người khuyết tật sống ở nông thôn, tỉ lệ người khuyết tật sống ở khu vực này thuộc diện nghèo và cận nghèo thường cao gấp 3 tỉ lệ nghèo trung bình của toàn quốc. Số người khuyết tật còn trong độ tuổi lao động là 61%, trong đó 40% còn khả năng lao động.
Trình độ học vấn của người khuyết tật thấp: 41.01% người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ; số có trình độ từ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chỉ chiếm 19,5%. Về trình độ chuyên môn kỹ thuật: 93,4% người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn; số có bằng cấp là chứng chỉ nghề trở lên chỉ chiếm 6,5%.
Do trình độ học vấn còn thấp, thiếu các kỹ năng, chuyên môn cơ bản mà nhà tuyển dụng yêu cầu, cộng với tâm lý tự ti, mặc cảm của bản thân khiến cơ hội tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp của người khuyết tật còn hạn chế.
Chia sẻ với tạp chí Kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Dân - Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người lao động nói chung và người khuyết tật nói riêng bởi nó giúp họ có được thu nhập, ổn định đời sống.
Để giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ trông chờ vào các chính sách xã hội hay tình thương. Về phía người lao động khuyết tật cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng đảm đương được công việc của nhà tuyển dụng, để khẳng định được mình là những người “tàn mà không phế”.
Trang bị “hành trang” để người khuyết tật đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động (Ảnh minh họa).
Theo báo Thanh tra, để bảo đảm quyền có việc làm của người khuyết tật, thời gian tới, các cơ quan chức năng liên quan cần chú trọng một số giải pháp trọng điểm hỗ trợ người khuyết tật như: nâng cao nhận thức, khả năng tiếp cận cơ chế, chính sách việc làm, sinh kế, tổ chức các lớp đào tạo nghề, trang bị đầy đủ các kỹ năng, “hành trang” tìm việc làm cho người khuyết tật.
Bên cạnh đó, bản thân người khuyết tật, gia đình người khuyết tật cần phải chủ động tìm kiếm thông tin, nắm rõ các quyền của mình.
Ngoài ra, để giúp người khuyết tật có cơ hội học nghề, có việc làm, cần phải phát huy vai trò của chính quyền địa phương và các hội bảo vệ quyền của người khuyết tật, dựa trên dữ liệu lao động cụ thể về nhu cầu học nghề, việc làm của người khuyết tật. Cần gỡ bỏ các rào cản về môi trường như hoàn thiện giáo dục và đào tạo hòa nhập. Trợ cấp tiền lương là những khoản trợ cấp tạm thời được trả cho chủ sử dụng lao động khi tuyển chọn người lao động để bù đắp những chi phí phát sinh liên quan đến điều chỉnh nơi làm việc, bù đắp rủi ro có thể gặp phải khi thuê người khuyết tật làm việc.
Đặc biệt, cần thực hiện nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức, trang bị các kỹ năng cần thiết, nhằm khẳng định quyền của người khuyết tật và thay đổi nhận thức về mong muốn và khả năng của người khuyết tật trong vấn đề tìm kiếm việc làm. Từ đó, giúp những lao động là người khuyết tật có việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.