Bắc Trung Bộ có tỷ lệ trẻ khuyết tật cao nhất cả nước
Cần xây dựng giải pháp đánh giá, phân loại dạng tật để giáo dục và phục hồi chức năng tốt hơn cho trẻ khuyết tật (Ảnh: Internet)
Vừa qua tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo xây dựng giải pháp đánh giá, phân loại dạng tật để giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật. Theo báo cáo đánh giá, phân loại mức độ khuyết tật tại các cơ sở giáo dục có học sinh khuyết tật ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ khuyết tật từ 2 - 17 tuổi chiếm 2,83% theo điều tra dân số năm 2016. Trong đó, trẻ từ 2 - 15 tuổi chiếm 3,03% so với tổng số trẻ cùng độ tuổi; trẻ có một dạng khuyết tật chiếm khoảng 80%, còn 20% là trẻ có từ hai dạng khuyết tật.
Tỷ lệ trẻ khuyết tật khu vực nông thôn cao hơn gần 1,5 lần khu vực thành thị. Vùng có tỷ lệ khuyết tật cao nhất là Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Khảo sát thực trạng trẻ khuyết tật năm 2020 cho thấy, khoảng 20% số trẻ khuyết tật chưa có giấy xác nhận khuyết tật.
Trẻ khuyết tật đang được can thiệp, hỗ trợ và học tập trong các cơ sở giáo dục chủ yếu dựa vào đánh giá theo hồ sơ y tế và bằng quan sát, nhận định của cha mẹ và kinh nghiệm của giáo viên; các công cụ sàng lọc, phát hiện ban đầu, công cụ đánh giá sâu để can thiệp còn hạn chế về số lượng, chủ yếu được thực hiện tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Đánh giá xác định thực trạng phát triển người khuyết tật chú trọng vào mức độ phát triển hay điểm mạnh (có thể làm được gì) và nhu cầu (cần giúp đỡ, hỗ trợ) của người khuyết tật là cơ sở để các quốc gia xây dựng và thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật. Dựa vào đặc điểm kinh tế, xã hội của mình, mỗi quốc gia có cách phân loại riêng, do vậy, số lượng các dạng khuyết tật và số lượng người khuyết tật cũng khá đa dạng ở từng quốc gia.
Tại các nước phát triển, trong quá trình phát triển được theo dõi với một quy trình chặt chẽ để phát hiện sớm những lệch lạc bằng những công cụ sàng lọc do cha mẹ và những cán bộ chuyên môn y tế, giáo dục và xã hội. Sau khi xác định được những lệch lạc trong phát triển, những trẻ này được xác định chính xác hơn bằng những công cụ chuyên sâu trong từng lĩnh vực phát triển để có xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân nhằm can thiệp, hỗ trợ cho trẻ.
Phát biểu tại Hội thảo xây dựng giải pháp đánh giá, phân loại dạng tật để giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Bộ, giáo dục trẻ khuyết tật ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức. Trẻ khuyết tật ở những vùng sâu, xa, vùng khó khăn và ở những gia đình có điều kiện kinh tế hạn chế chưa được chăm sóc, giáo dục đầy đủ. Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn chưa đầy đủ về số lượng, phân bố không đồng đều. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập còn hạn chế...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), tại Việt Nam có một số ít công cụ đánh giá trẻ em khuyết tật được xây dựng. Việc sử dụng các công cụ đã được Việt hóa hoặc điều chỉnh cũng đang ở mức độ khiêm tốn cả về số lượng trẻ và địa bàn, do vậy, các nhận định hoặc kết luận được đưa ra còn thiếu tính khách quan.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, ở Việt Nam tỷ lệ trẻ khuyết tật từ 2 - 17 tuổi chiếm 2,83%; từ 2 - 15 tuổi là 3,02% so với tổng số trẻ em cùng độ tuổi. Trẻ có một dạng khuyết tật là 80%; số còn lại là đa tật. Tỷ lệ trẻ khuyết tật ở nông thôn cao hơn gần 1,5 lần khu vực thành thị....
Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định, Bộ Y tế đã và đang xây dựng tài liệu phục vụ chuyên môn về phục hồi chức năng, giám định, hướng dẫn hệ thống can thiệp sớm cho trẻ em khuyết tật, hướng dẫn phục hồi chức năng cho trẻ rối loạn tự kỷ… Bộ cũng đã phối hợp với các đơn vị, cơ quan đánh giá thực trạng hệ thống phục hồi chức năng, hệ thống công nghệ trợ giúp phục hồi chức năng, đánh giá kiểm tra. Kết quả đánh giá là cơ sở để thực hiện chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng của trẻ em khuyết tật trong thời gian tới.
Các chuyên gia, đại diện các đơn vị, tổ chức đã trao đổi, nêu ý kiến, đề xuất liên quan đến việc thống nhất các công cụ sàng lọc, công cụ chuyên sâu đánh giá từng lĩnh vực phát triển của trẻ khuyết tật; đội ngũ chuyên môn, quản lý, giáo viên; vị trí việc làm của giáo viên giáo dục đặc biệt; sự chỉ đạo, thống nhất trong quản lý, chế độ, chính sách cho trẻ khuyết tật; sự phối, kết hợp giữa các bộ ngành chuyên môn; sự đồng thuận của cha mẹ học sinh khuyết tật…
Từ thực tế, cho thấy rằng cần cụ thể hóa được khái niệm về các dạng tật, làm căn cứ xây dựng các chế độ, chính sách phù hợp và cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ngành y tế và ngành giáo dục đối với trẻ khuyết tật.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.