Trò chuyện cùng “Người thương binh thầm lặng tự xây Bia tưởng niệm đồng đội”

2021-07-27 13:16:26 0 Bình luận
“Người thương binh thầm lặng tự xây Bia tưởng niệm đồng đội” là tên gọi thân thương mà những người cựu chiến binh (CCB) Lữ đoàn 101 Hải quân đánh bộ (HQĐB), bà con xã Hải Thái (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đặt cho thương binh 2/4 Phạm Văn Nghiêm (sinh năm 1949), quê quán Ninh Xuân, Gia Khánh, Ninh Bình.

Biết tôi là thương binh và đã có hơn 40 năm cầm bút, nên ông Nghiêm không mất thời gian rào đón, giải thích mà đi ngay vào chủ đề cần trao đổi.

Nhà bia tưởng niệm do ông Nghiêm thiết kế và xây dựng.

Uống xong tuần trà, ông Nghiêm mở cặp lấy ra một tập tài liệu rồi chậm rãi nói. Hình như những câu chuyện, những nội dung trò truyện với tôi ngày hôm nay, nó đã hằn sâu trong ký ức của ông thì phải. Sợ người nghe không tin vào những lời mình nói, nên nói tới sự kiện nào, ông đều đưa ra những tài liệu để minh chứng. Khi là những bài báo được đăng trên Báo Nhân dân và Quân đội nhân dân, khi là những lá đơn ông viết gửi cho các cơ quan có thẩm quyền, các công văn trả lời của các cơ quan đó, thậm chí có cả Thư cảm ơn của Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân gửi đích danh cho ông… Tất cả những tài liệu đó đều xoay quanh việc xin phép xây bia tưởng niệm cho đồng đội và tập hợp tư liệu giúp đơn vị có căn cứ lập hồ sơ trình Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) cho đồng đội đã hy sinh anh dũng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.    

Tuy tuổi đã cao, lại bị thương nặng (mất 78% sức khỏe), song ông Nghiêm kể rất logic, lưu loát, sắp xếp các sự kiện theo trình tự thời gian làm cho người nghe rất dễ hiểu và đồng cảm với quá khứ mà ông đã trải qua. Ông kể cho tôi nghe từ lúc ông sinh ra, nhập ngũ, tham gia chiến đấu, bị thương, đi điều dưỡng…đến hành trình vào Nam, ra Bắc đi tìm nơi xây dựng “ngôi nhà chung” cho đồng đội đã nằm xuống. Vui có, buồn có, gian khổ có và vinh quang cũng có.

Ông Nghiêm kể: Tôi nhập ngũ ngày 1/5/1966, khi mới 17 tuổi, biên chế vào Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325C. Sau thời gian được huấn luyện, Trung đoàn nhận lệnh vào chiến trường Cồn Tiên - Dốc Miếu (Quảng Trị), tiến đánh địch trận đầu ở thung lũng Bà Nghén và đồi Phú Ân. Trận đánh trên đồi Phú Ân năm 1967, Đại đội 11 là đơn vị chiến đấu chủ lực.

Ông Nghiêm nhớ lại: “Sau loạt pháo kích, tiếng gào thét từ đỉnh đồi vọng xuống, tiếng hô “xung phong” cất lên, cả Đại đội 11 ào ào như thác đổ, tiêu diệt 140 lính Mỹ trong 10 hầm công sự. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng rồi phải rút lui gấp vì bị pháo từ Cồn Tiên rót ra phản công. Sau đó, đại đội kiểm quân mới biết 7 đồng chí hy sinh và không thể đem thi thể về được”.

Ông Nghiêm kể tiếp: sau hơn 1 năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, trong một trận đánh, tôi bị sức ép của bom tọa độ, cùng một vài mảnh đạn găm trên đầu, nên tôi được đơn vị cho ra Bắc để điều trị, điều dưỡng, giám định thương tật, với tỷ lệ mất sức khỏe 78%. Sau gần 1 năm điều dưỡng, tôi trở về công tác tại Cục Quân khí, Tổng cục Hậu cần cho đến năm 1975. Sau giải phóng, tôi được đi học tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ rồi công tác tại trường và nghỉ hưu theo chế độ vào đầu năm 2005. Hiện tôi đang tham gia trong ban đại diện Ban liên lạc Hội CCB Trung đoàn 101 tại Hà Nội.

Cũng như bao CCB khác, lúc trẻ, khỏe thì cống hiến sức mình cho tổ quốc, khi xây dựng gia đình thì dành hết thời gian cho cuộc sống mưu sinh, chăm sóc cho tổ ấm của mình, đến khi nghỉ hưu thì lại bắt đầu một cuộc sống hoài niệm, nhớ về đồng đội đã cùng mình tham gia huấn luyện và chiến đấu… tôi không phải là ngoại lệ. Ông Nghiêm nói.  

 Thư cảm ơn của Cục Chính trị Bộ tư lệnh Hải Quân (ảnh trước) và Đơn đề nghị của ông Phạm Văn Nghiêm gửi Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn (ảnh sau).

Chính vì thế, ngay sau khi nghỉ hưu, ông Nghiêm bắt đầu hành trình đi tìm lại ký ức về những chiến công của dũng sĩ Trần Minh Nghĩa – Người đồng hương, đồng đội cùng tham gia chiến đấu trong trận đánh trên đồi Phú Ân.

Trần Minh Nghĩa sinh năm 1948 tại Gia Viễn, Ninh Bình, nhập ngũ tháng 5/1966. Ngày 12/10/1967, Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, thuộc Trung đoàn 101, Sư đoàn 325C, được lệnh tấn công vào cao điểm 57 (đồi Phú Ân, An Cát Khê, huyện Gio Linh, Quảng Trị) nhằm tập kích tiêu diệt một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ. Trần Minh Nghĩa là chiến sĩ của Đại đội 11 tham gia trận đánh. Từ khi nhập ngũ, đây là trận đánh đầu tiên của anh và cũng là trận đầu tiên của Trung đoàn 101. Ngày 6/6/1969, Trần Minh Nghĩa hy sinh trên chiến trường phía Nam. Thời ấy, do có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, Trần Minh Nghĩa được bầu là Chiến sĩ thi đua Mặt trận B5, Mặt trận B3. Với 21 tuổi đời, 3 năm 1 tháng tuổi quân, đồng chí Trần Minh Nghĩa đã được thăng quân hàm đại úy và giữ chức tiểu đoàn phó.

Ông Nghiêm nói: những thông tin trên tôi có được là nhờ vào báo Quân đội nhân dân (QĐND), báo Nhân dân và Đài phát thanh liên tục đưa tin về Trần Minh Nghĩa vào đầu năm 1968 (đúng vào thời kỳ tôi đang nằm điều dưỡng). Lần theo ký ức đó, tôi đã nhiều lần tìm tới Tòa soạn Báo QĐND để hỏi về những số báo năm 1968 ấy. Sau những ngày tháng cất công tìm kiếm, tôi thu thập được 13 bài báo về tấm gương anh dũng chiến đấu của đồng chí Trần Minh Nghĩa.  

Để minh chứng cho điều vừa nói, ông Nghiêm đưa cho tôi những tập báo mà ông đã sưu tầm nói về dũng sĩ Trần Minh Nghĩa.

Nhân đây tôi cũng xin trích đăng một số bài báo nói về Trần Minh Nghĩa để bạn đọc hiểu hơn về người dũng sĩ này.

Trong bài Bình luận: “Sức mạnh chiến thắng của Trần Minh Nghĩa” Báo QĐND ra ngày thứ năm 25-1-1968 có đoạn viết: “Sự tích lừng danh của dũng sĩ Trần Minh Nghĩa trên đồi Phú Ân đã thành niềm tự hào của tất cả chúng ta: Một chiến sĩ cách mạng Việt-nam, tuổi đời non trẻ, tuổi quân còn ít, vóc người nhỏ bé, xung trận lần đầu đã nêu cao sĩ khí áp đảo quân thù, dũng mãnh xung phong như gió lốc, xuyên thủng đội hình địch, quật ngã hàng chục tên lính thủy đánh bộ Mỹ to xác, trang bị đủ thứ vũ khí hiện đại…”. Hay như trong bài Bình luận: “Trần Minh Nghĩa và tác phong chiến đấu của chiến sĩ bộ binh ta” đăng trên Báo QĐND số ra ngày 1-2-1968 có đoạn viết: “Hành động chiến đấu của Trần Minh Nghĩa trong trận Phù-ân là tiêu biểu cho ý chí thừa thắng xông lên và tác phong chiến đấu dũng cảm, mưu trí của người chiến sĩ bộ binh…”.   

Nói tới đây, ông Nghiêm nghẹn ngào tâm sự: “Liệt sĩ Trần Minh Nghĩa là tấm gương anh hùng trong thời chiến cũng bị lãng quên sau 40 năm, 7 đồng đội hy sinh, mất xác ở đồi Phú Ân cũng chẳng ai còn nhớ. Tôi chỉ muốn làm một điều gì đó để nhớ và tri ân những người đồng đội của mình”.

Nhấp thêm ngụm trà nóng mới pha, ông Nghiêm kể tiếp: thật không uổng phí chút nào, những bài báo tôi sưu tầm được đã góp phần nhỏ vào quá trình hoàn thiện hồ sơ để đơn vị trình nên Nhà nước xét truy tặng Anh hùng LLVT cho liệt sĩ Trần Minh Nghĩa. Kết quả, ngày 23/02/2010 Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số: 212/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát, Đô đốc Giáp Văn Cương và liệt sĩ Trần Minh Nghĩa.

Để minh chứng cho lời kể trên, ông Nghiêm đưa cho tôi xem Thư cảm ơn ký ngày 7/5/2010 của Chuẩn Đô đốc Phạm Ngọc Chấn, Chủ nhiệm Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân gửi đích danh cho ông. Trong Thư cảm ơn này có đoạn viết: “…Để có được kết quả trên, là sự cố gắng nỗ lực của Quân chủng Hải quân và các ban, ngành có liên quan; trong đó, có phần đóng góp quan trọng trong cung cấp cơ sở, tài liệu cho việc hoàn thiện hồ sơ của các cựu chiến binh thuộc Ban liên lạc Trung đoàn 101, Trung đoàn 96 Liên khu V, đặc biệt là các cá nhân: Đồng chí Phạm Văn Nghiêm cựu chiến binh e101, Thiếu tướng Võ Quang Hồ, nguyên Cục trưởng Cục tác chiến và ông Tạ Phương Linh cựu chiến binh e96 L.khu V.”.

Ước nguyện thứ nhất đã hoàn thành, ông Nghiêm lại tiếp tục hành trình bước vào công việc thực hiện ước nguyện thứ 2: đó là xây dựng “Bia tưởng niệm” những đồng đội hy sinh không tìm thấy hài cốt.

Ngày 24/9/2010, ông Phạm Văn Nghiêm làm đơn đề nghị kính gửi: Ông Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn. Trong đơn đề nghị này, ông Nghiêm viết: “Thưa Quý Ông đã 4 lần tôi vào thăm lại nơi đồng đội tôi yên nghỉ tại đồi Phú Ân, lòng tôi day dứt mãi, cũng cùng một sự hy sinh vì Tổ Quốc, cũng một kiếp người, cũng không tìm thấy thân xác mà mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc thì bia nọ, tượng đài kia còn đồng đội tôi thì chẳng có một tấm bia chung để đánh dấu chỗ nằm xuống. Tôi muốn làm một tấm bia ghi tên những đồng đội tôi đặt nơi họ đã nằm xuống để lữ khách qua đường thắp cho họ nén hương, để Linh hồn họ đỡ bơ vơ hưu quạnh/ Nội dung bia (có mẫu kèm theo)/ Địa điểm: Tại đồi Phú Ân, xã Hải Thái (Họ nhất trí ủng hộ việc làm tình nghĩa này và sẵn sàng cấp đất)./ Thời gian xây dựng: Tốt nhất là trong tháng 10 năm nay (12/10/1967) là ngày diễn ra trận đánh và năm nay kỷ niệm thành lập đơn vị.”.

Để có thông tin viết lá đơn đề nghị trên, tháng 5/2007, ông Nghiêm bắt đầu những chuyến đi về Quảng Trị với mục đích tìm về chiến trường xưa. Ông thăm Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 và dò hỏi về khu An Cát Khê cùng đồi Phú Ân, tuy nhiên lần đầu không thu thập được thông tin gì.

Tháng 9/2007, ông Nghiêm tiếp tục quay lại Quảng Trị một lần nữa. Lần này, ngồi trong chiếc xe chạy ngược lên Nghĩa trang Trường Sơn, ông bất chợt nhìn thấy tấm biển “Cầu Phú Ân” bên vệ đường. Người đầu tiên ông Nghiêm gặp khi dừng chân ở cầu Phú Ân là ông Phan Văn Oanh (56 tuổi). Chính ông Oanh là người dẫn ông Nghiêm tìm lại vị trí những hầm công sự của cứ điểm đồi Phú Ân. Tìm lại được chiến trường năm xưa, ông bồi hồi lặng người, những hình ảnh về những trận đánh ác liệt cứ hiện rõ mồn một trong đầu ông.

Cuối tháng 6/2011, ông Nghiêm một mình thức trắng đêm tự tay thiết kế khu Bia tưởng niệm các đồng đội hy sinh tại trận đánh đồi Phú Ân. Ông lấy ý tưởng từ cổng Bộ Tư lệnh Lữ đoàn 101 Hải quân đánh bộ Việt Nam (tiền thân là Trung đoàn 101) tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dòng chữ “Bia tưởng niệm” nằm giữa nền cờ đỏ, bên cạnh ngôi sao vàng, kế bên là lưỡi lê cùng nòng súng AK cách điệu. Trong khu Bia tưởng niệm, ở giữa là bài vị ghi công các anh hùng liệt sỹ, bên trái là đôi dòng về trận đánh Phú Ân, bên phải là danh sách 7 liệt sỹ của Đại đội 11 hy sinh trong trận chiến trên đồi Phú Ân năm ấy.

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo và nhân dân xã Hải Thái và lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị, Công trình “nhà bia tưởng niệm” ghi danh các AHLS và truyền thống đơn vị tại đồi Phú Ân xã Hải Thái, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã được khánh thành đúng vào ngày kỷ niệm 65 năm ngày TBLS (27/7/1947-27/7/2012).

Biên bản Bàn giao (ảnh trước) và Giấy xác nhận (ảnh sau).

Đúng vào ngày khánh thành công trình, ông Phạm Văn Nghiêm, đại diện CCB Trung đoàn 101, Sư đoàn 325C (nay là Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101, Quân chủng Hải quân) đã cùng Chủ tịch xã Hải Thái Hoàng Đoán ký biên bản bàn giao “nhà bia tưởng niệm”. Cũng trong ngày này (27/7/2012), TM. UBND xã Hải Thái, Chủ tịch Hoàng Đoán đã ký giấy xác nhận. Trong giấy xác nhận này có đoạn ghi: “Được sự cho phép của UBND huyện Gio Linh-tỉnh Quảng Trị, UBND xã Hải Thái cùng ông Phạm Văn Nghiêm xây dựng.

Công trình khởi công xây dựng ngày: 01/07/2011

Khánh thành ngày                              : 27/07/2012

Xã Hải Thái là xã không có nghĩa trang liệt sĩ, công trình nhà bia tưởng niệm được xây dựng đảm bảo tính bền vững và tính thẩm mỹ phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương. Công trình đã bàn giao cho UBND xã Hải Thái quản lý”. Thế là ước nguyện thứ hai của tôi đã hoàn thành – ông Nghiêm nói.

   Kể từ đó, hàng năm, ông Nghiên đều vào Quảng Trị, tìm đến Nhà bia tưởng niệm, thắp hương, thủ thỉ cùng đồng đội những câu chuyện xưa cũ. Và ông không quên mang theo những phong lương khô (thực phẩm chính của bộ đội những ngày kháng chiến), vào để mời những người đã sát cánh cùng ông trong 2 năm chiến đấu ở Quảng Trị.

Ông Nghiêm trao danh sách hơn 300 liệt sĩ Ninh Bình chưa tìm được hài cốt cho ông Bí thư Đảng ủy xã Hải Thái.

Nhưng như thấy vẫn chưa đủ để trả nợ những người đã ngã xuống, nên từ đầu năm 2015, ông Nghiêm đã nhiều lần về Ninh Bình, làm việc với từng xã của huyện Gia Viễn để thống kê danh sách liệt sỹ hy sinh ở tỉnh Quảng Trị chưa tìm thấy hài cốt. Danh sách này hiện tại đã có hơn 300 cái tên.

Và tại Nhà bia tưởng niệm, ông đã trao danh sách những chiến sĩ ấy cho Bí thư xã Hải Thái (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) với một mong muốn có thể tìm được hài cốt những người đồng đội, đồng hương của mình hoặc chí ít ông có thể đặt danh sách những cái tên ấy vào nhà bia tưởng niệm, để những người đã hy sinh có chốn đi về.

Ông Nghiêm tâm sự: “nhà bia tưởng niệm thì nhỏ (nằm trên diện tích chỉ vỏn vẹn có 36m2), trong khi đó đồng đội của tôi - Những người đã yên giấc ngàn thu trong lòng đất mẹ thì lại đông, nên tôi lại có ước nguyện được nâng cấp nhà bia tưởng niệm thành nhà đồng đội.  

Thế là, từ giữa năm 2016, ông Nghiêm lại tiếp tục lên đường về Quảng Trị, để cùng lãnh đạo UBND xã Hải Thái hoàn tất thủ tục nâng cấp nhà bia tưởng niệm tại đồi Phú Ân. Cụ thể, ngày 15/9/2016, TM. UBND xã Hải Thái, Phó Chủ tịch Võ Viết Chung đã ký văn bản số 09/CV-UBND “V/v maamg cấp nhà bia tưởng niệm tại đồi Phú Ân” gửi Cục Chính trị và Bộ Tư lệnh Hải quân. Văn bản số 09 có đoạn viết: “Có được Công văn nhất trí, ủng hộ, động viên của Cục Chính trị Quân chủng Hải quân, Đảng ủy, UBND xã Hải Thái một lần nữa cùng chung tay góp sức với CCB Lữ đoàn 101 quê hương Ninh Bình xây dựng mở rộng nhà bia tưởng niệm để ghi danh các liệt sĩ hy sinh tại Quảng Trị, thể hiện đạo lý đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tri ân liệt sĩ. Công trình cần được sự chung tay góp công của cả cộng động, doanh nghiệp./ Mọi sự đóng góp xin liên hệ ông Phạm Văn Nghiêm-Số điện thoại 0974.640.893; ông Võ Viết Chung-Phó Chủ tịch UBND xã Hải Thái-số điện thoại 0989.695.045; số tài khoản UBND xã Hải Thái 3905201003573 ngân hàng Agribank chi nhánh Gio Linh-tỉnh Quảng Trị.”.

Đến ngày 22/9/2016, đại diện cho CCB Lữ đoàn 101, ông Phạm Văn Nghiêm cùng với đại diện UBND xã Linh Hải, xã Hải Thái và Nông trường Cồn Tiên (Công ty TNHH MTV CS Quảng Trị) ký biên bản “V/v thống nhất nâng cấp mở rộng bia tưởng niệm tại Đồi Phú Ân”. Theo đó, nhà bia tưởng niệm tại đồi Phú Ân được mở rộng trên diện tích xây dựng 150m2 (Mặt tiền 15m, chiều sâu 10m).

Và đúng vào ngày kỷ niệm 27/7/2017, nhà bia tưởng niệm đã hoàn thành việc nâng cấp. Thế là từ đây, nhà bia tưởng niệm đã trở thành nhà đồng đội, để chúng tôi, những người may mắn được trở về sau chiến tranh có điều kiện được gặp gỡ và tưởng nhớ những người đồng đội của mình đã nằm lại nơi đây. Ở đấy những câu chuyện đã cũ, xảy ra cách đây gần ½ thế kỷ sẽ được chúng tôi kể lại, thì thầm với vong linh đồng đội để họ biết rằng, họ không bị lãng quên” - Ông Nghiêm nói./.

Một số hình ảnh tại Lễ Dâng hương đón nhận danh sách 440 liệt sĩ về nhà đồng đội tại Đồi Phú Ân:

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho giáo viên khuyết tật ở Bắc Kạn

Sáng 15/4, tại Trường TH&THCS Dương Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã diễn ra Lễ trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho cô giáo Đàm Thị Thanh Tâm- tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên trong giảng dạy và giáo dục.
2024-04-16 09:42:30

VPBank Can Tho Music Night Run 2024 - Cơ hội quảng bá du lịch Cần Thơ

Chính thức khai mạc vào tối 13.4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 thực sự là ngày hội thể thao và âm nhạc, điểm hẹn để 5300 runner gắn kết, lan tỏa lối sống phóng khoáng, tích cực.
2024-04-15 10:29:32

42% cựu chiến binh xã Quảng Hưng là giàu và khá

Sáng 15/4, Hội Cựu chiến binh xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 - 2024.
2024-04-15 10:25:00

Nghi lễ rước đuốc trong Lễ hội Phủ Dầy năm 2024

Tối ngày 13/4 tức ngày 5/3 ÂL, tại Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy (thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) đã diễn ra Lễ rước đuốc đăng long – một trong những nghi lễ quan trọng nằm trong chuỗi chương trình Lễ hội Phủ Dầy năm 2024. Phủ Chính được trang hoàng lộng lẫy đèn hoa và có rất đông người dân, du khách thập phương về lễ Mẫu đều tham dự nghi lễ rước đuốc truyền thống này.
2024-04-14 21:22:43

Tưởng niệm 1981 năm ngày Giỗ Hai Bà Trưng

Ngày 14/4 (tức ngày mùng 6 tháng 3 năm Giáp Thìn), Huyện ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam huyện Phúc Thọ tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 1981 năm Ngày Giỗ Hai Bà Trưng.
2024-04-14 16:54:54

Hội thi thể thao “Khỏe trí lực sáng tương lai”: Sân chơi bổ ích của người khiếm thị

Hội thi “Khỏe trí lực sáng tương lai” lần thứ II, góp phần khẳng định tinh thần vượt khó, ý chí chiến thắng và khát vọng hòa nhập cộng đồng của người khiếm thị vừa được tổ chức tại Hà Nội.
2024-04-14 14:10:00
Đang tải...