Trồng rau sạch không cần đất
Rau thủy canh của gia đình bà Nguyễn Thị Huệ. Ảnh: Thạch Thảo.
Cách đây 2 năm, bà Nguyễn Thị Huệ đại diện cho nông dân Đà Lạt tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau sạch theo phương pháp thủy canh, tức trồng rau không cần đất. Có kinh nghiệm hàng chục năm làm nông nhưng khi tiếp cận với công nghệ trồng rau hoàn toàn xa lạ này, bà Huệ không khỏi lo lắng, sợ thất bại.
Trồng 1.000 m2 rau hết hơn 1 tỷ đồng
Bà Huệ cho biết, khi quyết định làm rau sạch không cần trồng trên đất, bà rất lo lắng. Thứ nhất, chi phí đầu tư mô hình tương đối tốn kém trong khi bà không có nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, mối lo lớn nhất với bà Huệ là thị trường tiêu thụ.
"Liệu mình có cạnh tranh được với các loại rau sản xuất theo phương pháp truyền thống không là câu hỏi được tôi đặt ra vào thời điểm đó", bà kể. Tuy vậy, bà vẫn quyết định làm vì nghĩ rằng "nếu cứ sợ thất bại, không bắt tay làm thì chẳng bao giờ hy vọng thành công".
Năm 2013, bà Huệ đổ hơn 1 tỷ đồng trồng 1.000 m2 rau thủy canh trong nhà kính. Thời điểm này, chính bà cũng không thể ngờ rằng chi phí đầu tư cho sản xuất theo phương pháp mới lại cao như vậy. 90% nguyên vật liệu phải nhập từ nước ngoài. Bà tâm sự: “Khi nhà kính sắp làm xong, tôi thấy sợ vì giá thành đầu tư quá cao trong khi chưa biết sản phẩm làm ra thế nào, có tiêu thụ được hay không”.
Nhà kính để trồng rau theo phương pháp thủy canh được bà Nguyễn Thị Huệ làm đạt tiêu chuẩn của Israel. Toàn bộ bằng khung sắt, đảm bảo chiều cao, độ thông thoáng. Hệ thống phun sương làm mát sẽ tự động hoạt động nếu nhiệt độ vượt quá mức cho phép.
Các thanh giá thể dài bằng nhựa bên trong được thiết kế đặc biệt để rễ rau có thể bám vào hút chất dinh dưỡng. Giá thể được đặt trên giàn khung sắt có chiều cao khoảng 1 m. Hệ thống dẫn nước và hút nước phục vụ nuôi cây được lắp vào hai đầu thanh giá thể, chảy 24/24 giờ trong ngày nhờ các máy bơm, hút được đặt dưới lòng đất.
Để đảm bảo quy trình sản xuất sạch 100%, rau không bị mầm bệnh tấn công, không dùng thuốc hóa học, bà Huệ tráng xi măng toàn bộ mặt đất. Phân, chất dinh dưỡng để nuôi cây sẽ được trộn vào nước theo tỷ lệ nhất định. Hạt rau ươm tại vườn đạt 5 lá mầm thì được đặt vào các giá thể.
Bà Nguyễn Thị Huệ trong trại rau sạch không cần trồng dưới đất ở Đà Lạt. Ảnh: Thạch Thảo.
Tuy nhiên, vì không có kinh nghiệm, người phụ nữ trồng rau này gặp thất bại ngay từ lứa đầu tiên. Số tiền thiệt hại lên đến trên dưới 100 triệu đồng do rau phát triển không đều, khó xuất bán. Rút kinh nghiệm, bà Huệ điều chỉnh lại kỹ thuật chăm sóc, lại được sự hướng dẫn của những người bạn ở nước ngoài, từ lứa rau thứ hai bà đã thành công.
Loại rau được trồng theo phương pháp thủy canh chủ yếu là xà lách với hơn 20 giống và màu sắc khác nhau. So với các loại bình thường, rau thủy canh nhìn tươi ngon, lá xanh mơn mởn và các cây đều tăm tắp. Do được cách ly mầm bệnh đến mức tối đa, nhà vườn không sử dụng thuốc hóa học trong quá trình trồng nên sản phẩm làm ra an toàn cho người sử dụng.
Nguồn tiêu thụ rau sạch của gia đình bà Huệ là các siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn trên cả nước. “Chính tôi cũng không ngờ sản phẩm lại được người tiêu dùng đón nhận nhanh đến vậy. Khi tôi gửi hàng mẫu cùng giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đi giới thiệu, chỉ vài ngày sau là nhận được phản hồi. Phần lớn khách hàng đều đánh giá cao chất lượng rau và đặt hàng”, bà hào hứng nói.
Lãi 5 tỷ đồng mỗi hécta
Nhìn thấy tương lai xán lạn từ loại rau không cần trồng trên đất, chủ vườn gom toàn bộ số tiền tích cóp được tiếp tục mở rộng diện tích. Đến nay, tổng diện tích trồng rau thủy canh đã nâng lên 2 ha.
Mặc dù kinh phí đầu tư để phát triển rau thủy canh rất tốn kém nhưng sau khi đã trang bị đầy đủ thiết bị thì các nhân tố như nhân công, nước tưới, phân bón, chi phí khác lại được tiết kiệm tương đối nhiều. Với mô hình này, thời gian thu hồi vốn cũng nhanh bởi sản phẩm làm ra có lượng tiêu thụ ổn định.
Đóng gói rau thủy canh xuất đi tiêu thụ. Ảnh: Thạch Thảo.
Thị trường tiêu thụ của loại rau sạch này, theo chủ trang trại, khá ổn định. Giá bán sản phẩm khá cao, dao động 35.000-50.000 đồng/kg. Với 1 ha đất sản xuất, mỗi năm, gia đình bà Huệ làm được 3 vụ rau. Trừ chi phí đầu tư, tiền lãi thu về khoảng 5 tỷ đồng.
Người phụ nữ trồng rau không cần đất ở Đà Lạt cũng hào hứng chia sẻ, thị trường bà đang muốn đặt chân đến là Singapore, Đài Loan, Dubai... Hiện tại, rau sạch từ trang trại cũng đã được xuất sang một số nước nhưng chưa đủ sản lượng để có thể cung ứng đều đặn, thường xuyên. Hiện nay, gia đình bà vẫn tiếp tục mở rộng diện tích để cung cấp đến nhiều khách hàng hơn.
Nhận xét về mô hình trồng rau không cần đến đất, ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Nông dân phường 7, TP Đà Lạt cho biết, đây là mô hình hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, tiêu biểu bậc nhất địa phương. “Bà Huệ đã có một bước đi táo bạo, tiên phong trong việc sản xuất rau thủy canh, mở ra một phương thức nông nghiệp mới cho nông dân”, ông Quang nói.
Còn theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, sản phẩm từ trang trại bà Huệ có chất lượng rất cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.