Trường THPT Quang Trung (Nam Định): Hiệu quả mô hình giáo dục truyền thống lịch sử bằng hiện vật
Cổng ra vào Trường THPT Quang Trung tại xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. |
Từ đó đến nay nhà trường liên tục phát triển về số lượng học sinh, đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục, tạo nên uy tín và thương hiệu vững chắc. Nhà trường đã được tôn vinh là điển hình tiên tiến ngành GD&ĐT giai đoạn 2010 - 2015, năm học 2015 - 2016 được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT, năm học 2016 - 2017 là “Tập thể lao động xuất sắc”, được UBND tỉnh Nam Định tặng Bằng khen. Hàng năm nhà trường tổ chức thi tuyển vào lớp 10 như các trường công lập khác, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt từ 99% - 100%, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng trên 86%. Đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường 8 năm liền đạt giải cấp tỉnh, được nhận cờ thưởng của Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định. Năm học 2017 - 2018, nhà trường đang có 620 học sinh ở 13 lớp học, tiếp tục nỗ lực phấn đấu để giữ vững danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” và được nhận cờ thưởng thi đua của UBND tỉnh Nam Định.
“Nhà Giáo dục truyền thống - Uống nước nhớ nguồn” của Trường THPT Quang Trung. |
Về thăm trường, chúng tôi nhận thấy ngoài bề dày thành tích dạy và học, Trường THPT Quang Trung vừa đầu tư xây dựng mô hình “Nhà Giáo dục truyền thống - Uống nước nhớ nguồn” và phòng “Văn - Sử - Địa” ngay trong khuôn viên nhà trường để phục vụ công tác giáo dục truyền thống lịch sử bằng hiện vật.
Thầy giáo Đoàn Văn Thoại, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là công trình tâm huyết của nhà trường, thiết thực chào mừng kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2017). Ý tưởng về đổi mới phương pháp giáo dục lịch sử truyền thống văn hóa qua các hoạt động ngoại khóa của nhà trường đã được hình thành, tổ chức thực hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, bản thân hiệu trưởng cùng các cán bộ, giáo viên phải dành nhiều thời gian, công phu sưu tầm, tìm hiểu, lựa chọn hình thức trưng bày trước khi đầu tư xây dựng hoàn thiện. Mô hình “Nhà Giáo dục truyền thống - Uống nước nhớ nguồn” của nhà trường được xây dựng đơn giản, thoáng mát, tại khu vực khá yên tĩnh. Phía trước ngôi nhà được bảo vệ bằng lưới thép, học sinh đứng bên trong hoặc bên ngoài đều có thể trông thấy rõ hiện vật. Những vật nặng như cối đá, trục lăn được xếp gọn gàng bên ngoài, ngay cạnh lối đi. Bên trong trưng bầy từng gian theo chủ đề, có lời thuyết minh và chú thích rõ ràng. Nổi bật nhất là các vật dụng: Cối xay thóc, cối giã gạo, cối xay bột, đòn xóc, đòn gánh, xẻng, cuốc, cày, bừa, gầu giai, gầu sòng, néo đập lúa, thúng mủng, dần, sàng, nong, nia, quang gánh, xe thồ cổ… Trên tường được treo những bức ảnh lớn về nạn đói năm 1945, kéo cày thay trâu, lán học thời chống Mỹ…
Một số hình ảnh trưng bày tại “Nhà Giáo dục truyền thống - Uống nước nhớ nguồn” và Phòng “Văn - Sử - Địa”. |
Tại phòng “Văn - Sử - Địa” được trưng bày nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng, hình ảnh về các cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc, sản phẩm bằng đất nung cổ đủ loại hình, kích cỡ. Đặc biệt, ở đây còn trưng bày nhiều hiện vật quý, có giá trị lịch sử như: Bình tông các loại, ăng gô, vỏ đạn, vật dụng cá nhân của các chiến sĩ thời chống Pháp và chống Mỹ.
Một số hình ảnh trưng bày tại “Nhà Giáo dục truyền thống - Uống nước nhớ nguồn” và Phòng “Văn - Sử - Địa”. |
Nhà trường tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu, nghe nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu lịch sử, trải nghiệm văn hóa làng quê nhằm gợi mở tính sáng tạo, khả năng cảm thụ và hiểu sâu sắc hơn về truyền thống lịch sử quê hương đất nước. Việc giáo dục truyền thống lịch sử bằng hiện vật ngay tại khuôn viên nhà trường đã phát huy hiệu quả tích cực trong bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, truyền thống quê hương của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, được các thầy cô, phụ huynh, học sinh đánh giá cao.
Phút thư giãn của thầy giáo Đoàn Văn Thoại, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung bên hòn non bộ nuôi cá vàng trong khuôn viên nhà trường |
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.