Vì sao một số giáo viên muốn “níu kéo” đòn roi, hình phạt?
Hình ảnh nam sinh lớp 9B, Trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) trở thành đề tài tranh luận trên mạng xã hội trong những ngày qua. Ảnh: TL |
Những tranh luận trái chiều
Những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao về hình ảnh nam sinh bị cô giáo bắt phạt quỳ ngay giữa giờ học. Theo đơn kiến nghị của phụ huynh đăng trên mạng xã hội, học sinh vi phạm quy định của lớp, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, Trường THCS Tô Hiệu (ở huyện Thường Tín, Hà Nội), yêu cầu hai em quỳ ngay trước bục giảng. Trong đó, một học sinh không chấp nhận quỳ nên bị cô đuổi ra khỏi lớp. Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín cũng đã tạm đình chỉ giáo viên trong thời gian xác minh, làm rõ.
Bức ảnh nam sinh quỳ gối trên lớp học, cùng với đó là đơn kiến nghị xử lý giáo viên trở thành một chủ đề tranh cãi không có hồi kết “giữa” phe ủng hộ và phản đối. Đáng chú ý, đã có nhiều chia sẻ và đồng cảm với áp lực của giáo viên, phản đối sự thiếu quan tâm của gia đình trong việc giáo dục con cái. Thậm chí, tại một số diễn đàn dành cho giáo viên, nhiều giáo viên công khai ủng hộ phạt quỳ học sinh, thậm chí đánh roi để rèn học sinh vì cho rằng học sinh thời nay được nuông chiều, không còn ngoan ngoãn như trước. Nhiều giáo viên coi đây là phương pháp hiệu quả mà chính bản thân giáo viên nhờ đó mà có ngày hôm nay…
Tuy nhiên, về phía phụ huynh cũng không nhiều người ủng hộ hành vi phạt đánh hay bắt quỳ của giáo viên, bởi hình thức này đã quá lạc hậu, thậm chí ở ngay nước ta cũng không có giáo viên nào xử phạt học sinh như thế. “Tôi rất cảm thông và chia sẻ với áp lực của giáo viên khi trong có học sinh chưa ngoan… Nhưng cũng không nên có hình thức xử phạt bắt quỳ, hay trước đó là một loạt vụ việc giáo viên tát, đánh tím chân tay, ép học sinh uống nước giẻ lau bảng… Những hình phạt này đã không còn phù hợp và không thể mang chuyện “ngày xưa” để áp dụng cho thời nay được”, phụ huynh Phạm Thị Hằng (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.
Là người công tác lâu năm trong ngành Giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Hà Nội cho rằng: “Đến bây giờ việc áp dụng “roi pháp”, phạt học sinh theo hướng hà khắc vốn dĩ lạc hậu mà vẫn cứ tồn tại. Có thể việc đánh roi, phạt hà khắc như thời xưa đã phát huy tác dụng, được phụ huynh đồng ý song không vì thế mà chấp nhận phương pháp giáo dục phản cảm này. Dạy học theo kiểu áp đặt sẽ không bao giờ có được kết quả tốt. Sự áp đặt dẫn đến các em chăm học hơn chỉ là những phản xạ có điều kiện. Nó không duy trì mang tính lâu dài, không khơi dậy được sự ham mê học tập của các em. Ở độ tuổi ấy, đánh, phạt vô tình tạo ra những thương tổn, ảnh hưởng đến tâm lý”.
Đừng mông muội hoá hình thức kỷ luật
Dành sự quan tâm đặc biệt tới giáo dục trong thời gian qua, Ths - luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu coi hành hạ, làm nhục để trẻ em hết hư thì cũng nên làm. Nhưng trong bối cảnh xã hội này, chuyện đó là không nên và không được. Những đứa trẻ biết vâng lời từ bạo lực chỉ là cái tốt giả tạo, ngoan ngoãn khi chưa có thời cơ để có hành động xấu. Qua nghiên cứu về tội phạm học cho thấy, cái ác bản năng trỗi dậy trong một con người bởi họ được chứng kiến bạo lực, là nạn nhân của bạo lực từ khi còn nhỏ.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, hành vi đối xử bạo lực, thiếu tôn trọng của người lớn đối với trẻ em sẽ tác động lớn tới việc phát triển và hình thành nhân cách, sẽ cho ra đời những đứa trẻ cục cằn, thô lỗ, thiếu lòng nhân ái, thiếu sự vị tha và sự tôn trọng người khác. Các hình thức kỷ luật (hợp pháp) là tất yếu, song kỷ luật học sinh ngoài hình thức pháp luật cho phép là tuỳ tiện, phản giáo dục, thậm chí là hành vi vi phạm pháp luật. Không thể biện minh hành vi ép học sinh quỳ trước lớp với văn hoá giao tiếp quỳ gối của người Nhật, người Hàn... bởi cùng một hành vi, cùng một phương thức nhưng mang tâm lý và hậu quả là trái ngược nhau.
Là một phụ huynh, một người hành nghề luật, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, rất phản đối bạo lực học đường, phản đối cách giáo dục thô bạo bằng kỷ luật lạc hậu. Để xã hội phát triển, văn minh đúng quy luật thì cần có phương pháp giáo dục văn minh, không được hành hạ, làm nhục học sinh bởi bất cứ nguyên nhân gì.
“Học sinh chỉ có thể bị xử phạt cho hành vi của mình bằng các hình thức kỷ luật hợp pháp khi chúng có hành vi vi phạm. Trong một xã hội văn minh thì thân cách tốt không thể ra tới từ bạo lực, phản giáo dục.... Trong giáo dục, áp dụng các hình thức kỷ luật đúng đắn, công bằng sẽ cho ra đời những công dân biết tôn trọng pháp luật, tôn trọng bản thân mình và tôn trọng người khác, là cách để giảm thiểu các tội phạm trong tương lai”, luật sư Cường chia sẻ thêm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.