Vốn ngân hàng tiếp sức doanh nghiệp tôm vượt khó
Tiếp sức cho doanh nghiệp tôm
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, tuy tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành tôm chỉ vào khoảng 5-7%/năm nhưng có sự phân hóa trong cộng đồng doanh nghiệp. Đó là, một số doanh nghiệp yếu sức phải rời bỏ cuộc chơi, số khỏe thì ngược lại, có tốc độ vươn lên gấp nhiều lần so với trung bình toàn ngành. Bước sang năm 2023, khi giá tôm bước vào giai đoạn giảm mạnh, doanh nghiệp nào cũng đẩy mạnh mua vô, trong khi các đơn hàng trong 6 tháng đầu năm chẳng những không được cải thiện mà còn sụt giảm rất mạnh. Do tiêu thụ chậm, doanh nghiệp tồn kho nhiều, vòng quay vốn bị chậm lại ngoài ý muốn, khó thanh toán nợ ngân hàng kịp thời. Trong khi đó, hạn mức tín dụng phần lớn đã được sử dụng hết khiến doanh nghiệp càng thêm bí bách trong việc xoay xở nguồn vốn, đặc biệt là khi vào giai đoạn cao điểm chế biến, xuất khẩu như hiện nay.
Chế biến tôm tại Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam
Trước khó khăn kéo dài, những doanh nghiệp gặp khó không có cách nào khác, buộc phải bán hàng với giá rẻ, thậm chí là rất rẻ, chấp nhận thua lỗ để có vốn xoay xở chờ cơ hội mới. Vì vậy, theo các doanh nghiệp, việc triển khai gói tín dụng 15.000 tỉ đồng với mức ưu đãi lãi suất thấp hơn 1-2% so với mức lãi suất cho vay cùng kỳ hạn trong giai đoạn này tuy không lớn và có phần hơi muộn nhưng hết sức cần thiết và quý giá. Nguyên nhân là do phần lớn doanh nghiệp đều đã sử dụng gần như hết hạn mức tín dụng, nếu không xoay xở được nguồn vốn, để lâu thêm nữa, ngân hàng chuyển qua gói nợ xấu thì doanh nghiệp càng khổ hơn. Do đó, tâm lý chung của doanh nghiệp đang gặp khó hiện nay là thêm vốn là thêm cơ hội. Bởi khi nguồn vốn này đến được kịp thời, một mặt sẽ giúp doanh nghiệp tháo gỡ được nút thắt né nợ xấu; mặt khác, có thêm nguồn vốn giúp hạn chế tình trạng bán tháo tôm giá rẻ, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp và cho cả ngành tôm.
Kỳ vọng thị trường cuối năm
Với sự tăng dần kim ngạch xuất khẩu từ tháng 4 đến nay, đặc biệt là trong tháng 6 cho thấy thị trường xuất khẩu thủy sản đang hồi phục dần và theo dự báo sẽ hồi phục vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Thực tế cũng đang ủng hộ cho dự báo này, khi kim ngạch xuất khẩu tôm tháng 7 của một số doanh nghiệp lớn tăng lên. Đơn cử như Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Sao Ta, doanh số xuất khẩu tháng 7 dù vẫn thấp so cùng kỳ nhưng đã tăng 18% so với tháng 6 và là tháng thứ 4 liên tiếp có doanh số tăng. Xuất khẩu tăng trở lại (dù chưa như kỳ vọng) cùng với nguồn tôm nguyên liệu không còn nhiều đã kéo giá tôm tăng liên tiếp trong những ngày gần đây.
Theo chia sẻ của ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam: “Chúng ta có cơ sở để lạc quan, nhưng chỉ nên lạc quan chút thôi, với hy vọng xuất khẩu tôm cả năm 2023 dù khó đạt như kỳ vọng nhưng cũng đạt ít nhất khoảng 3,5 - 4 tỷ USD cũng xem như đã thành công”.
Với mục tiêu giữ vững tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã tích cực thực hiện tốt các chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam trong công tác hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, góp phần hóa giải những khó khăn từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, mặt bằng lãi suất trên địa bàn tỉnh ổn định, với lãi suất huy động đồng Việt Nam không kỳ hạn và dưới 1 tháng phổ biến từ 0,1 - 0,5%/năm, tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,6 - 5,2%/năm, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5,5 - 8,2%/năm và từ 12 tháng trở lên là 6,1 - 9,0%/năm. Qua đó, đã huy động vốn cho nền kinh tế đạt 29.076 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cuối năm 2022. Đặc biệt, lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến từ 4,0 - 10%/năm đối với ngắn hạn và 7,0 - 12%/năm đối với trung dài hạn. Trong đó, đã có nhiều ngân hàng tiên phong và chủ động giảm lãi suất cho vay, với mục tiêu đồng hành và chia khó cùng doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh.
Với sự quyết liệt của các TCTD trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, tính đến cuối tháng 7/2023, tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn đạt 40.066 tỷ đồng, tăng hơn 3% so với đầu năm và tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các TCTD đã ưu tiên đầu tư vốn cho các lĩnh vực kinh tế thế mạnh của tỉnh như cho vay chương trình phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn dư nợ đạt 17.880 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu dư nợ đạt 3.720 tỷ đồng; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa dư nợ đạt 9.031 tỷ đồng…
Mới đây NHNN Việt Nam đã công bố chương trình hỗ trợ này, với tổng vốn khoảng 15.000 tỷ đồng và thời gian triển khai cho đến hết ngày 30/6/2024. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn.
Cùng với đó, các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình hỗ trợ này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng. Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và cho vay theo cơ chế thương mại thông thường. Đến nay, đã có 12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình như: BIDV, Vietcombank, Agribank, Sacombank…
Theo các doanh nghiệp và người nuôi tôm, đây thật sự là tin vui và rất kịp thời trong điều kiện sản xuất, kinh doanh hiện nay gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp và người nuôi tôm lo lắng nhất hiện nay chính là các quy định về thủ tục để tiếp cận được nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ này. Thiết nghĩ NHNN chi nhánh tỉnh Bạc Liêu cần tăng cường công tác chỉ đạo và giám sát việc thực hiện chương trình, đồng thời có ngay các giải pháp xử lý, tháo gỡ nếu phát sinh khó khăn gây “ách tắc” đồng vốn./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.