Vượt lên số phận
Trong câu chuyện, chúng tôi được biết con cháu đều muốn bà Loan nghỉ làm tăm nhưng bà bảo:“Các con, các cháu có niềm vui ở cơ quan, lớp học thì bà cũng phải có niềm vui trong lao động ở Hội Người mù chứ? Khi nào không còn sức khỏe, không làm được nữa thì bà mới nghỉ”.
Hội viên người mù Trần Thị Loan, 72 tuổi (ngồi bên trái) cần mẫn lao động tại cơ sở sản xuất tăm của Hội Người mù thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định cùng tác giả bài viết - Ảnh Văn Dũng
Bà Trần Thị Loan sinh ra, lớn lên ở một vùng quê đồng chiêm trũng huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Bà là con gái thứ ba trong một gia đình có 11 người con. Năm lên ba tuổi căn bệnh sởi quái ác đã cướp đi đôi mắt của bà. Khi đó việc chữa bệnh sởi còn nhiều khó khăn, gia đình cũng đã đưa bà đi chữa vài nơi nhưng không có kết quả. Và cuộc đời bà từ đó bị chìm trong bóng tối. Gia đình có nghề may đo quần áo nhưng do bị mù cả hai mắt nên bà chỉ có thể mò mẫm quyét dọn nhà cửa, nấu cơm, giặt giũ, làm thức ăn cho lợn…Sự lam lũ, vất vả từ nhỏ đã rèn luyện cho bà đức tính kiên trì, chịu thương, chịu khó, tạo nên nghị lực để vượt qua bao khó khăn, vất vả của cuộc đời.
Năm 1978 Hội Người mù thành phố Nam Định được thành lập, bà Loan là một trong những hội viên đầu tiên gia nhập Hội. Tại đây bà được học chữ nổi Braille, được học các nghề phù hợp với người mù thời bấy giờ như: Ren tarô êcu, làm cúc nhựa, lọ mực, quản bút, gọt via nhựa, làm que kem, tăm tre…Công việc nào bà cũng là người làm nhanh nhất, cả việc nặng nhọc bà cũng không thua kém gì thanh niên. Chồng bà Loan cũng là một hội viên người mù. Họ gặp nhau, tìm hiểu, đồng cảm và yêu nhau qua những buổi sinh hoạt Hội. Ông bà đã cùng nhau xây dựng một tổ ấm hạnh phúc trước sự chứng kiến, niềm vui của họ hàng hai bên, bạn bè và cán bộ, hội viên người mù. Nhưng tai họa lại ập đến khi chồng bà bị cơn bạo bệnh và ra đi mãi mãi, để lại cho bà nỗi đau quá lớn cùng hai đứa con còn nhỏ dại. Cuộc sống của gia đình bà chồng chất khó khăn nhưng bà luôn tự tin, nỗ lực làm việc để vượt qua. Khi cán bộ hội viên Hội Người mù thành phố Nam Định tới nhà thăm hỏi, động viên, bà Loan nói: “Ngày xưa còn chưa có Hội, bây giờ có Hội, có nghề rồi, tôi sẽ vượt qua hết mọi khó khăn, vất vả để nuôi dạy các con nên người”. Điều đó đã trở thành sự thật khi giờ đây hai người con của bà Loan đều đã trưởng thành, có việc làm ổn định và gia đình hạnh phúc. Hiện nay bà Loan đã có 5 đứa cháu nội, ngoại. Các cháu đều chăm ngoan, học giỏi và rất yêu thương, kính trọng bà.
Điều đáng được ghi nhận hơn cả là bà Trần Thị Loan đã được cán bộ, hội viên tín nhiệm bầu làm ủy viên Ban chấp hành Hội Người mù thành phố Nam Định trong suốt 23 năm. Ở vị trí này, bà luôn phát huy hết khả năng để hoàn thành nhiệm vụ. Ban ngày bà tham gia lao động sản xuất tại cơ sở Hội, buổi tối bà tìm đến nhà những người mù để tuyên truyền vận động, giúp cho họ hiểu và gia nhập tổ chức Hội. Người sáng mắt đi lại ban đêm để tuyên truyền vận động còn ngại, bà bị mù đôi mắt nhưng vẫn mò mẫm tìm đến từng nhà người mù để thuyết phục họ vào hội mà không hề quản ngại khó khăn. Chính vì vậy, nhiều người mù đã tin tưởng, tự nguyện tham gia tổ chức Hội. Có chữ, có nghề, được tự tay làm ra sản phẩm, tạo nên thu nhập để nuôi sống bản thân là niềm vui lớn nhất của bà Loan cũng như hội viên người mù. Nhờ có Hội Người mù ra đời, hoạt động hiệu quả đã trở thành điểm tựa giúp cho bà Loan cùng nhiều hội viên người mù thay đổi được cuộc sống. Chúng tôi được biết, những năm qua bà Trần Thị Loan đã được Trung ương Hội Người mù Việt Nam trao tặng Bằng khen, Hội Người mù tỉnh Nam Định và UBND thành phố Nam Định tặng giấy khen. Hội Người mù thành phố Nam Định luôn là mái ấm tình thương để họ có thể vươn lên, làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời. Bà Trần Thị Loan chính là một hình mẫu về đức tính nhẫn nại, không đầu hàng số phận, là tấm gương về ý chí và nghị lực vượt khó để hội viên Hội người mù chúng ta cùng học tập.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.