Xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho doanh nghiệp nông lâm thủy sản
Đây là phát biểu của ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Thứ trưởng Bộ Công thương tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 - Vietnam Export Promotion Forum 2024, với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”, được tổ chức sáng ngày 4/12 tại Hà Nội. Sự kiện do Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO), cùng các ban, ngành liên quan tổ chức, đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp và nông lâm thủy sản, cũng như doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Hoàng Giang)
Ông Tân nhấn mạnh, những chính sách quan trọng như Thỏa thuận xanh châu Âu, Cơ chế điều chỉnh biên giới cácbon, Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn, Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 đang có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới. Các chính sách này không chỉ tập trung vào mục tiêu giảm phát thải mà còn đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, đòi hỏi các nước xuất khẩu phải thay đổi cách thức sản xuất và cách tiếp cận để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao.
Tại Phiên hội thảo chuyên ngành, các chiến lược phát triển bền vững, thích ứng với các yêu cầu mới về bền vững từ các thị trường cao cấp đã được ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Phát triển Nông nghiệp bền vững của công ty Simexco Daklak - chia sẻ. Simexco Daklak là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, với sản phẩm chủ lực là cà phê đã được xuất khẩu đến 89 quốc gia trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu đạt 287,7 triệu USD. Hiện nay, 60% tổng sản lượng xuất khẩu của công ty đã đạt chứng nhận bền vững.
Trong khuôn khổ dự án hợp tác với Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH), Simexco Daklak đã triển khai đánh giá tác động phát thải trên 5.600 hộ nông dân. Kết quả cho thấy mức phát thải cácbon trên mỗi tấn cà phê đã giảm từ 3,2 tấn xuống còn 2,2 tấn. Simexco Daklak cũng chú trọng phát triển hệ thống các hợp tác xã bền vững, tiêu biểu như hợp tác xã Ea Na, Ea Tân, và Cư Suê. Công ty không chỉ tập trung vào nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn đầu tư mạnh vào đào tạo nông dân, hỗ trợ áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại và nâng cao nhận thức về phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Lam – Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Lâm Việt – một doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất - đã chia sẻ 3 giải pháp tiết kiệm nguồn điện, vốn chiếm 96% khí nhà kính bị nhà máy phát thải, bao gồm quản lý nội vi trong nhà máy; gắn hệ thống giám sát sử dụng năng lượng ở những thiết bị, máy móc tốn điện năng như máy nén khí, máy hút bụi; và sử dụng điện năng lượng mặt trời, giúp giảm 1000-1200 tấn CO2, tương đương 50% lượng phát thải của nhà máy.
Năm 2014, Công ty Cổ phần Lâm Việt sản xuất thớt từ gỗ thừa từ các sản phẩm nội thất. Đến năm 2024, khối lượng sản xuất của công ty tăng 200 lần, xuất khẩu sang 23 quốc gia trên thế giới, đóng góp đáng kể vào quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Phiên Hội thảo chuyên ngành nông lâm thủy sản (Ảnh: Trần Linh)
Ông Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - đã củng cố ý kiến thông qua bài phát biểu về khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Cụ thể, cả hệ số giảm phát thải trên tăng trưởng GDP và hệ số phát thải trên đơn vị năng lượng tiêu thụ của Việt Nam đang có xu hướng tăng so với các nước trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan…, có thể ảnh hưởng xấu đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Hùng đã đề xuất một số giải pháp như triển khai báo cáo xanh và nâng cao hoạt động kinh doanh bền vững; xanh hóa các nguồn tài chính thông qua thảo luận với ngân hàng về các khoản vay xanh; nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị hiện có hoặc tự tạo chuỗi mới; và triển khai chứng chỉ cácbon thông qua tính toán doanh thu và chi phí.
Ông Đinh Văn Hoàng – Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp và Chính sách - cho rằng các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, kết hợp các giải pháp giảm phát thải với những sáng kiến xanh. Đặc biệt, việc đạt được các chứng chỉ như Greenlabel hay LCA sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn các thị trường cao cấp như EU và Nhật Bản.
Việt Nam, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, đang đứng trước cơ hội lớn, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa xanh và bền vững; đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn, xanh hơn, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn vào việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu, thích ứng hiệu quả với tiêu chuẩn bền vững. Sự chuyển đổi này đòi hỏi chiến lược đồng bộ, từ định hướng của chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ, sự chủ động của doanh nghiệp trong đầu tư thực hiện các giải pháp chuyển đổi xanh, và tinh thần hợp tác của các bên liên quan.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.