Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam phát triển cả về số lượng, chất lượng
Giai cấp công nhân đã đồng hành với dân tộc, đứng lên giành tự do, độc lập trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sau đó tiếp tục tham gia các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống xâm lược, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong tiến trình lịch sử đó, giai cấp công nhân đã xây đắp nên những truyền thống quý báu về đoàn kết, đấu tranh; cần cù, sáng tạo trong lao động; tương thân, tương ái trong đời sống; hết lòng vì người lao động; tích cực tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước; kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Hiện nay, giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, là sản phẩm của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời kỳ đổi mới với các tiêu chí: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; công nghiệp hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế. Với những yêu cầu kinh tế - xã hội ấy, công nhân - sản phẩm xã hội của quá trình công nghiệp hóa nước ta hiện nay, thể hiện ra như một lực lượng lao động tiên tiến nhất và phát triển khá nhanh.
Công nhân Việt Nam đang làm chủ công nghệ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước.
Quan điểm của Đảng là: “Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Công nhân nước ta hiện nay đang lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những quan tâm về việc làm, thu nhập, mức sống thì giai cấp công nhân Việt Nam còn là giai cấp đi đầu trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là vinh dự và cũng là trọng trách của công nhân nước ta. Theo đó, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam cần phải chú ý về chính sách trên hai phương diện: lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, vị thế người lao động và vị thế người làm chủ đất nước...
Đa dạng về trình độ công nghệ, về thành phần kinh tế và lợi ích. Nếu như trước thời kỳ đổi mới, đa số công nhân lao động trong thành phần kinh tế nhà nước với hai loại hình là sở hữu toàn dân (các nhà máy nông trường quốc doanh) và sở hữu tập thể (các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp); thì hiện nay, họ có mặt trong mọi thành phần kinh tế. Công nhân cũng khác nhau về trình độ tiếp cận công nghệ, lợi ích hay phần được hưởng từ quá trình sản xuất kinh doanh và qua tái phân phối thành quả của đổi mới... Những sự khác biệt này khiến cho cơ cấu công nhân khá đa dạng và cần những chính sách ngày càng cụ thể, phù hợp hơn với từng đối tượng.
Với vai trò là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng tới kinh tế tri thức và gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, giai cấp công nhân nước ta phải phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng và nghị lực lớn, mới có thể thực hiện được sứ mệnh lịch sử trong thời kỳ mới, đóng góp xứng đáng vào thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
“Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển, làm chủ công nghệ hiện đại; phát triển một số sản phẩm chủ lực có thương hiệu mạnh, có uy tín trong khu vực và thế giới. Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, tạo cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số nền kinh tế quốc gia và phát triển kinh tế số.
Để phát huy vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương: Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh về mọi mặt, phát triển về số lượng, giác ngộ về giai cấp, nâng cao trình độ học vấn và tay nghề, có năng lực ứng dụng và sáng tạo công nghệ mới, có tác phong công nghiệp và ý thức tổ chức, kỷ luật, lao động đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, làm nòng cốt trong việc xây dựng khối liên minh công nhân, nông dân, trí thức và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Hiện đại hóa trước hết, hình thành nên bản sắc, bản lĩnh chính trị của người công nhân Việt Nam hiện đại; biết kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng, năng động, có ý thức tổ chức kỷ luật, làm việc, lao động đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động cao; nó tạo ra thói quen, phong cách làm việc linh hoạt, lấy hiệu quả làm thước đo, vì vậy sẽ đào thải một bộ phận công nhân lao động thấp về trình độ, năng lực, kém về ý thức tổ chức, chây lười lao động. Điều đó làm thay đổi một bộ phận đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, có trình độ văn hóa, có sức khỏe, có tác phong công nghiệp, có năng lực tiếp thu chuyển giao công nghệ cao áp dụng vào quá trình sản xuất làm tăng năng suất lao động, sản phẩm thặng dư nhiều hơn, thời gian lao động tất yếu giảm đi, thu nhập và đời sống của công nhân lao động tăng lên. Đó là tiền đề để giai cấp công nhân được hưởng các phúc lợi xã hội do mình tạo ra và có điều kiện phát triển về văn hóa, tinh thần. Đồng thời, rút ngắn khoảng cách về trình độ nhận thức giữa giai cấp công nhân và tầng lớp tri thức. Tạo ra sự thống nhất và bền vững trong mối quan hệ chiến lược giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của một giai cấp lãnh đạo xã hội vào điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay thì chiến lược xây dựng giai cấp công nhân phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng vừa tạo ra điều kiện phát triển mới, vừa tạo nhiều áp lực cạnh tranh và tác động trực tiếp đến việc làm và đời sống của công nhân. Theo đó, cần phải xử lý đúng đắn các mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; chăm lo xây dựng giai cấp công nhân; đảm bảo hài hòa các lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động, của doanh nghiệp và toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách của người lao động.
Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam phát triển cả về số lượng, chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, được trí tuệ hóa và thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế. Sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước có vai trò quyết định, công đoàn có vai trò quan trọng trực tiếp trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tăng cường khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức để làm hạt nhân cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc... chính là những biện pháp để tạo ra cơ sở chính trị - xã hội cho quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam. Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn liền với xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Giữ vững, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao tính chiến đấu của Đảng; không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, phẩm chất cộng sản... để Đảng Cộng sản đảm bảo quyền lãnh đạo và uy tín chính trị trong quá trình lãnh đạo thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Ngày nay, giai cấp công nhân Việt Nam, thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và cùng nhân loại đấu tranh cho mục tiêu “hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”, thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình trong phạm vi dân tộc, quốc gia và quốc tế trong điều kiện mà đời sống dân tộc và nhân loại đang có sự thay đổi nhanh chóng do sự tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và nhiều yếu tố khác nữa. Sự thay đổi nhanh chóng đó vừa tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc và lợi ích nhân loại, vừa đặt ra những yêu cầu mới cho việc nhận thức và giải quyết mối quan hệ này nhằm bảo đảm thực hiện từng bước sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam với hiệu quả ngày càng cao.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.