Xuất khẩu cầu thủ: Cách “đi tắt đón đầu” của các nền bóng đá nhỏ?
2016-02-11 18:52:17
0 Bình luận
Với các nền bóng đá nhỏ như Việt Nam, xuất khẩu cầu thủ dường như là lựa chọn nhanh nhất và đơn giản nhất để thu hẹp khoảng cách trình độ với các nền bóng đá lớn của châu lục.
Công Phượng (10) và Tuấn Anh là hai trong số những cái tên đầu tiên của Hoàng Anh Gia Lai xuất ngoại. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
1. Tháng 12/2015, Hoàng Anh Gia Lai ký liên tiếp ba bản hợp đồng cho mượn, đưa ba tài năng trẻ sáng giá nhất của lò JMG chuyển ra nước ngoài thi đấu. Nguyễn Công Phượng gia nhập Mito Hollyhock (Nhật Bản), Nguyễn Tuấn Anh về Yokohama FC (Nhật Bản) còn Lương Xuân Trường tới Incheon United (Hàn Quốc).
Cả ba đều là hợp đồng cho mượn có thời hạn một tới hai năm, với phí chuyển nhượng từ khoảng 100.000 tới 300.000 USD. Sau bộ ba này, Hoàng Anh Gia Lai cũng dự định đưa thêm những cầu thủ trẻ khác ra nước ngoài. Điểm đến vẫn là Nhật Bản, Hàn Quốc và MLS (giải vô địch quốc gia Mỹ).
Đây là đợt xuất khẩu cầu thủ rầm rộ nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, cũng là lần đầu tiên cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu ở độ tuổi còn rất trẻ.
2. Những chuyến xuất ngoại của các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai là bước phát triển kế tiếp và nâng cao so với các đàn anh trong quá khứ. Trước đó, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Việt Thắng và Nguyễn Hữu Thắng đã lần lượt tới Lifan Trùng Khánh, Porto B và Los Angeles Galaxy.
Lê Công Vinh khoác áo số 19 tại Consadole Sapporo. Anh là cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu chuyên nghiệp tại J-League 2. (Ảnh: Getty)
Sau họ, Lê Công Vinh là cầu thủ xuất ngoại nổi tiếng và thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Anh cũng là cầu thủ Việt Nam đầu tiên thực sự được thi đấu, được cạnh tranh trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp ở Nhật Bản (Consadole Sapporo) và Bồ Đào Nha (Leixoes). Sự có mặt của Công Vinh ở J-League 2 và giải vô địch quốc gia Bồ Đào Nha là bằng chứng khẳng định năng lực cầu thủ Việt đủ sức ra nước ngoài thi đấu.
Ngoài những vụ chuyển nhượng trên, Hoàng Anh Gia Lai và Hà Nội T&T cũng đã đưa rất nhiều cầu thủ sang thi đấu tại Lao League. Tiền đạo Nguyễn Xuân Nam của Hà Nội T&T thậm chí từng cạnh tranh vị trí Vua phá lưới giải Lào ở mùa bóng trước. Bộ đôi Duy Mạnh, Đức Huy của Hà Nội T&T từng được mời sang Nhật Bản thử việc trong khi Tuấn Anh (Hoàng Anh Gia Lai) đã ký hợp đồng sơ bộ với Olympiakos nhưng phải hủy vì chấn thương.
Ngoài Công Vinh phần nào chứng tỏ được năng lực, chưa cầu thủ nào trong danh sách trên thực sự thể hiện được bản thân dù họ hầu hết là những ngôi sao hàng đầu của Việt Nam ở thời đại của mình.
3. Dù vậy, những chuyến đi đơn lẻ đầu tiên của các cầu thủ trên là bàn đạp cho chuyến xuất ngoại lần này của Hoàng Anh Gia Lai. Với các nền bóng đá nhỏ như Việt Nam, xuất khẩu cầu thủ là một cứu cánh, là cơ hội để chúng ta rút ngắn khoảng cách với bóng đá châu lục và thế giới trong thời gian nhanh nhất.
Bóng đá Nhật Bản là ví dụ tiêu biểu cho việc xuất khẩu cầu thủ để tăng cường thực lực và thu ngắn khoảng cách với thế giới. Năm 2001 và 2002, tuyển Nhật Bản “xuất khẩu” hai cầu thủ chủ lực là Shunsuke Nakamura và Shinji Ono tới Reggina (Italy) và Feyenoord Rotterdam (Hà Lan). World Cup 2002, họ lập tức vào tới tứ kết. Tháng 5/2012, Shinji Kagawa gia nhập Manchester United. Tháng 12/2012, anh kiến tạo bàn thắng duy nhất giúp tuyển Nhật thắng Pháp 1-0 ngay tại Stade de France.
Tuyển Nhật Bản với nòng cốt là những cầu thủ thi đấu ở châu Âu lọt vào tới vòng 1/8 World Cup 2002 tổ chức chính tại quê nhà. (Ảnh: Getty)
Những chiến thắng ấy không phải là kết quả tình cờ. Nó là sự phát triển nấc thang sau một quá trình dài chuẩn bị với rất nhiều cầu thủ Nhật Bản thi đấu ở châu Âu. Đội hình tuyển Nhật Bản tại vòng loại World Cup hồi tháng 11 năm ngoái có 12/23 vị trí thi đấu ở châu Âu. Tuyển Nhật bây giờ là một đội bóng “quốc tế”, là tập hợp của các cầu thủ từ những giải vô địch hàng đầu, biết thích nghi với mọi chiến thuật khác nhau, với các đối thủ hàng đầu và không hề e dè trước sức ép.
Con đường Nhật Bản mang tới cho bóng đá Việt Nam hai bài học. Thứ nhất, bất lợi về hình thể không ngăn cản cầu thủ Đông Á thành công ở những môi trường đỉnh cao. Thứ hai, tiến ra biển lớn là cách nhanh nhất để học hỏi và tiệm cận đẳng cấp thế giới.
4. Đương nhiên, dẫn chứng như vậy không có nghĩa là chúng ta kỳ vọng Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh sẽ ngay lập tức vươn tầm đẳng cấp. Họ vẫn chỉ là những người tiên phong trong một hành trình chinh phục còn kéo dài của bóng đá Việt Nam.
Sau Công Phượng, nhiều cái tên nữa của Hoàng Anh Gia Lai cũng sẽ lên đường tìm cơ hội ở nước ngoài. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Bóng đá Việt Nam chưa cần những thành tích họ đem lại. Điều quan trọng là họ học được gì, tiếp thu được bao nhiêu, mang về những tinh túy nào của bóng đá nước bạn. Tri thức và trải nghiệm họ có được sẽ cổ vũ những cầu thủ khác dám dũng cảm bước ra nước ngoài. Hành trình ấy sẽ còn kéo dài và gặp nhiều khó khăn.
Từ cầu thủ Nhật Bản đầu tiên chơi bóng ở châu Âu (Yasuhiko Okudera, 1952) tới thắng lợi 1-0 trước người Pháp (2012), bóng đá Nhật mất 60 năm. Việt Nam cũng cần phải kiên nhẫn./.
Các cường quốc không còn xuất khẩu cầu thủ?
Không phải quốc gia nào cũng coi xuất khẩu cầu thủ là giải pháp để nâng cao chất lượng con người. Đội đương kim vô địch thế giới Đức có 17/23 (73 %) cầu thủ đang chơi ở Bundesliga, Italy cũng tương tự. Cá biệt như tuyển Anh có 100 % thành viên đang đá tại Premier League. Tây Ban Nha có 10 cầu thủ thi đấu ở nước ngoài nhưng 7 người trong số họ đá tại Ngoại hạng Anh.
Ở chiều ngược lại, Hà Lan chỉ có 9/23 cầu thủ đang thi đấu tại Eredivisie. Brazil và Bồ Đào Nha lần lượt có 7 người và 8 người. Hai ngôi sao lớn nhất của họ là Cristiano Ronaldo và Neymar đều đang đá tại Liga. Argentina cá biệt hơn cả với chỉ 4 cầu thủ đang thi đấu tại quê nhà.
Kết luận: Vấn đề không phải là bạn có bao nhiêu cầu thủ thi đấu ở nước ngoài, vấn đề là giải vô địch quốc gia của bạn có đủ tốt để cầu thủ nội địa được phát triển. Anh, Đức, Tây Tây Ban và Italy có những giải quốc nội như vậy. Việt Nam ở chiều ngược lại.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo Vietnamplus