An Giang: Kinh tế 9 tháng vượt khó và những tín hiệu lạc quan
Những điểm sáng tăng trưởng
Kinh tế 9 tháng đầu năm 2023 của An Giang tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng. Riêng sản xuất nông nghiệp, thủy sản được mùa, được giá nên có mức tăng trưởng cao, tiếp tục là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm 2023 tăng 7,00% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,79%). Trong mức tăng chung thì khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,16% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,0%) tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế, hai mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh là lúa gạo và cá tra có đóng góp lớn vào giá trị kim ngạch xuất khẩu với mức tăng 4,16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản có mức tăng cao 6,25% với sản lượng thu hoạch đạt 477 ngàn tấn, tăng 7,21% hay tăng 32 ngàn tấn so cùng kỳ. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 10,63%), ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn 63,35%, tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng khu vực này với mức tăng 10,00%; ngành sản xuất và phân phối điện có mức tăng 13,5%. Ngành xây dựng tăng 7,50%, so cùng kỳ; khu vực dịch vụ tăng 8,80% (cùng kỳ 8,92%); thuế sản phẩm trừ trợ giá sản phẩm tăng 3,89% so cùng kỳ, đóng góp của một số ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm, như: bán buôn và bán lẻ tăng 11,92% so với cùng kỳ năm trước, là ngành dịch vụ có đóng góp lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; dịch vụ lưu trú và ăn uống 16,37%; vận tải kho bãi tăng 13,73%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,80%; ngành nghệ thuật vui chơi giải trí có mức tăng 13,02% so cùng kỳ.
Công ty xuất nhập khẩu Chánh Thu được kết nối tiêu thụ xoài cho tỉnh An Giang. Ảnh Trọng Triết
Tổng số doanh nghiệp thành lập mới đầu năm đến ngày 14/9/2023 là 681 doanh nghiệp, tăng 1,04% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký khoảng 4.725 tỷ đồng, giảm 46,21% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại 203 doanh nghiệp, giảm 6,45% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp giải thể tự nguyện là 102 doanh nghiệp, giảm 18,40% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 341 doanh nghiệp, tăng 8,60% so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 15.177 tỷ đồng, tăng 21,29% so cùng kỳ. Nguồn vốn đầu tư tăng so cùng kỳ, chủ yếu tăng nguồn vốn đầu tư công (do nguồn vốn kế hoạch đầu tư công cả năm tăng cao nên việc phân bổ và giải ngân nguồn vốn ngân sách cho các công trình trong năm và các công trình chuyển tiếp từ năm trước cũng được đẩy nhanh tiến độ) và tăng vốn đầu tư từ các hộ gia đình nhờ nhu cầu xây dựng, sữa chữa nhà ở và cơ sở sản xuất kinh doanh tăng cao.
Đáng chú ý, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đầu năm đạt 1.037 triệu USD, tăng 3,02% so cùng kỳ. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đông lạnh đạt 90 nghìn tấn, tương đương 225,6 triệu USD; các hộ kinh doanh xuất khẩu thủy sản nguyên con qua Campuchia đạt 33,4 ngàn tấn, tương đương 48,7 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 440,5 nghìn tấn, tương đương 249 triệu USD; so với cùng kỳ tăng 11,56% về sản lượng và tăng 14,55% về kim ngạch. Thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất là thị trường châu Á (Trung Quốc, Indonesia, Philippines,…), châu Phi (Ghana,…), châu Âu (Pháp, Đức, Bồ Đào Nha,…), châu Mỹ (Mỹ, Brazil,…) và châu Đại Dương. Doanh nghiệp xuất khẩu rau quả đông lạnh đạt 12 nghìn tấn, đạt 18 triệu USD, thị trường chủ yếu xuất khẩu sang Malaysia, Đài Loan, Hà Lan, Đức, Canada, Thụy Điển; các hộ kinh doanh xuất khẩu rau quả sang Campuchia đạt 106 nghìn tấn, đạt 30,7 triệu USD.
Về hoạt động ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2023 thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh và mạnh. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn chấp hành tốt quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất hu động và cho vay đã phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất, nhập khẩu. Tổng số dư huy động vốn đạt 66.850 tỷ đồng, tăng 6,03% so cuối năm 2022, trong đó, số dư huy động vốn trên 12 tháng đạt 19.295 tỷ đồng, chiếm 28,86%/tổng vốn huy động. Tổng dư nợ cấp tín dụng là 106.375 tỷ đồng, tăng 4,21% so với cuối năm 2022.
Tổng thu từ kinh tế địa bàn ước thực hiện là 5.432 tỷ đồng, đạt 81,83% dự toán, bằng 94,98% so với cùng kỳ năm. Chia ra: Thu từ hoạt động nhập khẩu 304 tỷ đồng đạt 74,28% dự toán, bằng 83,39% so cùng kỳ năm trước; thu nội địa 5.127 tỷ đồng đạt 82,32% dự toán năm, bằng 95,77% so cùng kỳ năm trước. Các khoản thu có mức tăng, giảm so cùng kỳ: Thu từ DNNN địa phương 353 tỷ đồng tăng 30,02%; thu thuế ngoài quốc doanh đạt 1.203 tỷ đồng, tăng 32,87%; thuế thu nhập cá nhân đạt 574 tỷ đồng, giảm 5,18%; thu thuế bảo vệ môi trường đạt 254 tỷ đồng, giảm 33,65%, thu tiền sử dụng đất đạt 285 tỷ đồng, giảm 54,47%...
Theo báo cáo của Cục Thống kê An Giang, một số trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh đạt được những điểm sáng quan trọng. Ở góc độ tổng cung, các chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP), trong đó có bốn ngành công nghiệp trọng yếu được cải thiện. Ngành du lịch duy trì mức tăng khá ổn định sẽ có tác động lan tỏa lớn tới nhiều ngành dịch vụ thị trường như vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động nghệ thuật,vui chơi giải trí. Thị trường tiền tệ cũng có dấu hiệu tích cực cả về lãi suất và hạn mức cho vay đã và đang kích thích doanh nghiệp vay vốn, phát triển sản xuất.
Nhìn về tổng cầu, có thể thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2023 cũng tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ. Điều này cho thấy cầu tiêu dùng hàng hóa giữ đà tăng trưởng qua các quý; kỳ vọng các tháng cuối năm sẽ tiếp tục giữ đà do tác động từ việc tăng lương cơ sở.
Giải pháp trong thời gian tới
An Giang vẫn còn nhiều khó khăn, điển hình như thị trường tài chính, bất động sản vẫn còn nhiều thách thức; giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn so với kỳ vọng; khó khăn trong xuất khẩu kéo theo tình hình việc làm bị cắt giảm; cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn đối diện với nhiều thách thức. Đâu là những giải pháp trọng tâm cho quý IV/2023 và là nền tảng cho năm 2024? Có hai nhóm giải pháp chính:
Thứ nhất là nhóm giải pháp củng cố động lực tăng trưởng truyền thống. Cụ thể, tỉnh tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Theo đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất; kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư công; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ từng dự án để đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh và giải ngân đầu tư công là một trong những cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo.
Cạnh đó, cần kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua chương trình khuyến mãi, bình ổn giá… Liên kết giữa kích cầu thương mại và kích cầu du lịch, liên kết giữa các ngành để tạo sức mạnh bền vững; đẩy mạnh kênh mua sắm online; tổ chức các sự kiện văn hóa, xã hội (bao gồm cả các sự kiện liên quan đến giải trí, du lịch, ẩm thực…) định kỳ thường xuyên hơn. Các hoạt động này thu hút không chỉ người dân và cả khách du lịch.
Cảng Mỹ Thới An Giang xuất khẩu lô gạo. Ảnh Trọng Triết
Tiếp đến là phục hồi niềm tin doanh nghiệp thông qua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Điển hình là tăng cường liên kết giữa khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài và khu vực trong nước, trong đó cần đặc biệt chú ý tới các doanh nghiệp tư nhân trong nước quy mô lớn. Đây là nhóm doanh nghiệp có năng lực và nhiều tiềm năng hơn trong tiếp cận doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài cả trên góc độ chuyển giao công nghệ cũng như tham gia chuỗi giá trị mà đầu tư trực tiếp nước ngoài tại địa phương đang có. Ngoài ra, để các hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hiệu quả, có thể thông qua hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp lớn hình thành các hệ sinh thái, mối liên kết với doanh nghiệp nhỏ.
Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, đột phá thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về các quy chuẩn không phù hợp. Tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cuối cùng, tỉnh cần chuẩn bị các kịch bản về an sinh xã hội, chuyển đổi số an sinh và trợ cấp xã hội. Quan tâm đến trợ cấp trẻ em và lương hưu xã hội nhằm đảm bảo tiêu chuẩn sống tối thiểu cho mọi người dân, giá thành thấp và điều này cũng sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng. Xây dựng kịch bản đào tạo nghề nhằm giải quyết việc làm cho người lao động trong trường hợp lao động bị cắt giảm nhiều./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.