Bài 5: Những khuyến nghị - Thay lời kết
2017-10-08 19:12:31
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Với kết quả đạt được, trong năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các đơn vị xem xét, đề nghị xác nhận người có công với cách mạng (sau đây gọi tắt là NCC) phải được tiến hành khẩn trương nhưng phải hết sức chặt chẽ, nghiêm túc, nêu cao trách nhiệm của các cấp, các ngành. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng làm giả hồ sơ, xử lý nghiêm minh và thích đáng mọi trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước để trục lợi cá nhân.
Theo Pháp lệnh ưu đãi người có công số 26/2005/PL-UBTVQH, ngày 29/6/2005 của UB Thường vụ Quốc hội và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực thi hành thì có 12 diện đối tượng được công nhận là người có công với cách mạng. Theo đó, mỗi diện đối tượng có điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục hồ sơ xác nhận khác nhau. Trong bài viết này, tôi chỉ ghi lại những khuyến nghị xung quanh việc giải quyết cho 2 đối tượng – Đó là thương binh và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Bởi 2 đối tượng này đang ẩn chứa nhiều điều bất cập nhất.
Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Quỳnh tặng sổ tiết kiệm cho 4 TB nặng: Phạm Văn Dậu, Vũ Văn Tĩnh, Nguyễn Văn Công, Trịnh Thành Cảnh |
Đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh hiện đang được điều chỉnh bởi Điều 19 Pháp lệnh Ưu đãi người có công; Điều 27 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ; Điều 17, Điều 18 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ LĐ-TB&XH; Thông tư số 202/2013/TT-BQP ngày 7/11/2013 của Bộ Quốc phòng; Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng. Điều 3, Điều 4 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ LĐ-TB&XH.
Đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hiện đang được điều chỉnh bởi Điều 26 Pháp lệnh Ưu đãi người có công; Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20/2/2008 của Bộ Y tế; Điều 39 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, Điều 29 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH; Thông tư số 202/2013/TT-BQP; Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH; Thông tư liên tịch số 41/2013 và 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH của Bộ Y tế - Bộ LĐ-TB&XH; Thông tư số 22/2016/TT-BLĐTBXH ngày 29/6/2016 của Bộ LĐ-TB&XH; Quyết định số 3201/QĐ-BYT ngày 29/6/2016 của Bộ Y tế.
Nếu nhìn dưới góc độ ban hành văn bản thì không hoặc khó thấy những bất cập xảy ra, ngoại trừ việc Bộ Y tế quy định 17 loại bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT (đây là văn bản có tính khả thi thấp nhất).
Nhưng nhìn vào quá trình thực thi chính sách ưu đãi NCC ở các cấp từ tỉnh, thành phố đến phường, xã thì mới thấy hết cảnh cơ cực của NCC đi làm chế độ ưu đãi mà Nhà nước dành cho họ.
Theo ông Phạm Tuấn, CCB tỉnh Bắc Giang tâm sự, những người lính tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trở về, nay họ đa phần đều ở lứa tuổi 60 đến trên 80, trình độ văn hóa chủ yếu là lớp 6 lớp 7, có người chỉ mới học tới lớp 3, lớp 4 thời xưa. Người lính già họ sống rất vô tư, độ lượng lắm. Họ rất tôn trọng nghĩa tình đồng đội, sống cởi mở, chân thành, thương yêu nhau những ngày tháng còn lại. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng họ sẵn sàng bỏ việc nhà và xa gia đình cùng nhau vào rừng, sang biên giới nước bạn (Lào, Campuchia) tìm nơi chôn cất những liệt sỹ cùng đơn vị để giúp thân nhân gia đình họ đưa liệt sỹ về an táng ở nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Hay đóng góp tiền giúp những đồng đội bị thương nhưng chưa có chế độ để họ và thân nhân của họ trở lại chiến trường xưa xin xác nhận để bổ sung vào bộ hồ sơ đi giám định… Ngược lại, họ rất ghét sự giả dối, sự thiếu công bằng trong xã hội. Họ sẵn sàng phát hiện và tố giác những người giả mạo giấy tờ nhằm thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Hay như ông Trần Hải, CCB tinh Thái Bình, nhận xét: Chiến tranh đi qua đã hơn 40 năm, việc lưu giữ hồ sơ gốc của người tham gia hoạt động ở chiến trường gặp rất nhiều khó khăn. Người thì bị mất do bảo quản không tốt với đủ các loại lý do; ngay như người còn lưu giữ được các tài liệu gốc khi ra quân thì đến nay cũng bị nhàu nát, phần chữ in hoặc viết tay cũng đã mờ không thể đem photo và đi công chứng được.
Nói về sự vô cảm của những người thực thi chính sách thì quá phổ biến. Chính đức tính này của họ đã làm cho không biết bao nhiêu bộ hồ sơ cứ nằm mãi trong ngăn tủ, không chịu ra khỏi lũy tre làng. Xin đưa ra 2 ví dụ để minh chứng. Ông Lê Mạnh Hài ở khu phố Bê tông, xã Đạo Tú, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú chia sẻ: “Tôi nộp hồ sơ đã 10 năm nay nhưng từ khi nộp hồ sơ tôi không hề nhận được thông báo gì từ các cơ quan chức năng là hồ sơ thiếu hay đủ và có được hưởng chế độ hay không. Có người gợi ý tôi “bôi trơn” để hồ sơ được xét duyệt, tôi không đồng ý, được thì được không được thì thôi, mình đi chiến đấu bị phơi nhiễm thật, sao lại phải “bôi trơn” để lấy chế độ”. Đồng cảm với suy nghĩ đó của ông Hải, ông Cường Hội CCB Hà Nội nói: Tôi lăn lộn ở chiến trường Quảng Trị từ 1969 đến 1974, đã nhiều lần bị thương, bị nhiễm chất độc hóa học, hồ sơ gốc còn giữ nguyên, nhưng do không bị tiểu đường type 2 nên hồ sơ không được tiếp nhận. Nhưng nếu bỏ ra 20 triệu đồng là có ngay chế độ ưu đãi…Có thể nói NCC đang được hưởng chính sách này phải đến 30-40% là chạy, chứ chưa muốn nói là giả.
Còn về việc tuyên truyền chính sách TBXH cũng nhiều chuyện để nói. Nói về vấn đề này ông D, CCB ở Hà Nội tâm sự: Hình như những văn bản pháp luật của Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành ra chỉ để cho những người thực thi chính sách biết, còn những người lính như chúng tôi thì ít biết lắm. Chính vì công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật kiểu này nên đã biến chính sách “đền ơn đáp nghĩa” của Đảng, Nhà nước trở thành một kiểu “ban ơn” không hơn không kém.
Hiệp hội doanh nghiệp của TB & NKT VN thăm và tặng quà cho thương binh nặng tại Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh Phú Thọ |
Những khuyến nghị
Thứ nhất, về việc ban hành và tuyên truyền các văn bản luật, ông C, Hội CCB TPHCM kiến nghị: Nhà nước nên chuyển thể các văn bản pháp luật đối với NCC sang hình thức Hỏi – Đáp và in thành sách khổ nhỏ cho từng loại đối tượng NCC. Sách này được phân phối hoặc phát về cho các phường, xã để cán bộ chính sách phát cho những đối tượng chính sách cần tham khảo.
Thứ hai, về việc khám giám định vết thương còn sót đối với người không còn (hoặc không có) giấy chứng nhận bị thương, ông H, Hội CCB Hà Nội kiến nghị: Đối với trường hợp này, các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt chỉ nên đòi hỏi người đi khám chứng minh được họ có tham gia chiến đấu (thông qua lý lịch Đảng, chứng nhận của đồng đội, huân huy chương CSGP…) và quan trọng là trên người họ vẫn còn các mảnh kim khí thông qua chiếu chụp XQ của bệnh viện cấp huyện trở lên.
Thứ ba, về việc giải quyết chế độ đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC), nhiều Hội viên Hội CCB ở nhiều địa phương đã đưa ra thắc mắc và kiến nghị. Họ nói: Những người đã từng vào chiến trường BCK tham gia kháng chiến chống Mỹ hiện nay nếu còn sống sót thì họ đều là những thương, bệnh binh, nhưng không phải ai cũng nằm trong diện người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐDC. Trong khi đó, có những người dù có nhập ngũ, song chưa một lần tham gia chiến đấu ở chiến trường lại thuộc diện nhiễm CĐDC đó là sao..? Để giải quyết vấn nạn này, trước mắt, khi chưa có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn về bệnh, tật, dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, thì Nhà nước không nên áp dụng 17 bệnh quy định trong Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH của Bộ Y tế - Bộ LĐ-TB&XH làm căn cứ để giám định. Mà nên áp dụng điều kiện, những ai có đủ giấy tờ chứng minh mình đã từng tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học được xác lập từ ngày 30/4/1975 trở về trước là đủ điều kiện hưởng chế độ Ưu đãi thuộc Đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Thứ tư, Giải pháp phát hiện và thu hồi chế độ thương binh giả và nạn nhân CĐDC giả, nhiều Hội viên Hội CCB ở nhiều địa phương đưa ra giải pháp khắc phục như sau: Trước tiên, Bộ LĐ-TB&XH cần làm tờ trình để Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xử lý, với nội dung Nhà nước không truy cứu trách nhiệm và không truy thu số tiền trợ cấp đã lĩnh hàng tháng đối với thương binh giả và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học không đúng quy định, nếu họ tình nguyện giao nộp lại giấy chứng nhận thương binh và sổ lĩnh tiền trợ cấp hàng tháng cho cơ quan có thẩm quyền khi quyết định này được ban hành. Nhưng sau khi quyết định này có hiệu lực thi hành (khoảng 18 đến 24 tháng tính từ ngày ký ban hành), những ai không tự giác giao nộp sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị truy thu toàn bộ số tiền đã lĩnh từ trước, không cần xem xét tới gia cảnh.
Cùng với việc tuyên truyền vận động tính tự giác của người đã chót làm giả, Nhà nước cũng cần có biện pháp khuyến khích người tố giác thông qua việc trao thưởng cho họ nếu việc tố giác của họ có hiệu quả.
Cuối cùng, đối với những người tuổi quá cao, sắp gần đất xa trời mà đã có hồ sơ gửi các cơ quan TBXH và trên người có vết thương thực thể, hay dị vật kim khí thì Nhà nước cũng cần có chính sách đặc cách để công nhận họ được hưởng chế độ thương binh. Ví dụ như trường hợp Cụ Chu Văn Chắt, sinh năm 1918, quê quán Đông Hà, Đông Hưng, Thái Bình, ông H, CCB tỉnh Thái Nguyên có đề xuất: Vào cái tuổi này, nếu các nhà chức trách có cho Cụ đi giám định để làm chế độ thương binh thì cụ Chắt cũng như con cháu của cụ cũng không thể đưa cụ đi được nữa, bởi cụ không còn đủ sức đi lại. Để động viên con cháu và an ủi cụ trước lúc ra đi, Nhà nước nên cho Cụ được thụ hưởng chính sách xứng đáng với công lao mà cụ đã cống hiến.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Đức Hà