Bài 6: "Quan" thanh tra lại bị kiện
2017-06-08 12:14:19
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Sau khi Tạp chí Điện tử Hòa nhập (hoanhap.vn) đăng bài 4 với tiêu đề “Bánh ít đi, bánh quy lại”, Ban Bạn đọc hoanhap.vn lại nhận được một loạt đơn thư từ các địa phương (cả trong Nam lẫn ngoài Bắc) gửi về...
Đa phần các đơn đều có chung một tiêu chí là “tố” các “quan” thanh tra ngành TNMT, từ cấp huyện đến cấp bộ. Vậy họ đã làm gì nên tội mà các “khổ chủ” lại hay làm đơn “tố” họ và gửi đi các nơi đến vậy..? Để phần nào giải đáp câu hỏi trên, hoanhap.vn xin gửi tới bạn đọc lá đơn tố cáo chính “quan” thanh tra đầu ngành TNMT – ông Lê Quốc Trung, Chánh thanh tra Bộ TNMT.
Ông Đặng Văn Phân, HTX TTCN Phú Cường, người đứng đơn tố cáo |
Trong lá đơn tố cáo ông Lê Quốc Trung đề ngày 9/5/2017 gửi đến các Đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ, ông Đặng Văn Phân, sinh năm 1958, ngụ tại 751/64, Hồng Bàng, phường 6, quận 6, TP.HCM có viết: “Tôi làm đơn tố cáo ông Lê Quốc Trung, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ TNMT, kiêm Bí thư Đảng ủy Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra Bộ TNMT, về hành vi báo cáo sai sự thật lên lãnh đạo Đảng cấp trên, bao che và đồng lõa với thuộc cấp ông Phan Văn Việt, nguyên Phó chánh thanh tra Bộ TNMT, làm sai lệch hồ sơ vụ việc trái với pháp luật, để bưng bít sai phạm của địa phương, trục lợi cho người khác, “xóa sổ” HTX TTCN Phú Cường chúng tôi, phải “Khuynh gia bại sản”, không còn chốn dung thân, được thể hiện tại văn bản số 265/TTr-TDXLĐT ngày 27/08/2012 của Thanh tra Bộ TNMT, gửi Ủy Ban Kiểm Tra Đảng TW, và Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (Tổng cục Cảnh sát – Bộ CA)”.
Qua nghiên cứu đơn và hồ sơ thu thập được, thì mấu chốt của vụ việc này chính là sự mập mờ để làm sai lệch hồ sơ, đó là việc ông Phát có đơn khiếu nại quyết định số 228/QĐ-UB ngày 28/07/1984 của UBND Quận 11 hay không? Tiếp đến, ngày 29/07/1991 Phòng CNTT CN Quận 11 có thông báo số 247/TB, đình chỉ hoạt động của cơ sở Phú Cường? Cuối năm 1995, Ông Nguyễn Trung Quang có đập phá, hủy hoại tài sản nhà xưởng và lấn chiếm đất của HTX Phú Cường? Nếu không thì tại sao ông Phân lại chụp được ảnh. Và nếu có thì tại sao ông Quang lại không bị xử lý theo luật pháp..?
Tóm tắt diễn tiến vụ việc
Năm 1984, sau khi phát hiện việc gia đình ông Nguyễn Văn Phát cho thuê đất với giá quá cao, bằng hơn 20 lần thu nhập lương của một công nhân, nên UBND Quận 11 đã có quyết định số 228/QĐ-UB ngày 28/07/1984, V/v thu hồi và quản lý 500m2 đất của ông Nguyễn Văn Phát cho thuê, và thu hồi toàn bộ diện tích ruộng đất bỏ hoang, không sử dụng liên quan đến thửa đất cho thuê - diện tích 2.000m2 của thửa đất thuộc BK 332 Chợ Lớn - cây mai của gia đình ông Nguyễn Văn Phát và bố trí cho Tổ hợp tác Phú Cường tiếp tục sử dụng đất (trừ diện tích căn nhà 6m x 8m của bà Bạch không cho thuê, nhà nước không quản lý).
Năm 1986, Tổ hợp tác Phú Cường chuyển đổi mô hình lên thành HTX, được Liên hiệp xã Thành phố ra quyết định số 298/LHX ngày 25/09/1986, và được UBND Quận 11 cho phép HTX Phú Cường sử dụng con dấu, tại QĐ số 442/QĐ-UB ngày 19/09/1986. Do nhu cầu Phát triển sản xuất theo qui mô HTX, nên HTX Phú Cường đã đầu tư vốn liếng, động viên xã viên san lấp thêm khoảng 1.000m2 đất ao, mà nhà nước đã quản lý của gia đình ông Phát làm sân phơi, kho, và mặt bằng nhà xưởng; còn lại khoảng 500m2, đã đào ao nuôi cá, cải thiện bữa ăn cho xã viên HTX.
Để tránh gây ô nhiễm môi trường cho khu dân cư, năm 1990, HTX Phú Cường đã dời xưởng cưa về huyện Hóc Môn. Còn phần nhà xưởng tại địa chỉ số 6/1B Tân Hóa đã được HTX sửa chữa xây dựng lại làm văn phòng, và mở phân xưởng xay bột gia công, chế biến bột thực phẩm các loại, tạo việc làm cho xã viên. Như vậy vào thời điểm này, toàn bộ diện tích nhà xưởng, nhà kho, nhà ở tập thể của xã viên, sân phơi, ao cá của HTX TTCN Phú Cường đã và đang sử dụng có hiệu quả trên phần đất do UBND Quận 11 giao cho HTX, với tổng diện tích khoảng 2.000m2.
Ngày 2/8/1991, HTX TTCN Phú Cường có đơn xin đưa phân xưởng chế biến bột thực phẩm ngũ cốc tại địa chỉ số 6/1B Tân Hóa sau gần 1 năm sửa chữa nhà xưởng, lắp đặt thiết bị máy móc, đi vào sản xuất thử, có xác nhận của UBND phường 1 ngày 8/8/1991. Thế mà ông Phan Văn Việt, Phó Chánh Thanh tra, ông Lê Quốc Trung, Chánh Thanh tra lại cho rằng tại thời điểm này, HTX TTCN Phú Cường đã bị đình chỉ và ngưng hoạt động tại địa chỉ số 6/1B Tân Hóa. Với lý do ngày 29/7/1991 Phòng CNTT CN Quận 11 có thông báo số 247/TB, đình chỉ hoạt động của cơ sở Phú Cường. Sau đó, cơ sở này đã chuyển máy móc đi nơi khác, chỉ còn lại căn nhà các hộ đang ở. Với kiểu làm sai lệch hồ sơ đó, đã đẩy HTX Phú Cường từ chỗ đang sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả mảnh đất 2.0002 do UBND Quận 11 giao, thành đơn vị sử dụng đất sai mục đích. Song ngặt một nỗi, cuối năm 1995, ông Nguyễn Trung Quang cho người đập phá và lấn chiếm đất của HTX Phú Cường, để bột văng vãi trắng xóa đã được ông Phân chụp được. Hình ảnh này cũng đủ chứng minh đến cuối năm 1995, HTX TTCN Phú Cường vẫn đang sử dụng mảnh đất được giao đúng mục đích.
Năm 1995, nhà xưởng chế biến bột mì của HTX Phú Cường bị ông Nguyễn Trung Quang cho người đập phá và lấn chiếm diện tích 500m2, bột đỗ vải trắng xóa |
Gian dối hơn, khi sinh thời, ông Nguyễn Văn Phát đã nhiều lần đến thăm HTX. Ông Phát từng nói – Ông không khiếu nại, xin lại đất; và còn động viên anh em trong HTX phải cố gắng tổ chức sản xuất tốt, để xây dựng XHCN. Thế mà tại bản báo cáo lên Thủ tướng số 1678/BTNMT-TTr ngày 21/05/2009 của Bộ TNMT, các ông Phan Văn Việt, Phó Chánh Thanh tra, ông Lê Quốc Trung, Chánh Thanh tra lại cho rằng: “Ông Phát không đồng ý với quyết định số 228/QĐ-UB ngày 28/07/1984 của UBND Quận 11, tiếp tục làm đơn khiếu nại quyết định của UBND Quận 11”. Song ngặt một nỗi, trong báo cáo này các ông lại không ghi rõ ngày tháng mà ông Phát viết đơn khiếu nại. Để làm rõ “trắng – đen” ông Đặng Văn Phân đã nhiều lần “đề nghị ông Trung, chánh Thanh tra cung cấp lá đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Phát năm 1984”. Song đến nay, lời đề nghị đó của ông Phân vẫn không được ông Trung đáp ứng.
Cũng tại báo cáo gửi Thủ tướng chính phủ số 1678/BTNMT-TTr, các ông Phan văn Việt và Lê Quốc Trung còn cố ý ngụy biện, bao che cho hành vi vi phạm pháp luật của một số cán bộ biến chất thuộc UBND Quận 11, Sở TNMT và UBND TPHCM, bằng việc ban hành các quyết định trái pháp luật số 05/QĐ-UB của UBND Quận 11, số 367/QĐ-ĐC-TTr của Sở địa chính (nay là Sở TNMT), số 2666/QĐ-NC năm 1997 của UBND TPHCM. Các văn bản này đều có nội dung trả lại đất của nhà nước đã có quyết định quản lý bố trí cho người khác sử dụng, nhưng thực tế lại không đúng sự thật khách quan.
Chính việc làm sai lệch hồ sơ vụ việc, làm thay đổi bản chất sự thật vụ việc của các ông Phan Văn Việt và Lê Quốc Trung tại báo cáo số 1678/BTNMT-TTr đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Từ chỗ HTX TTCN Phú Cường đang sử dụng ổn định trên diện tích gần 2.000 m2 đất do UBND quận 11 cấp để cho HTX sử dụng vào việc xây dựng nhà xưởng sản xuất TTCN từ năm 1984, trở nên không còn dù 1 m2 đất, nhà xưởng bị đập phá, không được bồi thường dù là 1 đồng; HTX phải “khuynh gia bại sản”, xã viên bị mất việc làm, và không còn chốn dung thân, phải sống lang thang ngoài lề đường.
Trong đơn tố cáo ngày 9/5/2017, ông Phân đã viết: “Tôi được biết, để trả công cho ông Phan Văn Việt, đã bao che sai phạm cho một số cán bộ biến chất thuộc UBND TPHCM, trong đợt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo một số vụ việc tại TPHCM, được Thủ Tướng Chính phủ giao trong năm 2008, ông Phan Văn Việt được UBND TPHCM cấp cho 200 m2 đất tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức; ông Lê Đức Hành, nguyên phó Chánh Thanh tra bộ TNMT, nguyên trưởng đại diện văn phòng phía Nam, Bộ TNMT cũng được cấp 200m2 đất ...v..v..v.”
Thay cho lời kết
Trong khi tại khoản 1, Điều 7, Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 15/112010 đã quy định rõ nguyên tắc hoạt động thanh tra phải: “Tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời”. Và tại khoản 3, Điều 13 (Các hành vi bị nghiêm cấm), Luật này cũng quy định cụ thể như sau: “Cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kết luận sai sự thật; quyết định, xử lý trái pháp luật; bao che cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật”. Song trên thực tế, các “quan” thanh tra từ cấp huyện đến trung ương lại hay mắc phải các hành vi bị nghiêm cấm đến thế. Phải chăng là do tác động bởi yếu tố khách quan, hay là do năng lực yếu, kém, và hay là do điều gì tế nhị ..?
Để thay cho lời kết bài này, tôi xin gửi tới bạn đọc nguyên văn đoạn cuối lá đơn tố cáo đề ngày 9/5/2017 mà ông Đăng Văn Phân đã viết: “Dưới ánh sáng nghị quyết TW 4 đại hội Đảng toàn quốc khóa 12, chân dung ông quan Lê Quốc Trung cũng đã lộ diện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức lối sống, cố ý làm sai lệch hồ sơ, làm sai lệch bản chất sự thật vụ việc, làm trái các quy định của pháp luật về đất đai, làm cho vụ việc khiếu nại oan sai càng thêm oai sai, làm sói mòn niềm tin của dân đối với Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Vậy tôi làm đơn tố cáo này kính đến quý lãnh đạo Đảng, Chính phủ sớm làm rõ, đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”, để người dân chúng tôi được nhờ, và được kỳ vọng.”.
Một số hình ảnh: Năm 1995, nhà kho của HTX Phú Cường bị ông Nguyễn Trung Quang đập phá và lấn chiếm đất mà ông Phân đã lưu giữ được.
(Còn nữa)
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Đức Hà