Bao giờ Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát mới chịu đưa nữ lao động đang mang thai về nước?
Phóng viên Hòa Nhập không thể nào gặp được lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát để tiếp cận hồ sơ của người lao động. Có gì khuất tất trước số phận những lao động do công ty này đưa ra nước ngoài? |
“Sự cố”… không hy hữu
Ngay sau khi Hòa Nhập phản ánh, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) đã chỉ đạo Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát báo cáo sự việc. Và rất nhanh, chiều ngày 09/3/2018, phóng viên Hòa Nhập đã nhận được văn bản báo cáo sự việc của Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước do ông Nguyễn Thanh Sơn - Tổng giám đốc công ty ký, giải trình. Theo nội dung văn bản, việc khám sức khỏe của người lao động trước khi sang Ả rập Xê út đã thực hiện đúng “quy trình”. Kết quả khám sức khỏe tại Việt Nam, chị N “đạt yêu cầu và không có thai”.
Sang đến Ả rập Xê út, ngày 21/2/2018, chị N đi khám lại sức khỏe để làm thẻ cư trú thì bác sỹ phát hiện có thai. Chị N được chủ sử dụng giao lại cho Văn phòng môi giới để làm thủ tục về nước. Thay vì cho chị N về Việt Nam để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và con, ngày 03/3/2018, Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát đưa nữ lao động này đi khám lại một lần nữa và kết quả không thay đổi.
Trong văn bản gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước, Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát nêu: “Hiện nay lao động đang được bố trí ở tại phòng lưu trú của công ty môi giới, được cung cấp đầy đủ thực phẩm và sức khỏe bình thường chờ thủ tục exits visa và book vé máy bay về nước. Nhưng không hiểu vì lý do gì lao động viết đơn gửi qua zalo cho báo chí và thông tin hoàn toàn nói sai sự thật”.
Văn bản báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát đổ lỗi việc có thai trước khi xuất cảnh là do người lao động, nhưng không kèm theo được các giấy tờ chứng minh như: Giấy khám sức khỏe, tình trạng hôn nhân của chị N, bản cam kết của người lao động về việc phòng tránh thai trước khi xuất cảnh.
Để làm rõ những thông tin liên quan đến trách nhiệm của người lao động và công ty, phóng viên Hòa Nhập đã nhiều lần liên lạc với ông Nguyễn Thanh Sơn và ông Lê Đình Toàn, là 2 người biết rõ nhất về vụ việc này, để được tiếp cận hồ sơ người lao động nhưng bị từ chối.
Theo ông Lê Đình Toàn (Phó Tổng giám đốc công ty, phụ trách chi nhánh Thanh Hóa), những “sự cố” như chị N không phải là “hy hữu”.
Vì tiền, bất chấp đạo lý
Theo một số doanh nghiệp có kinh nghiệm đưa lao động sang Ả rập Xê út cho biết, ở thị trường này, nhu cầu sử dụng lao động “giúp việc gia đình” rất lớn và chủ yếu là phụ nữ. Khi nhận được 1 nữ lao động, chủ sử dụng trả ngay cho môi giới 1 khoản tiền khoảng hơn 100 triệu đồng. Tiền lương của người lao động được chủ sử dụng trả theo từng tháng, công ty trừ lại 30% gọi là chi phí “môi giới”. Người lao động chỉ được hưởng 70% tiền lương thực tế của họ (khoảng 5 triệu VND/tháng). Công ty nào “tử tế” thì “chia” cho gia đình người lao động từ 50 đến 70 triệu đồng trong số tiền ban đầu nói trên. Nhiều công ty tham lam, đã quỵt cả số tiền này nhưng người lao động không hay biết. Trường hợp chị N, Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát đã “quỵt” toàn bộ số tiền trên.
Chị V ở Nghệ An bị chủ sử dụng hành hạ như nô lệ, kêu cứu nhưng Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát “nặn” cho bằng được 58 triệu đồng mới chịu giải quyết cho về nước. (Nguồn: Internet) |
Theo thông tin báo Dân Trí phản ánh, năm 2014, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, chị V ở Nghệ An sang Ả rập Xê út “giúp việc gia đình” qua giới thiệu của Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát. Sang đến Ả rập Xê út, công việc quá nặng so với khả năng, sức khỏe và bị chủ sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, tra tấn, hành hạ như nô lệ, chị V đã xin về nước. Để được trở về Việt Nam, ngoài việc chị V phải trải qua những ngày sợ hãi, Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát đã ép gia đình chị V phải nộp 58 triệu đồng mới chịu giải quyết.
Những thông tin liên quan đến sai phạm của Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát đối với người lao động đã được báo Lao động, Thanh Niên, Tiền phong, Dân Trí… phản ánh khá nhiều. Tháng 10/2015, Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát và Công ty CP Quốc tế Nhật Minh đã bị Cục Quản lý lao động ngoài nước xử phạt hơn 300 triệu đồng vì đã vi phạm quy định trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Vì sao đã gần 1 tháng trôi qua, kể từ khi phát hiện chị N có thai, Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát vẫn chưa chịu đưa người lao động về nước? Phải chăng chỉ vì số tiền đã chi phí cho chị N sang Ả rập Xê út mà Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát cố ép gia đình chị N nộp một khoản tiền (như chị V ở Nghệ An nêu trên) mới chịu giải quyết? Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước có bao che khi doanh nghiệp này vẫn nhởn nhơ trước những sai phạm?
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.