Bao nhiêu tiền cho sự sống thêm một năm?
Trả bao nhiêu tiền là hợp lý cho một năm sự sống? (Ảnh minh họa)
Ngành Y quy ra tiền để đầu tư chữa chạy cho những người đang ốm hoặc đang hấp hối và mỗi một loại thuốc mới được đưa ra thị trường, họ phải đứng trước câu hỏi: Liệu kéo dài sự sống ra thêm vài tháng, vài năm, có đáng với số tiền bỏ ra?
Tất nhiên là chúng ta cần làm tất cả những gì có thể để mua thêm thời gian cho những người mình yêu thương. Tuy nhiên, Dominic Wilkinson - bác sỹ và nhà đạo đức học từ Trung tâm Ứng dụng Đạo đức Uehiro thuộc Đại học Oxford đã có lập luận đặt nghi vấn trước lối suy nghĩ này và kêu gọi chúng ta xem xét lại: Nên bỏ ra bao nhiêu tiền để kéo dài sự sống?
Nên chi bao nhiêu cho thêm một năm?
Hiện tại, các loại thuốc đối với những căn bệnh ở giai đoạn cuối thường được quyết định dựa trên hai thứ - nó sẽ kéo dài sự sống bao lâu và đem lại chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ra sao? Các số liệu này được đo đạc bằng thước đo có tên gọi Quality Adjusted Life Year-saved (QALY).
Ví dụ, loại thuốc có thể giúp sống thêm một năm nhưng chỉ với chất lượng bằng một nửa so với chất lượng cuộc sống bình thường chỉ được chấm là nửa năm trên thang điểm này. Từ những tính toán này, ngành y tế có thể bắt đầu tính toán liệu một loại thuốc nào đó có đáng với mức giá của nó hay không.
Theo bảng chỉ dẫn tại Anh, mỗi loại thuốc sẽ đáng giá khoảng 30 nghìn đến 45 nghìn đôla cho mỗi năm nó giúp bệnh nhân có sức khoẻ tốt. Vậy, loại thuốc chỉ đạt 0,5 năm trên thước đo QALY sẽ chỉ đáng từ 15 nghìn đến 22,5 nghìn đôla. Đồng nghĩa với việc một số loại thuốc đã bị Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) bác bỏ vì quá đắt. Các nhà vận động cho rằng các công ty dược phẩm cần hạ chi phí cho những loại thuốc như vậy và các dịch vụ y tế cần đầu tư thêm tiền vào các loại thuốc có thể mang lại cho các bệnh nhân ở giai đoạn cuối thêm thời gian sống.
Nước Anh gần đây đã xem xét việc tăng giới hạn chi phí cho các căn bệnh giai đoạn cuối lên khoảng 120 nghìn đôla cho một năm đạt chất lượng cuộc sống tốt. Tuy nhiên số tiền này sẽ không thể được chi cho các lĩnh vực y tế khác như chăm sóc tâm thần hay giúp đỡ người khuyết tật và không thể đầu tư vào các biện pháp quan trọng có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của những người đang mới bước vào hoặc đã đi được nửa cuộc đời.
Có nên bằng mọi giá?
Vậy có đáng để bằng mọi giá mua cho người khác thêm một vài tháng cuối đời? Khi đưa ra những quyết định như vậy, việc lấy ý kiến dư luận là rất cần thiết.
Phần lớn con người ta sẽ trả bất cứ khoản tiền nào để được sống thêm vài năm. Thế nhưng, một nghiên cứu gần đây cho thấy chúng ta không hẳn là coi trọng độ dài của cuộc đời.
Một nghiên cứu chi tiết dựa trên khảo sát đối với 4.000 người tại Anh đã giải thích cách khác nhau mà các nguồn lực hạn chế của dịch vụ y tế có thể được triển khai và sau đó được yêu cầu cho ý kiến. Kết quả là hầu hết đều không cảm thấy thoải mái với việc chi tiền cho những người đang bệnh ở giai đoạn cuối, thay vì cho những người có thể được hưởng lợi ích ở những giai đoạn khác của cuộc đời.
Sống khỏe đáng hơn sống lâu?
Nghiên cứu cho thấy, nhiều người sẵn sàng trả rất nhiều tiền cho các biện pháp giảm đau để được điều trị tại nhà, thay vì những loại thuốc có khả năng kéo dài sự sống. Tuy nhiên, nghiên cứu này không phải là câu trả lời cuối cùng. Rất khó để biết liệu những người khác có đồng lòng với những ý kiến này hay không.
Trong lúc dân số lão hoá và dịch vụ y tế trở nên ngày càng hiện đại và đắt tiền, những vấn đề này sẽ chỉ ngày càng được đề cập nhiều hơn. Ezekiel Emanuel, cựu giám đốc tại Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia Mỹ nói rằng ông sẽ từ chối tất cả các biện pháp kéo dài sự sống ở tuổi 75.
Tuy nhiên bất cứ ai ở bất cứ độ tuổi nào đều nên hiểu rõ giá trị của số thời gian mà chúng ta có trên cõi đời này và nên làm gì để tận dụng tốt nhất khoảng thời gian đó. Chúng ta chỉ tham khảo ý kiến trên mà thôi.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.