Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam: Hai phần ba tác giả mãi mãi ra đi
Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam được xem là một công trình nhân văn của 30 tác giả, do nhà văn Đặng Vương Hưng làm chủ biên. Bộ sách gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang. Bên cạnh những tác phẩm đình đám như Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thùy Trâm, bộ sách còn tập hợp khoảng 30 tác phẩm của 30 tác giả khác.
Theo chủ biên Đặng Vương Hưng, hai phần ba tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và do di chứng chiến tranh nên cũng mất sau khi trở về.
“Ngoài sổ tay nhật ký mà thân nhân của các anh chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển cho chúng tôi, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất”, ông Hưng nói.
Ông Hưng cùng các cộng sự mất đến 16 năm, từ 2004 - 2020, mới hoàn thành bộ sách tâm huyết này nhằm lưu giữ các tư liệu quý cho thế hệ mai sau.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp; nguyên Tư lệnh Quân khu 4) - Chủ tịch Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” đánh giá: “Đây là công trình, có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp và mang tính nhân văn sâu sắc. Có thể xem bộ sách Nhật ký Thời chiến Việt Nam như một tượng đài Di sản phi vật thể, mà các Anh hùng - Liệt sĩ, các cựu chiến binh đã để lại dấu ấn của tâm hồn mình cho thế hệ sau".
Lễ ra mắt bộ sách Nhật ký chiến tranh Việt Nam
Trong khi đó, nhà văn Đặng Vương Hưng - chủ biên bộ sách thay mặt nhóm sưu tầm, biên soạn và thực hiện chia sẻ: "Tất cả những gì ta đọc được ở đây là sự thật, dù nó có thể thô tháp, nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật! Không ai có thể buộc được người ta phải nói thật suy nghĩ của lòng mình, nhất là sự ấm ức, bất công và nỗi buồn nản trong cuộc đời; kể cả tâm trạng “sống trong sợ hãi” tại chiến trường. Nhưng với nhật ký, thì người viết “tự nguyện” nói ra tất cả điều ấy…”
Theo ông Hưng, nội dung bộ sách sẽ được gửi tặng miễn phí thông qua hàng ngàn bản PDF cho công tác tuyên truyền, nghiên cứu, giảng dạy vì lợi ích cộng đồng.
GS.TS Hà Minh Hồng - nguyên trưởng khoa lịch sử, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM kỳ vọng bộ sách này chỉ là khởi đầu. “Chúng tôi mong đợi 5 năm nữa, 10 năm nữa, 20 năm nữa…sẽ có một bộ sách không phải 4 tập hay 40 tập. Vì trong số 4 triệu liệt sĩ trong 2 cuộc kháng chiến, nếu tính bình quân mỗi người viết một trang, chúng ta đã có 4 triệu trang. Những người tâm huyết với bộ sách sẽ là người nối dài sức sống tuổi 20, đem đến cả các thế hệ sau nữa. Tôi hi vọng những điều không chỉ là khát vọng mà thành hiện thực".
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.