Bộ trưởng Thăng: “Không thể sửa đổi hời hợt Luật Giao thông”
2016-01-14 23:40:02
0 Bình luận
Theo ông Thanh, bước vào giai đoạn hiện nay, Luật Giao thông đường bộ 2008 bộc lộ những bất cập trong quy hoạch vận tải, quy mô doanh nghiệp vận tải ra sao, đặc biệt loại hình vận tải hành khách theo tuyến cố định, hợp đồng, du lịch, taxi…
Qua 6 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh trong hoạt động giao thông vận tải đường bộ.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 là trách nhiệm chung của các Bộ, ngành và các Sở Giao thông Vận tải liên quan.
“Cơ hội sửa chữa luật là rất khó vì không thể chốc lát làm được ngay mà cần có sự chuẩn bị kỹ càng, tập trung trí tuệ, nhân lực, đặc biệt không thể sửa đổi hời hợt. Luật Giao thông đường bộ phải tạo cơ chế đột phá về thể chế, chính sách để thúc đẩy và phát triển,” Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay.
Khống chế và sinh ra nhiều bất cập
Tại hội nghị Tổng kết 6 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 vào chiều nay (14/1), ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau khi Luật Giao thông đường bộ 2008 có hiệu lực thi hành, hệ thống giao thông đường bộ phát triển, công tác bảo trì đường bộ được tăng cường hơn trước; công tác quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, công tác đổi mới quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế…
Tuy vậy, lãnh đạo Tổng cục cũng thẳng thắn chỉ ra trong quá trình triển khai thi hành Luật này cũng đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh về phương tiện giao thông cá nhân phát triển nhanh; vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; tai nạn giao thông giảm liên tục trong các năm qua, nhưng số vụ tai nạn và các chỉ số tai nạn khác còn cao, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng còn nhiều…
Là cơ quan đại diện cho các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam nhìn nhận, Luật Giao thông đường bộ 2008 có rất nhiều tiến bộ so với Luật năm 2001, đặc biệt là đưa ngành nghề kinh doanh vận tải thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật để quản lý vận tải (GPS-thiết bị giám sát hành trình) đến nay đã đạt được rất nhiều kết quả.
Kinh doanh vận tải hành khách đang tồn tại rất nhiều bất cập và vướng mắc trong việc thực thi Luật Giao thông đường bộ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Giải thích rõ hơn, vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam dẫn chứng, vận tải hành khách tuyến cố định đưa ra rất nhiều luật để khống chế từ đó sinh ra nhiều bất cập. Bến xe thuộc kết cấu hạ tầng nhưng theo Luật Giao thông đường bộ 2008 vẫn bị đánh thuế nên chi phí đã đè lên chủ xe, hành khách. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố cũng có suy nghĩ bến xe trong nội đô nhếch nhác thì điều chuyển ra ngoài nhưng nếu điều chuyển xa thì sẽ nảy sinh thêm xe dù, bến cóc.
“Hiện nay, ngành giao thông đầu tư rất lớn cho kết cấu hạ tầng (BOT gần 190.000 tỷ đồng cho hạ tầng đường) nhưng giá thành vận tải đã giảm chưa? Vấn đề tổ chức vận tải logistic như thế nào? Vận tải đa phương thức ra sao? Không thể để xe chở hàng chạy dọc cả nước mà nên phân tuyến, khu vực, cơ cấu lại vận tải…,” ông Thanh nói.
Bổ sung thêm, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, xe chạy tuyến hợp đồng, xe bốn bánh chạy bằng năng lượng, quy định cấp giấy phép lái xe, thời gian làm việc lái xe cũng sẽ được chỉnh sửa, bổ sung trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi tới.
Những thể chế, chính sách phải có sự sống nhiều năm
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã sửa bộ Luật Hàng hải, Đường thủy, Hàng không. Thời gian tới là luật Đường sắt và Đường bộ. Luật Giao thông đường bộ rất quan trọng vì gắn với người dân và có những phạm vi điều chỉnh rất rộng.
“Luật Giao thông đường bộ mới thực hiện được 6 năm nhưng đã bộc lộ quá nhiều tồn tại dẫn đến hiệu lực hiệu quả của quản lý Nhà nước chưa cao đồng thời cũng chưa lường hết được sự phát triển của kinh tế đất nước và thế giới,” người đứng đầu ngành giao thông thừa nhận.
Đặc biệt, nhiều điều quy định trong luật trước đây không thực hiện được như đất giành cho giao thông đô thị của 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải từ 20-26% nhưng thực tế chỉ có 7-8%, không lường được sự phát triển nhanh của phương tiện cá nhân như hiện tại cả nước 45 triệu xe máy (mỗi năm tăng 3-4 triệu xe máy và 300.000 ôtô).
Ngoài ra, theo Bộ trưởng việc ứng dụng giao thông thông minh, xử phạt nguội, kiểm soát xe quá tải chưa cao, tai nạn giao thông còn nhiều. Một nước phát triển nhanh theo hướng hiện đại không thể để giao thông không đáp ứng được yêu cầu. Thời buổi xách cặp đi xin dự án, xin vốn không còn nữa. Một nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước không thể chấp nhận được tư duy cũ về đầu tư.
Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ tiếp thu ý kiến của các đơn vị liên quan để hoàn thành Luật Giao thông đường bộ nhằm ứng dụng vào cuộc sống theo hướng người dân, doanh nghiệp được quyền làm theo luật, cải cách thủ tục hành chính giảm tối thiểu cơ chế xin cho, tạo thị trường cho vận tải phát triển lành mạnh đồng thời dự báo sự phát triển của đường bộ trong tương lai gồm vận tải đường bộ, vận tải đa phương thức.
“Trong năm qua, tai nạn ngành đường sắt tăng nhưng chủ yếu là do đường bộ gây ra. Vậy, vấn đề quản lý hành lang giữa đường bộ-đường sắt như thế nào? Những thể chế chính sách đưa ra phải đáp ứng thực tiễn, sự sống trong nhiều năm chứ không thể vừa làm xong đã vướng,” Bộ trưởng chỉ rõ thực tế.
Do đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng tin tưởng rằng, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ là trách nhiệm chung của Bộ, các đơn vị liên quan, Sở Giao thông Vận tải địa phương bởi cơ hội sửa chữa luật là rất khó vì không thể chốc lát làm được mà cần có sự chuẩn bị kỹ càng, tập trung trí tuệ, nhân lực, không thể sửa hời hợt. Luật phải tạo cơ chế đột phá để thúc đẩy và phát triển từng lĩnh vực và phải tiệm cận với sự phát triển hiện đại./.
Tính đến tháng 6/2015, cả nước có 4.635 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, trong đó có 453 tuyến vận tải hành khách có cự ly trên 1.000km với trên 1.022 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hoạt động vận tải hành khách; có 54/63 tỉnh, thành phố đã có tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, với hơn 10.000 xe, vận chuyển hàng trăm triệu lượt hành khách mỗi năm.
Trong 6 năm qua (2009-2015), lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ đã lập biên bản xử lý 40.103.773 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nộp kho bạc Nhà nước 15.558 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 2.509.969 trường hợp, tạm giữ 188.572 ôtô, 4.450.242 môtô và 160.354 phương tiện khác.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo vietnamplus.vn