Bỏ túi tiền triệu mỗi ngày nhờ nghề mua ... rơm
2015-10-30 15:39:59
0 Bình luận
Trước đây, rơm là loại phế phẩm bỏ đi sau mỗi mùa thu hoạch thì nay loại phế phẩm này được các thương lái gần xa đổ xô tìm mua, đưa về các tỉnh miền Đông bán lại. Sau 1 - 2 chuyến hàng, trừ hết mọi chi phí, các thương lái bỏ túi 1,5 - 2 triệu đồng/ngày.
Nông dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đang vào vụ thu hoạch rộ lúa vụ 3, lúa Thu Đông. Dọc theo những cánh đồng tỉnh lộ 942 và 944, không khí ngày mùa sôi động hẳn lên khi xuất hiện nhiều máy cuốn rơm xen lẫn với máy cắt lúa. Thương lái lùng sục tranh mua, còn nông dân thì có nhu cầu bán nhằm cải thiện chi phí sản xuất cho một vụ mùa, điều đáng quan tâm là việc mua, bán rơm diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và rầm rộ nhanh hơn cả bán lúa.
Sau 1 - 2 chuyến hàng, trừ hết mọi chi phí, các thương lái bỏ túi 1,5 - 2 triệu đồng/ngày.
Nhu cầu mua rơm hiện rất lớn, nhiều thương lái săn lùng khắp ruộng tranh mua khiến giá rơm đẩy lên cao. Anh Phạm Minh Tuấn cho biết, nếu như trước đây thu hoạch xong vụ lúa, gia đình đốt rơm ngoài đồng chuẩn bị vụ mùa sau thì khoảng 5 năm trở lại đây, rơm được thương lái tìm mua hết. Tận dụng việc bán rơm, thu nhập trang trải chi phí cho mùa lúa cũng đáng kể. Với khoảng 6 ha, mỗi vụ anh Tuấn cũng có thêm thu nhập khoảng 30 triệu đồng từ loại phụ phẩm tưởng chừng bỏ đi này.
Thương lái ồ ạt tranh mua khiến giá rơm luôn được đẩy lên cao. Không chỉ các hộ chăn nuôi trâu bò cần rơm bổ sung cho thức ăn gia súc mà nông dân trồng trọt cũng cần rơm để che gốc thanh long hay cà phê.
Anh Trần Duy Phương, thương lái mua rơm ở tỉnh Long An cho biết: Rơm được thu mua từ nhiều cánh đồng Chợ Mới rồi đưa đi bán khắp nơi, từ khu vực ĐBSCL đến nhiều tỉnh ở Đông Nam bộ. Nông dân miền Tây đa số thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, máy cắt đến đâu phun rơm rạ ra đồng ruộng đến đó nên thương lái phải đầu tư loại máy chuyên dụng để đi mua rơm và cuốn thành cuộn tròn mang đi bán.
Nhờ đầu tư 2 máy cuộn rơm cùng lúc nên mùa này anh Phương mua được số lượng lớn rồi thuê xe chở ra miền Đông bán.
Anh Phương cho biết, mỗi ngày anh chở 2 chuyến khoảng 12 tấn. Sau khi trừ chi phí, như tiền mua rơm (70.000 đồng/1.000m2), tiền thuê nhân công (200.000 đồng/người)… , mỗi ngày anh Phương bỏ túi khoảng 1,5 triệu đồng.
Anh Trần Văn Phi - huyện Chợ Mới An Giang làm nghề mua rơm hơn 2 năm qua cho biết, công việc mua rơm bây giờ thuận tiện.
"Máy gặt lúa phun rơm thành hàng, mình chỉ mỗi việc đưa máy cuộn rơm thành cục kéo lên xe tải rồi đưa lên các tỉnh miền Đông bán lại cho các hộ trồng hoa màu, nấm… Cái vui là mỗi ngày trừ hết chi phí bỏ túi từ 1,5 - 2 triệu đồng, đặc biệt là giải quyết việc làm cho 5 - 6 công nhân lao động có thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng", anh Phi hồ hởi chia sẻ.
Việc thu mua rơm diễn ra quanh năm, từ cánh đồng này sang cánh đồng khác và cũng nhờ công việc này mà 2 năm nay, anh Phương, anh Phi… cùng nhiều hộ mua rơm khác có cuộc sống khá lên. Ngoài ra còn tạo việc làm có thu nhập cao cho hàng chục công nhân lao động tại những địa phương anh Phương đến thu mua rơm.
Vụ Thu Đông năm nay, tuy không trúng mùa, giá lúa thấp nhưng nhờ bán được rơm bà con nông dân Chợ Mới phấn khởi hơn vì đã bù đắp phần nào chi phí sản xuất lúa. Nhờ có đội ngũ thu mua rơm, cánh đồng Chợ Mới không còn ô nhiễm môi trường, đất ít bạc màu và không mất chất hữu cơ vì phải tốn công đốt rơm như trước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo Dân Trí