Hành trình xóa mờ định kiến về người tự kỷ
Mô hình kinh tế tiên phong cho người tự kỷ
Hiện tại VAPs đang kinh doanh những dịch vụ gì và công ty có bao nhiêu nhân sự là người tự kỷ ạ?
Công ty hiện tại đang đầu tư các dự án về nhà hàng, siêu thị, hiệu sách và homestay. Chúng tôi cung cấp đa dạng các dịch vụ để khách hàng có nhiều lựa chọn. Và khi mà khách đến trải nghiệm họ không chỉ được tìm hiểu và giao tiếp với các bạn tự kỷ mà còn cảm thấy VAPs là nơi cung cấp dịch vụ phù hợp với mong muốn của mình.
Về nhân sự, công ty hồi xưa cũng chỉ có một bạn. Trải qua quá trình đào tạo rất là nhiều bạn tự kỷ thì công ty hiện tại có 10 bạn tự kỷ, trong đó có 1 bạn nữ. 10 bạn được chia đều cho 4 dự án và các bạn cũng đang là những người trực tiếp tham gia lao động, phục vụ khách hàng để trải nghiệm các mô hình kinh tế.
Anh có thể chia sẻ thêm về quá trình đào tạo các nhân sự tự kỷ tại VAPs không?
Để trả lời cho câu hỏi này thì chúng ta phải hiểu được khó khăn của các bạn tự kỉ khi tham gia vào môi trường lao động. Các bạn gặp rất là nhiều khó khăn. Nên khi đào tạo các bạn tham gia vào dự án cũng như là để vận hành kinh doanh, phục vụ khách hàng thì chúng tôi có những bước đào tạo phụ thuộc vào từng bạn tự kỷ chứ không phải có một mẫu chung. Có bạn có ngôn ngữ, có bạn không có ngôn ngữ, có bạn có hành vi, có bạn không có hành vi, có bạn khả năng giao tiếp hay là phục vụ khách hàng kém. Hoặc có những bạn có vấn đề về kỹ năng dọn rửa cũng như là phục vụ khách hàng không được tốt. Bởi vậy khi hiểu được từng người tự kỷ thì chúng tôi có những phương pháp đào tạo khác nhau để cho các bạn có thể tiến bộ dần dần. Và mỗi ngày qua đi các bạn lại càng trưởng thành hơn nữa.
Quang Anh là một bạn nhân viên tự kỷ có khả năng làm MC, thuyết trình và giao tiếp trôi chảy, tự tin. Thế nhưng trước đây, Quang Anh từng là một bạn tự kỷ có hành vi khó kiểm soát như la hét, ném đồ. Tôi phải rất nhẫn nại khi đào tạo bạn nhân viên mới này. Bạn chửi tôi, tôi im lặng, bạn ném đồ, tôi chỉ nhẹ nhàng hỏi “Anh có làm gì em đâu mà em lại làm tổn thương anh?”. Và sau 2 năm nhẫn nại và nỗ lực không ngừng, Quang Anh đã trưởng thành và trở thành một nhân viên rất được yêu thích vì thái độ thân thiện, luôn mỉm cười và hoạt bát khi giao tiếp với khách hàng.
Ảnh 1: Anh Trung cùng nhân viên phục vụ khách hàng
Hành trình xóa mờ định kiến về người tự kỷ
Để đào tạo nhân sự tự kỷ và đưa mô hình kinh tế này đi vào hoạt động hiệu quả là một quá trình rất dài. Anh có thể chia sẻ về những khó khăn trên hành trình này được không?
Ngoài những khó khăn trong đào tạo các bạn tự kỷ thì thời gian đầu chúng tôi gặp rất nhiều tổn thương. Có những người người ta không tin vào chúng tôi vì đã ai làm dự án này đâu. Chưa ai làm thì thường thường mọi người sẽ nghi ngờ, đã làm rồi thì người ta sẽ ít nghi ngờ đi, còn chưa làm thì càng nghi ngờ. Cũng giống như chúng ta hay nói là mọi người lên mặt trăng chưa? Khi chưa lên thì chúng ta không tin, đúng là thế rồi, mà khi lên rồi thì chúng ta mới có niềm tin. Bởi vậy khi làm điều gì mới thì rõ ràng việc bị mọi người nghi ngờ là chuyện rất bình thường. Càng nhiều người nghi ngờ thì càng là điều tuyệt vời. Tuyệt vời vì đó chính là điều mong mỏi của mọi người.
Khi bắt đầu triển khai dự án này, chúng tôi nhận về rất nhiều sự tổn thương nhưng chúng tôi rất hiểu những điều đấy. Thay vì trách móc thì chúng tôi động viên nhau cần phải cố gắng hơn để làm sao những nghi ngờ trong quá khứ, trong hiện tại và tương lai sẽ thay đổi.
Ảnh 2: VAPs luôn nỗ lực mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất.
Vậy VAPs đã từng bước hóa giải những nghi ngờ đấy bằng những hành động cụ thể nào?
Để hóa giải được những nghi ngờ như thế thì tôi vẫn nghĩ đó là chúng ta phải rất chăm chỉ lao động. Chúng ta cầu thị, lắng nghe, cố gắng và lan tỏa những điều tốt đẹp ấy tới mọi người. Tôi tin chắc rằng dù ngày hôm nay người ta không nhìn thấy nhưng ngày mai người ta sẽ cảm nhận được sự nỗ lực của mình. Bởi trái đất này rất nhỏ bé, vì vậy, nếu ai đó không hiểu mình ngày hôm nay không có nghĩa là ngày mai người ta cũng không hiểu.
Để hóa giải những nghi ngờ về năng lực của người tự kỷ, ngoài việc chăm chỉ lao động tại cửa hàng, công ty cũng rất tích cực làm truyền thông. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về hoạt động truyền thông của VAPs không?
Về mặt truyền thông thì công ty được sự giúp đỡ của rất nhiều người. Mọi người đến với một mong muốn là lan tỏa tinh thần lao động của các bạn tự kỷ và tính nhân văn của dự án. Từ khi làm dự án này chúng tôi được các bạn Youtuber, KOLs của các lĩnh vực cũng như là những người làm trong lĩnh vực báo chí, sinh viên trường báo chí đến trải nghiệm và lan tỏa các mô hình kinh tế đến với công chúng.
Ngoài ra, công ty có rất là nhiều cách để marketing. Công ty sử dụng các kênh mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Instagram. Tôi đang quản lý tất cả các kênh đó vì tôi hiểu từ A tới Z những giá trị mà mình mong muốn truyền tải tới mọi người. Nội dung trên mạng xã hội là về những công việc hàng ngày, những đánh giá, góp ý của khách hàng. Thay vì chia sẻ những thứ không thực tế hoặc tiêu cực, giật gân, công ty chỉ đăng những thông tin chân thực để lan tỏa giá trị nhân văn của dự án.
Quan trọng hơn cả là phương pháp truyền thông truyền thống, đó là cố gắng làm tốt từ bên trong để những điều tốt đẹp nhất, thực chất nhất thông qua những chia sẻ của những khách hàng đã trải nghiệm sẽ lan tỏa đến nhiều người hơn nữa. Để từ đó hôm nay có một khách hàng, ngày mai có một khách hàng và cuối năm có rất nhiều khách hàng. Đó là cách công ty đang truyền thông cũng như thể hiện năng lực thật của mình. Khách hàng khi đến trải nghiệm có rất nhiều câu hỏi và tôi cũng như các bạn tự kỷ luôn trả lời tất cả những câu hỏi ấy bằng tấm lòng, bằng sự chân thật, và bằng những điều mà chúng tôi đang cố gắng nỗ lực hàng ngày.
Ảnh 3: VAPs luôn nỗ lực mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất.
Trên tấm card của VAPs có ghi thông điệp là “Kết nối những mảnh ghép”. Anh có thể chia sẻ ý nghĩa của thông điệp này với mọi người không?
Không ai trong chúng ta là hoàn hảo, đến lúc già chúng ta cũng không phải là người hoàn hảo. Nên nếu chúng ta kết nối với nhau như những mảnh ghép sẽ khiến cho sức mạnh của tập thể tốt lên. Vì vậy, khi tạo ra thông điệp “Kết nối những mảnh ghép”, chúng tôi mong muốn kết nối tất cả các bạn tự kỷ, các gia đình tự kỷ và mọi người xung quanh cùng giúp đỡ dự án. Sự đồng hành đó sẽ tạo nên sức mạnh của tinh thần tập thể để những giá trị nhận văn sẽ lan tỏa xa hơn, cao hơn và mãnh liệt hơn.
Xin cảm ơn anh vì những chia sẻ này!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.