Các đặc sản hạt điều “ngon nhất thế giới” tại Bình Phước được gắn 4 sao OCOP của tỉnh
Chị Lê Thị Thanh Thảo - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phúc Thịnh Winut (hình trái) cho biết các công nhân ở Công ty của chị luôn kiểm tra lại thật kỹ lưỡng từng hạt điều sau khi được chế biến (hình trên, bên phải)
Theo UBND tỉnh Bình Phước, 21 sản phẩm của 6 doanh nghiệp, 1 hộ và 2 cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) trong tỉnh đã được công nhận và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Bình Phước với thứ hạng từ 3 đến 4 sao; trong đó, 14 sản phẩm hạt điều đều đạt 4 sao.
14 sản phẩm nói trên bao gồm điều nhân, điều mật ong, điều rang tỏi, điều rang muối, điều wasabi (Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phúc Thịnh Winut - TX. Phước Long); điều rang muối và điều không rang muối (Công ty TNHH Hạt Điều Vàng - H.Phú Riềng); điều phô mai, điều tỏi ớt, điều Yum Thái, điều chanh muối, bánh Cashewpie... (Công ty TNHH Vinahe - TX. Phước Long); điều rang muối vỏ lụa (Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Bảo 2- TP. Đồng Xoài) và điều rang muối (Cơ sở SXKD Như Hoàng - H.Bù Đăng).
Bí thư Tỉnh Đoàn Trần Quốc Duy (hình trên - bên trái, thứ tư từ phải sang) đến thăm, động viên các doanh nghiệp hạt điều ở Bình Phước gồm Công ty TNHH Vinahe và Công ty TNHH MTV Bazan (hình dưới - bên phải)
Trong 7 sản phẩm còn lại được OCOP của tỉnh gắn sao đợt này, cà phê nguyên chất Công Bình Phước (Công ty TNHH MTV Công Phát - TP. Đồng Xoài) đạt 4 sao; 6 sản phẩm sau đây: yến sào Nam Phú (Công ty TNHH MTV Yến Sào Nam Phú - H.Chơn Thành), mật ong Sông Bé (Cơ sở SXKD Vũ Tiến Hoàng - TP. Đồng Xoài), hạt tiêu đen, hạt tiêu sọ, muối tiêu và mít sấy Cô Hai (Hộ SXKD Võ Thị Hiền - H. Bù Gia Mập) được gắn 3 sao.
Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy cho hay đa số các chủ sở hữu của 21 sản phẩm này đều là startup và doanh nhân trẻ tiêu biểu. Các thanh niên này luôn nỗ lực xây dựng các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tham gia các hoạt động vì cộng đồng, góp phần lan tỏa điều tử tế, phát huy văn hóa chia sẻ của doanh nghiệp.
Tỉnh Đoàn - Hội Doanh nhân trẻ Bình Phước luôn tích cực tổ chức các sự kiện, đặc biệt với hình thức trực tuyến để gắn kết các startup và kết nối cộng đồng doanh nhân tỉnh nhà với doanh nghiệp tại Úc để tìm đầu ra cho nông sản.
Thời gian qua, Tỉnh Đoàn luôn tích cực hỗ trợ các startup trong tỉnh ở nhiều mặt, từ thăm hỏi, động viên; tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp đến tạo các sân chơi giao lưu, học hỏi trong cộng đồng startup; tổ chức các hội thảo trực tuyến giữa các startup Bình Phước với các hội doanh nghiệp tại Úc để tìm đầu ra cho nông sản, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh.
Qua đó, dựa trên sự kết nối của Tỉnh Đoàn, các doanh nghiệp hạt điều tại Bình Phước đã nhận được sự giúp đỡ của anh Khoa Phan (Anthony) - Phó Tổng Thư ký Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc (VBAA), Chủ nhiệm Hội Doanh nhân trẻ tại TP. Melbourne, Úc (YBM). Kết quả, hơn 10 lô sản phẩm hạt điều tẩm vị của thanh niên khởi nghiệp Bình Phước đã được xuất khẩu sang thị trường Úc khó tính.
Anh Khoa Phan bộc bạch: “Mình đang ấp ủ trong thời gian tới sẽ hoàn thiện dự án “Ngôi nhà nông sản Bình Phước ở Úc” tại St Albans Centre Town - nơi có số lượng người Việt ở Melbourne đông nhất, qua đó giới thiệu các mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh đến với cộng đồng đa sắc tộc tại đây và quảng bá hình ảnh hạt điều Bình Phước ngon nhất thế giới'”.
Startup Lê Thị Thanh Thảo - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phúc Thịnh Winut (TX. Phước Long) - Ủy viên BCH Hội Doanh nhân trẻ Bình Phước không giấu được sự vui mừng khi sở hữu 5 sản phẩm hạt điều được gắn 4 sao. Chị Thảo chia sẻ: “Sản phẩm của công ty mình đạt chuẩn 4 sao OCOP tỉnh với điểm số xếp hạng cao nhất đồng nghĩa với việc nâng cao uy tín của sản phẩm với khách hàng hơn. Mình nghĩ đây sẽ là điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường trong và ngoài nước.”
Hạt điều Bình Phước được anh Khoa Phan - Phó Tổng Thư ký Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc, Chủ nhiệm Hội Doanh nhân trẻ tại TP. Melbourne (Úc) tích cực quảng bá vào dịp Tết (hình trái) hoặc chào bán tại các siêu thị thực phẩm Á Châu ở Melbourne (hình phải)
Trong khi đó, startup Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe, Bí thư Chi đoàn KP. Phước Trung - P. Phước Bình, Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp sáng tạo TX. Phước Long vô cùng hân hoan khi 5 sản phẩm hạt điều của anh đều đạt 4 sao. Anh Đạt xúc động bày tỏ mỗi một sản phẩm của Vinahe là kết tinh của cả một quá trình học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, chứa đựng tâm huyết của tất cả các thành viên trong công ty nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng và uy tín.
Bình Phước hiện được xem là “thủ phủ” của cây điều với diện tích 175.000 ha, chiếm gần 50% diện tích và hơn 54% sản lượng điều của cả nước. Việc canh tác và chế biến hạt điều đã giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động tại những khu vực nông thôn. Theo nhận định của Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, so với hạt điều có xuất xứ từ các quốc gia khác, nhất là từ châu Phi, hai lợi thế của hạt điều Việt Nam chính là chất lượng và hương vị.
Hạt điều Bình Phước có chất lượng vượt xa hạt điều nhập khẩu nên được đánh giá có chất lượng ngon nhất thế giới và được sử dụng để chế biến thành những sản phẩm đa dạng, mang nhiều hương vị độc đáo.
Riêng hạt điều Bình Phước có ưu thế vượt trội về chất lượng so với hạt điều nhập khẩu, qua đó góp phần đưa cây điều trở thành cây công nghiệp thế mạnh, đem lại giá trị xuất khẩu cao, trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, hạt điều Bình Phước được Trung tâm dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh và Hội đồng Hạt quốc tế đánh giá là “ngon nhất thế giới”.
Được biết, thương hiệu “hạt điều Bình Phước” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp “chỉ dẫn địa lý”. Hiện tại, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Bình Phước đạt khoảng 600 - 800 triệu USD/năm, dự kiến đến năm 2025 là 900 triệu USD và đến năm 2030 sẽ đạt 1 tỷ USD.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước thông tin rằng hiện nay, Bình Phước lấy chế biến làm trung tâm và tăng cường xúc tiến đầu tư với các nước trên thế giới để có nguồn nguyên liệu chính thống và chất lượng phục vụ cho chế biến.
Các startup Bình Phước có sản phẩm được OCOP tỉnh gắn sao luôn tích cực thực hiện các hoạt động hướng đến cộng đồng, lan tỏa tinh thần nhân văn.
Bà Tuyết nhấn mạnh đối với sản xuất hạt điều, tỉnh định hướng đến năm 2025, tăng năng suất lên 2,5 tấn /ha và thâm canh để nâng cao chất lượng, tập trung các chuỗi liên kết để đảm bảo đầu ra cho nông sản, đồng thời xây dựng các chuỗi điều hữu cơ theo đặt hàng của các doanh nghiệp, hướng tới xây dựng thương hiệu Điều Bình Phước từ chứng nhận chỉ dẫn địa lý đã có.
Gần đây, ngành điều Bình Phước đón nhận tin vui khi một tập đoàn của Hà Lan đã quyết định đầu tư dự án trị giá 250 triệu USD tại Bình Phước nhằm phát triển vùng nguyên liệu, chế biến sâu và sản xuất dầu vỏ hạt điều tinh lọc xuất khẩu.
OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) là mô hình được học tập từ phong trào Mỗi làng một sản phẩm (One village, One product - OVOP) được khởi xướng bởi Giáo sư Hiramatsu, Chủ tịch tỉnh Oita (Nhật Bản) từ năm 1979. OVOP đã đem lại thành công lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Oita và sau đó lan tỏa trên khắp xứ sở hoa anh đào. Từ một tỉnh nghèo, Oita hầu như được cả thế giới biết đến nhờ các nông sản tuyệt hảo như nấm hương khô, chanh kabosu, rượu shouchu, lúa mạch, ngựa seiki…
Đến nay, OVOP đã lan tỏa đến 40 nước trong khu vực châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh, mang lại đời sống ấm no cho người dân vùng nông thôn, góp phần phát triển khu vực nông thôn. Tiêu biểu như Chương trình Mỗi cộng đồng một sản phẩm - OTOP của Chính phủ Thái Lan được thực hiện từ năm 2001, qua hơn 20 năm thực hiện, đã tạo ra hơn 200 nghìn sản phẩm hàng hóa và dịch vụ ở vùng nông thôn trên phạm vi toàn vương quốc này.
Ở Việt Nam, OCOP là giải pháp phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng các địa phương - đây là những sản phẩm tiềm năng lợi thế của các vùng miền chưa được phát huy, khai thác để phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Cốt lõi của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.
Tại Bình Phước, OCOP không chỉ hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm mà còn giúp giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới. Thực hiện chương trình OCOP, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã tích cực khai thác tiềm năng của các đặc sản nông thôn với mục tiêu xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.