“Cát tặc” hoành hành sông Lam oằn mình “kêu cứu”
Một bến bãi tập kết cát sỏi ở xã Nam Giang, Thanh Chương
Theo một số người dân sống dọc sông Lam, đoạn qua xã Nam Giang (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), trước đây các bãi bồi ven sông là vùng đất trồng hoa màu của nhân dân trong xã. Từ khi nạn khai thác cát sỏi trái phép diễn ra ngày càng rầm rộ, sông thay đổi dòng chảy, sóng đánh vào bờ gây ra tình trạng sạt lở, dần dần những cánh đồng xanh ngát đã bị hà bá “ngạm” dần theo thời gian. Một người dân kể trong sự chua xót.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại chân cầu Rộ, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, cách chân cầu không xa, dưới lòng sông 02 chiếc xà lan đang gầm rú hút cát, để thuận lợi cho việc tập kết và vận chuyển cát đã khai thác được các lực lượng “cát tặc” đã đưa cần cẩu, máy xúc vào đây lập đại bản doanh, trong khi theo phản ánh của người dân bến bãi trên vẫn chưa được cấp phép. Ngược dòng sông Lam, dọc theo QL 46 (qua các xã Thanh Khai, Thanh Giang, Nam Giang…) đến địa phận giáp ranh với huyện Đô Lương có hàng chục bến cát đang ngang nhiên hoạt động bất kể ngày hay đêm. Đi cùng với nó là vài chục chiếc xà lan và tàu cát lớn nhỏ vô tư khai thác như thách thức chính quyền và cơ quan chức năng. Theo bà Nguyễn Thị M… xã Ngọc Sơn (Thanh Chương, Nghệ An) trước tình trạng “cát tặc” hành hoành trên sông thời gian qua, nhân dân trong xã đã gửi nhiều đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền, tại các cuộc tiếp xúc cứ tri của đại biểu HĐND huyện, HĐND tỉnh bà con đã có kiến nghị, phán ánh lên các đại biểu nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.
Bất lực hay thiếu trách nhiệm
Trao đổi với phóng viên, ông Thái Văn An - Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn xác nhận: điểm mỏ và bãi tập kết cát gần chân cầu Rộ là của Công ty TNHH Khai thác cát sạn Thanh Chương. Họ đã khai thác được 2-3 năm nay. Công ty này đã được tỉnh cấp phép, trước đây phòng Cảnh sát môi trường đã 2 lần về kiểm tra. Khi được hỏi việc các tàu cát khai thác gần chân cầu Rộ có ảnh hưởng đến công trình hay không? Ông Chủ tịch xã khẳng định, theo quy định việc khai thác phải cách hành lang cầu 150 m, nhưng “thỉnh thoảng họ có vi phạm, xã đã bắt được, lập biên bản và xử phạt”.
Hai xà lan đang hút cát dưới dòng sông Lam( gần chân cầu Rộ)
Để làm sáng tỏ vấn đề chúng tôi đã trao đổi với Phòng Tài nguyên - Môi trường (TNMT) huyện Thanh Chương, ông Trần Ngọc Thanh - Trưởng phòng cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 công ty đang khai thác cát sỏi (Công ty TNHH Khai thác cát sạn Thanh Chương, Công ty TNHH Sơn Hà, Công ty TNHH Thảo Thủy). Trong đó, công ty Sơn Hà và Thảo Thủy đã được UBND tỉnh quy hoạch điểm mỏ và cấp giấy phép khai thác, họ chỉ khai thác sau đó vận chuyện đi nơi khác chứ không có bến bãi tập kết trên địa bàn huyện. Ông Thanh cũng xác nhận, Công ty TNHH Khai cát sạt Thanh Chương tiền thân là các hợp tác xã vận tải và dân làng chài ven sông, do không làm ăn được nên họ chuyển sang khai thác cát, sỏi. Hiện nay, họ chưa được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác.
Theo thống kê của phòng TNMT, trên địa bàn huyện Thanh Chương có 18 bến bãi tập kết cát sỏi, tất cả các bến bãi này đều chưa được cấp phép của chính quyền địa phương. Liên quan vấn đề thu thuế tài nguyên trong quá trình khai thác cát sỏi, lãnh đạo phòng TNMT cũng thừa nhận, “từ trước tới nay họ đều xin xã và hàng năm đóng cho xã một khoản tiền, mặc dù biết rằng xã không có chức năng cấp phép”. Vấn đề đặt ra, một khoản tiền là bao nhiêu? quản lý, sử dụng nguồn thu này như thế nào là một câu hỏi lớn chưa có câu trả lời. Trong khi đây là tài nguyên của quốc gia, quy trình cấp phép khai thác, thu thuế được quy định rất chặt chẽ và rõ ràng.
Bến bãi tập kết cát tại chân cầu Rộ ( Xã Ngọc Sơn, Thanh Chương)
Bãi bồi ven sông thuộc xã Thanh Khai, Thanh Chương đang sạt lở nghiêm trọng.
Năm 2014, huyện Thành Chương phối hợp với các ban, nghành chức năng tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, đã lập biên bản vi phạm và xử phạt hơn 70 triệu đồng đối với hành vi vi phạm khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn huyện.
Trong thời gian gần đây, không chỉ Thanh Chương mà các huyện khác của tỉnh Nghệ An nằm ven bờ sông Lam như: Hưng Nguyên, Nam Đàn … tình trạng khai thác cát sỏi vẫn diễn ra tràn lan, nhưng chỉnh quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Đã đến lúc các ngành chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa nhằm sớm ngăn chặn tình trạng “cát tặc” hoành hành để cứu lấy dòng sông Lam đang ngày đêm phải chịu trận và sạt lở nghiêm trọng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.