Chương trình nghệ thuật ‘Vang mãi bài ca Hồ Chí Minh’
Ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh tham dự cùng ông Phan Nguyễn Như Khuê – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố; ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch HĐND Thành phố; ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND Thành phố; ông Trần thế Thuận – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố cùng đại diện ban, ngành, đoàn thể, tầng lớp nhân sĩ, tri thức, nhân dân Thành phố.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt ‘Vang mãi bài ca Hồ Chí Minh’ được tổ chức tại Nhà Hát TP Hồ Chí Minh.
Chương trình do Ban Tổ chức Kỷ niệm các ngày Lễ lớn TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung tâm Ca nhạc nhẹ thành phố thực hiện. Chương trình được dàn dựng công phu với 3 phần: (1) Bài ca chân lý; (2) Dâng Người ngàn hoa chiến công; (3) TP Hồ Chí Minh – Văn minh, hiện đại, nghĩa tình;
Các tác phẩm âm nhạc truyền thống, tái hiện cuộc đời sự nghiệp chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại được thực hiện một cách công phu, hào hùng: Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Dấu chân phía trước, Người Cộng sản đầu tiên, Chiến thắng Điện Biên, Tình Bác sáng đời ta, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Tiến về Sài Gòn, Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Tiếng hát từ Thành phố mang tên Người; ca cảnh Lời ca dâng Bác, chiếu video clip Lửa căm hờn, trích Tuyên ngôn độc lập…
Chương trình nghệ thuật nhắc nhở thế hệ ngày nay không quên công ơn to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chương trình nghệ thuật đã khắc họa lại câu chuyện về hành trình của Bác – từ ngày 5/6 cách đây 112 năm tại Bến cảng Sài Gòn, trên chiếc tàu L’amiral Latouche-Tréville…, về những dấu son lịch sử cho đến khi đất nước vẹn tròn thống nhất, đến khi có một TP Hồ Chí Minh– rực rỡ tên vàng, một TP Hồ Chí Minh văn minh – hiện đại – nghĩa tình, được tái hiện và biểu diễn trên sân khấu bằng các tiết mục biểu diễn đặc sắc...
Đầu tháng 9/1858, thực dân Pháp nổ súng tiến công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, dân tộc ta phải đương đầu với họa xâm lăng từ một nước phương Tây, hoàn toàn chiếm ưu thế về tiềm lực kinh tế, quân sự, nhất là về vũ khí, công nghệ quân sự. Với truyền thống yêu nước nồng nàn và ý chí kiên cường, bất khuất, trong suốt nửa cuối thế kỷ 19 (1858-1896), đông đảo Nhân dân trên khắp mọi miền đất nước đã anh dũng chiến đấu, tích cực cùng quan quân triều đình hoặc tự mình đứng lên chống thực dân Pháp. Mặc dù thực dân Pháp khuất phục được triều đình nhà Nguyễn, nhưng không thể đè bẹp tinh thần kháng chiến của dân tộc Việt Nam.
Các phong trào yêu nước tiêu biểu như: Phong trào Cần Vương do các văn thân, sĩ phu yêu nước lãnh đạo, diễn ra sôi nổi trong cả nước và kéo dài hơn 10 năm từ 1885 đến 1896; các cuộc nổi dậy chống quân xâm lược ở các vùng địch chiếm đóng, tiêu biểu như: khởi nghĩa Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân; các cuộc đấu tranh của Nhân dân các địa phương trung du miền núi, nổi bật nhất là khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo (1884 - 1913); các cuộc khởi nghĩa: Hương Khê (1885 - 1896) do Phan Đình Phùng và Cao Thắng lãnh đạo; Ba Đình (1886 - 1887) do Phạm Bành và Đinh Công Tráng đứng đầu; Bãi Sậy (1885 - 1889) do Nguyễn Thiện Thuật chỉ huy; cuộc nổi dậy ở Hưng Hóa (1885 - 1889) của Nguyễn Quang Bích; phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo; cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo.
Các văn thân, sĩ phu yêu nước, những người đứng đầu các cuộc đấu tranh đã dựa vào dân, tin tưởng vào sức mạnh và ý chí quật cường của Nhân dân, trở thành ngọn cờ quy tụ, đoàn kết Nhân dân chống Pháp. Truyền thống yêu nước quật cường của dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ, Nhân dân khắp cả nước tích cực đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ đất nước. Nhưng do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên lần lượt thất bại. Cách mạng nước ta đứng trước sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước. Việc tìm một con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và thời đại là nhu cầu bức thiết nhất của dân tộc ta lúc bấy giờ.
Chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào và sự thất bại của những phong trào đấu tranh chống thực dân. Người sớm có chí đánh đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào. Tại Bến cảng Sài Gòn, ngày này, cách đây 112 năm trên chiếc tàu “L’amiral Latouche-Tréville” người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tên gọi “Văn Ba” tạm rời xa Tổ quốc, ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
Ra đi, nung nấu một quyết tâm cháy bỏng đó là “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (Bác Hồ phát biểu tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng xã hội Pháp ở TUA vào tháng 12/1920).
Ngày 3/2/1930 tại Hương Cảng – Trung Quốc, Người đã thống nhất 3 tổ chức Đảng thành Đảng cộng sản Việt Nam - đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong Cách mạng Việt Nam. Sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài để tìm ra con đường cứu nước, ngày 28/1/1941, Bác về Tổ Quốc trong niềm xúc động vô bờ.
Sáng ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; chứng minh sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện. Lời kết Tuyên ngôn độc lập đã khắc vào pho sử vàng dân tộc Việt Nam thời hiện đại lời thề độc lập của một dân tộc đã tự mình đứng lên giành độc lập, xứng đáng được hưởng độc lập, quyết hy sinh tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để bảo vệ cho được quyền tự do, độc lập vô giá của mình.
Trong những năm kháng chiến, khi nước nhà còn chia cắt hai miền Nam Bắc, Bác đã dành cả tình thương hướng về đồng bào Miền Nam ruột thịt “Miền Nam trong trái tim tôi”. Đáp lại tình cảm của Bác, đồng bào, chiến sĩ miền Nam cũng hướng về Người với niềm mong ngóng, ước vọng. Miền Nam đi trước về sau, thành đồng Tổ quốc với những con người chất phác, đậm tình, giàu nghĩa đã dành trọn tình cảm của mình với Bác Hồ. Đó không chỉ là tình cảm đơn thuần của một vị lãnh tụ với Nhân dân, mà còn là tình cảm gắn bó gia đình ruột thịt thân thiết; Bác cũng từng mong ước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ kính yêu của Nhân dân Việt Nam mà còn là nhà lãnh đạo, người anh hùng giải phóng dân tộc được Nhân dân thế giới ngưỡng mộ với tình cảm chân thành. Đối với Nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật là gần gũi mà vô cùng vĩ đại - Người đã cống hiến quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc bền lâu của Nhân dân. Người là một vị lãnh đạo phi thường, làm đổi thay tiến trình lịch sử, làm cho đất nước, quê hương mình, dân tộc mình niềm tự hào, đem lại phong trào xã hội chủ nghĩa trên thế giới một đường hướng mới.
Để có được đất nước vẹn tròn thống nhất, chúng ta không thể nào quên công ơn to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng Sản Việt Nam và sự chung lòng, chung sức của cả dân tộc, sự ủng hộ của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Hơn nữa, thắng lợi to lớn và ý nghĩa nhất chính là tình yêu, niềm tin của Nhân dân Việt Nam đối với Đảng và Nhà nước.
Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay, tự hào là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước và là thành phố được vinh dự mang tên Người. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố luôn tâm nguyện và vững bước trên con đường Người đã chọn. Quyết tâm cùng cả nước thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Người. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đã, đang và mãi xứng đáng với Bác Hồ vô vàn kính yêu, quyết tâm “cùng cả nước, vì cả nước”, noi gương và thực hiện đến cùng tâm nguyện, hoài bão trọn đời của Người.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chúc mừng các nghệ sĩ tham gia chương trình biểu diễn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.