Chuyên gia 'bắt bệnh' mất cân đối giữa thị trường tín dụng tiền tệ và thị trường vốn
2019-05-03 22:39:45
0 Bình luận
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, các cơ quan quản lý nhà nước và chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - tín dụng đều thừa nhận thị trường tín dụng tiền tệ và thị trường vốn đang có sự mất cân đối. Vốn trung dài hạn cho nền kinh tế hiện nay chủ yếu dựa vào kênh tín dụng ngân hàng. Thực trạng này tạo sức ép và rủi ro lớn cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. |
Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, ông Cấn Văn Lực chỉ ra 5 thực trạng của thị trường tài chính - tín dụng ở Việt Nam hiện nay: thị trường mất cân đối, kênh vốn chủ yếu dựa vào ngân hàng; chưa bình đẳng trong tiếp cận vốn giữa các thành phần kinh tế; thị trường thiếu bền vững; quy trình, thủ tục phức tạp và sản phẩm trên thị trường chưa đa dạng.
Ông Cấn Văn Lực đặt câu hỏi với cơ quan quản lý nhà nước: đâu là nguyên nhân chính yếu dẫn đến thực trạng trên?
Trả lời câu hỏi từ người điều phối về sự mất cân băng thị trường tín dụng và thị trường vốn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thừa nhận thực trạng của nền kinh tế hiện nay tạo áp lực quá lớn đến hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng nguyên nhân đến từ 3 bên: doanh nghiệp, nhà đầu tư và hạ tầng cho thị trường.
Về phía doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Quốc Hùng: "Đa số doanh nghiệp chưa có kế hoạch kinh doanh dài hạn, chưa có lộ trình sử dụng vốn dài hạn. Thông tin doanh nghiệp còn chưa minh bạch, doanh nghiệp ngại công bố thông tin, báo cáo tài chính chưa rõ ràng".
Về phía nhà đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định thị trường Việt Nam thiếu vắng các nhà đầu tư chuyên nghiệp, mang tầm chiến lược và có tư duy dài hạn.
Ngoài ra, tính thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay chưa cao cũng khiến thị trường không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Về cơ sở hạ tầng cho thị trường vốn, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng hiện nay trên thị trường chưa có các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín, hạ tầng thông tin kém khiến nhà đầu tư chưa yên tâm khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp mà chỉ quan tâm đến trái phiếu chính phủ.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết: "Hệ thống tài chính, ngân hàng đang tiếp tục được củng cố, cơ cấu lại và phát triển ổn định, an toàn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn, dịch vụ tài chính, ngân hàng cho nền kinh tế.
"Kinh tế tư nhân tiếp cận thuận lợi, bình đẳng hơn các nguồn vốn chính thức và các thị trường các yếu tố sản xuất. Năm 2018, tỷ lệ dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng so GDP hơn 130%; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 71,6% GDP (vượt chỉ tiêu 70% GDP đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020); tổng giá trị trái phiếu niêm yết trên thị trường đạt 1.122 nghìn tỷ đồng, tương đương với 20,3% GDP".
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cũng thừa nhận đến nay hệ thống tài chính, ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tư nhân vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản phát triển, trong đó có vấn đề tiếp cận các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Hữu Nghĩa đề xuất các đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các định chế tài chính và đại diện khu vực kinh tế tư nhân cùng nhau trao đổi, đối thoại về những khó khăn, rào cản, ách tắc xung quanh một số trọng tâm: khơi thông tín dụng trung - dài hạn của hệ thống ngân hàng; Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Phát triển mô hình quỹ hưu trí tự nguyện và mô hình quỹ đầu tư bất động sản.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo VNF