Cô gái xương thuỷ tinh khởi nghiệp với đồ handmade, giúp đỡ người cùng cảnh
Chị Nguyễn Thị Thu Thương (SN 1983), ngụ tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Xuất hiện trong chương trình "Trạm yêu thương", lên sóng lúc 10h thứ Bảy ngày 30/4 trên kênh VTV1, hành trình nghị lực của chị khiến mọi người cảm phục.
Thân hình cao vỏn vẹn 80cm, bị xương thuỷ tinh từ nhỏ nên chị có thể nằm một chỗ. Tuổi thơ của chị Thương ám ảnh bởi những lần gãy xương do tai nạn nhỏ.
Thế nhưng chưa bao giờ chị Thương thôi cố gắng, bởi bố mẹ và những người yêu mến xung quanh luôn là động lực khiến chị nỗ lực không ngừng nghỉ.
Chị Thương chia sẻ hành trình vượt lên số phận của chính mình (Ảnh: VTV)
Năm 2005, chị Thương nghĩ mình cần phải làm việc gì đó để san sẻ bớt gánh nặng trên vai mẹ. Niềm đam mê với đồ handmade, đặc biệt là tranh giấy được nhen nhóm từ đó. Thu Thương vẫn nhớ như in về sản phẩm đầu tay năm 2004, bán được 27 nghìn đồng khiến hai mẹ con ôm nhau khóc vì hạnh phúc. Khi công việc làm tranh giấy đã quen thuộc và giúp bản thân có thu nhập ổn định, Thu Thương lại nuôi ước mơ giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh. Ban đầu chị Thương mở một cửa hàng nho nhỏ ở Hà Nội, rồi thuê các em khuyết tật, dạy các em làm, đồng thời giúp các em tìm chỗ tiêu thụ sản phẩm.
10 năm làm việc cật lực và chắt chiu những đồng tiền kiếm được, ngày 16.3.2014, Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương ra đời. Với phương châm “Dù mình bị khiếm khuyết nhưng sản phẩm của mình luôn hoàn hảo”, các sản phẩm do chị Thương và các bạn trong Trung tâm không chỉ được khách hàng trong nước ủng hộ mà còn được xuất ra nước ngoài, tới các thị trường lớn như Pháp, Đức, Mỹ…
Trung tâm đào tạo nghề của chị Thương (Ảnh: CAND)
Khi được hỏi về ước mơ cho bản thân, chị Thương chỉ mong mình có thật nhiều sức khỏe, mở một hội chợ cho các cá nhân, doanh nghiệp của người khuyết tật tham gia quảng bá sản phẩm của mình. Món quà của Trạm yêu thương sẽ phần nào giúp Thu Thương biến mong ước đó thành hiện thực.
Tương tự chị Thương, chị Trần Thuý An (37 tuổi, sống tại ấp Lân Thạnh, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cũng mắc bệnh xương thuỷ tinh.
Chị Thuý An có thể xâu kim, kết hạt bằng miệng
Tuy không thể di chuyển, sinh hoạt như người bình thường nhưng bù lại chị Thuý An lại có một biệt tài, hiếm ai làm được. Không chỉ có thể xâu kim, chị còn có thể làm các món đồ thủ công bằng lưỡi một cách điêu luyện, khéo léo. Việc xỏ chỉ xâu kim, kết hạt cườm chị An làm một cách thành thục, mất khoảng 3 - 4 phút là xong. Riêng xếp hình chim hạc, ngôi sao, thuyền buồm, bánh ú cần sự cầu kỳ hơn thì tầm 7 - 8 phút là hoàn thành.
Tuy chịu đau đớn, thiệt thòi về thể xác nhưng tinh thần của cô gái khuyết tật vẫn luôn lạc quan, mang đến niềm vui cho mọi người.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.