Cô giáo - mẹ hiền của hàng trăm người khuyết tật
2015-11-04 23:55:12
0 Bình luận
Gần 20 năm qua, bà Hồ Hương Nam (nay đã 83 tuổi) vẫn dạy học miễn phí cho những đứa trẻ kém may mắn tại lớp học tình thương ở Trường trung học cơ sở (THCS) An Dương (Q.Tây Hồ, Hà Nội).
Dù mưa hay nắng, bà chưa bao giờ bỏ lớp, trừ những ngày ốm. Nhờ sự nhiệt tình của bà, các em được tiếp nhận tri thức, hòa nhập cuộc sống.
Mái tóc bạc phơ, lưng còng, chỉ đôi mắt vẫn tinh anh, là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với bà. Những tưởng sau khi về hưu, bà sẽ an hưởng tuổi già, nhưng lại nặng lòng với những đứa trẻ kém may mắn. Hiện lớp học có 18 người, lớn nhất 30 tuổi, nhỏ lên 6, tất cả đều không nhận biết được mặt chữ và số. Lớp học của bà không có bảng vì 18 học sinh ở nhiều trình độ khác nhau nên đồ dùng chính cho học tập là tập vở.
Sinh ra và lớn lên ở thành phố Huế mộng mơ, lấy người chồng người Hà Nội, năm 1954 bà ra Bắc làm việc và sinh sống. Sau mấy chục năm gắn bó với nghề giáo, năm 1979 bà nghỉ hưu. Năm 1997, khi đi tuyên truyền công tác dân số, thấy có 3 cháu khuyết tật bẩm sinh không có điều kiện đến lớp, bà mở lớp dạy và gõ cửa từng nhà để vận động phụ huynh, mượn một phòng ở trụ sở tuần tra khu dân cư phường Yên Phụ làm lớp học, nhưng chỉ một thời gian ngắn phải trả lại theo yêu cầu.
Mất ăn mất ngủ với sự nghiệp “trồng người”, sau nhiều đêm suy nghĩ, bà mang đơn lên Phòng Giáo dục quận Tây Hồ xin phòng dạy học. Cuối cùng, năm 2002 lớp học của bà được bố trí tại Trường THCS An Dương.
Dạy trẻ bình thường đã khó, với trẻ khuyết tật càng vất vả bội phần. Tại lớp học này, một bài giảng nhiều tháng mới xong. Bốn năm bà cho các em lên một lớp, mỗi trẻ có phương pháp riêng. Không chỉ dạy chữ, bà Nam còn bảo ban các em cách cư xử. Nhiều em ban đầu rất hư, phụ huynh bất lực đành gửi đến nhờ bà. Những trường hợp như vậy bà phải mất một thời gian dài mới cảm hóa được.
Khi tiếp xúc với những đứa trẻ đặc biệt ấy, bà bảo “phương pháp sư phạm thông thường không áp dụng được”. Có những em được bà dạy 3 tháng liền vẫn chưa nhớ và viết nổi một chữ, có đứa đang học lại cười khóc thất thường. Những bà tuyệt đối không quát mắng, mà luôn nhẹ nhàng. Lương hưu được 1,8 triệu đồng/tháng, các con cho 1 triệu nữa, bà chỉ ăn tiêu trong khoản lương, còn lại dành mua sách cho bọn trẻ.
Chị Hoàng Thị Kiều, phụ huynh cháu Đỗ Hương Giang, vui mừng cho biết: “Lúc chưa đi học cháu Giang chưa biết gì. Nhờ có bà giáo Nam mà giờ cháu viết được các chữ bố, bà, mẹ... Gia đình tôi mừng lắm”. Trải qua bao thăng trầm, đến nay lớp học đã có gần 30 lượt học sinh tốt nghiệp, tìm được việc làm, lập gia đình.
Sau mỗi buổi lên lớp bà lại cặm cụi soạn giáo án, phụ thêm công việc với Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi của phường. Năm 2014, bà là một trong 10 gương mặt ưu tú của thủ đô được vinh danh có đóng góp tích cực cho xã hội. Bà mong sẽ có nhiều lớp học tình thương mở ra và luôn tâm niệm “còn sống ngày nào sẽ đứng lớp ngày đó để ươm mầm tương lai, dù nó có thể không được khỏe mạnh như những hạt mầm khác”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo motthegioi.vn