Cương quyết chống hàng giả để bảo vệ giống nòi
Tính từ đầu năm đến ngày 15.11, cả nước phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 187.000 vụ việc vi phạm, số thu nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 11.535 tỉ đồng; khởi tố 1.123 vụ với 1.281 đối tượng. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các địa phương cần quan tâm hơn đến công tác chống buôn lậu và yêu cầu một số tỉnh phải triệu tập lãnh đạo tỉnh tham dự cuộc họp của BCĐ, không để các ngành họp thay. Phó Thủ tướng cho rằng, dù các bộ ngành địa phương đã có sự quyết liệt song thực tế công tác chống buôn lậu còn nhiều phức tạp, tác động xấu đến xã hội, khiến người dân rất bức xúc. Phó Thủ tướng cho biết, ông đã trực tiếp đi kiểm tra ở nhiều nơi, “hàng dỏm quá trời luôn, hàng trăm, hàng nghìn container”. Ông thừa nhận có sự nể nang bao che thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm, nhất là cán bộ công chức liên quan; tình trạng hàng lậu hàng giả trong một số lĩnh vực gia tăng phức tạp như phân bón, xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm.
Tại cuộc họp, nhiều bộ, ngành đề nghị Chính phủ xem xét phát huy việc chống buôn lậu, hàng giả thành phong trào sâu rộng trong phạm vi cả nước. “Lực lượng chống buôn lậu tối ngày lăn lộn trên biển, trên biên giới nhưng không đủ, nếu phát huy ý thức người dân, để họ tự nguyện tham gia sẽ có ý nghĩa quyết định” – đại diện Bộ Quốc phòng cho biết. Bộ Công Thương đề nghị phối hợp với các cơ quan vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng và phải kiểm tra các cơ sở đã ký. Trên cả nước có hơn 2 triệu hộ kinh doanh nhưng mới có khoảng 240.000 hộ, tức hơn 10%, ký cam kết.
Đại diện Bộ KHCN, Bộ Công thương lưu ý, công tác chống hàng giả, hàng cấm, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cần đẩy mạnh vì liên quan nhiều cam kết quốc tế mà Việt Nam phải thực thi, nhất là sau khi Việt Nam đã hoàn thành đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) xuyên Thái Bình Dương hay hiệp định thương mại với EU. Trong bối cảnh hội nhập, nếu không tiếp tục nâng cao hiệu quả việc này, các FTA không phát huy tác dụng sau quá trình đàm phán vất vả. Bộ NNPTNT kiến nghị, nên đưa vấn đề chất cấm trong chăn nuôi, nhất là chất vàng ô tạo màu và sabutamol tạo nạc vào nhiệm vụ của BCĐ 398 quốc gia. Đại diện Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị phối hợp với các bộ: KHCN, Y tế, NNPTNT… để tích cực xây dựng quy chuẩn nhà nước về chất lượng hàng hóa.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề xuất phải phát động toàn dân tham gia công tác chống buôn lậu, hàng giả. “Vì sức khỏe giống nòi, vì uy tín dân tộc, chúng ta phải làm việc này. Nước ta đã hội nhập sâu, nếu gian dối trong kinh doanh tiêu thụ thì rất nguy hại” - ông nói. Phó Thủ tướng yêu cầu cần giải quyết tốt khâu cán bộ, trong đó lực lượng quân đội, công an, quản lý thị trường, hải quan, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng phải làm gương, không để xảy ra tiếp tay, nối giáo cho tệ nạn này. Ông cũng yêu cầu xây dựng quy chế phối hợp, tăng cường kinh phí cho lực lượng chức năng, tiếp tục làm công khai minh bạch và đặt vấn đề không có vùng cấm trong chống buôn lậu. Phó Thủ tướng nhắc nhở tết là dịp ồ ạt hàng giả hàng lậu, phải xử lý nghiêm khắc, kể cả xử lý hình sự trong lĩnh vực này.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.