Đại tướng Chu Huy Mân qua ký ức của con gái
Ðại tướng Chu Huy Mân, tên thật là Chu Văn Ðiều, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông con, tại làng Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là làng Phong Hảo, xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Cha ông mất sớm, người mẹ tần tảo lần hồi làm thuê cuốc mướn để nuôi các con.
Ðại tướng Chu Huy Mân làm việc tại nhà riêng khi đã ở tuổi 90
Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Là một thanh niên ghét bất công, cường quyền, khi được cán bộ Ðảng tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, chàng thanh niên Chu Huy Mân ngày ấy đã hăng hái nhận làm liên lạc cho các đồng chí lãnh đạo phong trào cách mạng và trong cao trào cách mạng 1930-931, được cử làm Ðội phó Ðội Tự vệ đỏ.
Luôn dũng cảm, giương cao cờ đỏ búa liềm dẫn đầu đoàn biểu tình, trấn áp kẻ thù, bảo vệ nhân dân, tháng 12/1930, Ðội phó Ðội Tự vệ đỏ Chu Huy Mân đã được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Việt Nam khi ông mới 17 tuổi. “Dưới cờ đỏ búa liềm trang nghiêm, ba tôi kể rằng ông đã xúc động giơ cao nắm tay thề: Tôi nguyện suốt đời đấu tranh để giành độc lập dân tộc. Nếu bị địch bắt bị tra tấn cực hình, dụ dỗ, mua chuộc tôi quyết không khai báo. Dù phải chịu tù đày, vẫn không nản chí, vào sống ra chết không sờn lòng - Lời thề dưới cờ Ðảng đêm hôm đó đã trở thành tâm nguyện suốt cuộc đời ông”, Ðại tá, bác sĩ Chu Minh Hà, con gái lớn Ðại tướng Chu Huy Mân nhớ lại. Giây phút thiêng liêng ấy cũng được ông kể lại nhiều lần với các con, các cháu. Ông coi đó là trách nhiệm của một người thanh niên với Tổ quốc, một lời hứa với Ðảng, với nhân dân và đã trung thành với lời thề ấy trong suốt cuộc đời mình.
Bằng tài năng thao lược và những cống hiến đặc biệt xuất sắc của mình, đồng chí Chu Huy Mân được phong quân hàm thiếu tướng năm 1958, vượt cấp từ thiếu tướng lên thượng tướng vào năm 1974, quân hàm đại tướng vào năm 1980 và giữ nhiều vị trí trọng yếu của đất nước. Tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Ðảng (12/1976), đồng chí Chu Huy Mân được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, được bầu vào Bộ Chính trị và được cử giữ chức Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Trưởng Ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam (1977-1986), phụ trách công tác đào tạo cán bộ Lào của Trường Nguyễn Ái Quốc (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hiện nay). Ông là đại biểu Quốc hội các khóa II, VI, VII, được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa VII (1981-1986); là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam các khóa III, IV, V, Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV và V.
Ông cũng là người có vinh dự đặc biệt khi hai lần nhận lệnh đi chiến đấu mang tính quốc tế thuộc vùng Thập vạn đại sơn ở Trung Quốc và ở chiến trường Lào, Ðại tướng Chu Huy Mân đều được nhận chỉ thị trực tiếp từ Bác. Có lẽ nhờ thế mà trải qua thực tiễn chiến đấu dù khó khăn đến mấy ông vẫn cùng đồng đội của mình hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Những hy sinh không thể đong đếm
Ðại tá Chu Minh Châu nói rằng, Ðại tướng Chu Huy Mân lúc sinh thời thường hay kể với con cháu về lý tưởng và con đường cách mạng mà ông đã chọn. “Cuộc đời ba tôi có nhiều nỗi buồn, mất mát lớn. Ông nội mất khi ba tôi mới chỉ 14 tháng tuổi, các bác trong gia đình cũng nhiều người mất sớm. Việc bà nội và con cả của ông ra đi cùng thời điểm năm 1945 là sự mất mát quá lớn, là nỗi đau ám ảnh ba tôi. Tiếp đến là sự ra đi của anh trai tôi. Ðó là những day dứt lớn nhất trong đời ông”, Ðại tá Chu Minh Châu xúc động kể.
Ðại tướng Chu Huy Mân có con trai là Trung tá Chu Thế Sơn, sinh năm 1959. Tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trung tá Chu Thế Sơn được điều về làm kỹ sư tại Nhà máy Z153, thuộc Tổng cục Kỹ thuật, sau đó chuyển công tác sang Văn phòng Bộ Quốc phòng. Mặc dù là con nhà tướng, nhưng lúc sinh thời, đồng chí Chu Thế Sơn cũng cơm cặp lồng, đi xe tuyến bởi Ðại tướng Chu Huy Mân muốn giáo dục con phải tự đi lên bằng chính khả năng và sự cố gắng của bản thân; được trưởng thành trong thực tiễn, rèn luyện để có năng lực đóng góp cho quân đội. Nhưng điều đau lòng nhất đã xảy ra với gia đình khi Trung tá Chu Thế Sơn hy sinh trong chuyến công tác tại Lào ở tuổi 39.
Cũng giống như em gái Minh Châu, Ðại tá, bác sĩ Chu Minh Hà cũng rất yêu và tự hào về ba mình: “Do việc thuyên chuyển công tác của ba, dù lúc đó chị em tôi còn rất nhỏ nhưng nếu có điều kiện, mẹ vẫn đưa chúng tôi đi cùng ba đến những nơi ông nhận công tác. Từ Hà Nội vào Khu 4 (năm 1957), lên Tây Bắc (năm 1958), Khu 4 (năm 1961). Bởi được gần ba thêm chút nào là gia đình được hạnh phúc hơn lúc đó”.
“Không thể quên cảm xúc của một cô bé 13 tuổi khi nghe đài báo Hiệp định Paris được ký, tôi đã hò reo vì hạnh phúc bởi anh chị em tôi đều khát khao một ngày được sống trong gia đình có đầy đủ mọi người, có mẹ, có ba. Mãi đến năm 1977 gia đình tôi mới được đoàn tụ. Sau đó, tôi đi học nội trú ở Học viện An ninh, anh Sơn thì học ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, chị Hà học ở Học viện Quân y cho nên thời gian gia đình tôi thật sự được sống cùng nhau không nhiều”, Ðại tá Chu Minh Châu kể.
Con rể út của Ðại tướng Chu Huy Mân, anh Nguyễn Anh Tuấn cũng nói rằng: “37 năm được làm con của ba, tôi may mắn vì được sống cùng ba và có nhiều cơ hội trò chuyện cùng ông. Chúng tôi học được ở ông từ những điều giản dị nhất, thí dụ như khi còn sống, ông luôn cố gắng tập luyện thể thao mỗi ngày, bởi không muốn nếu đau yếu sẽ làm ảnh hưởng, làm phiền đến con cháu. Hay như khi vận hành tổ chức của mình, tôi luôn đặt ra nguyên tắc: Cá nhân là kỷ luật, hệ thống là kỷ cương, tập thể là cống hiến. Ðó là những điều mà tôi đã học được từ Ðại tướng Chu Huy Mân. Chúng tôi luôn ý thức giữ gìn truyền thống gia đình, phải sống và làm việc sao cho không được để ảnh hưởng đến thanh danh của ông”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.