“Đầu đau ê ẩm khi lồng tiếng phim Cô dâu 8 tuổi”
Bộ phim Cô dâu 8 tuổi thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả Việt dù dài gần 2.000 tập (tại Ấn Độ). Bên cạnh câu chuyện về cuộc đời của nhân vật Anandi phải lấy chồng từ năm 8 tuổi, người xem còn tò mò về khâu hậu trường để bộ phim này đến được với khán giả Việt.
Kịch bản được dịch sang tiếng Việt một cách uyển chuyển và đội ngũ lồng tiếng một lần nữa làm công việc sáng tạo khi thổi hồn vào từng lời nói của mỗi nhân vật. 9 người trong nhóm lồng tiếng chính của bộ phim đã sống trọn với những mảnh đời số phận của Cô dâu 8 tuổi.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Ms. Châu, người quản lý và đại diện cho đội ngũ tham gia lồng tiếng cho bộ phim truyền hình Ấn Độ đang "gây sốt" màn ảnh nhỏ TodayTV. Chị đã chia sẻ thẳng thắn về những khó khăn và việc phân chia công việc trong nhóm để hoàn thành dự án phim Cô dâu 8 tuổi.
Phim "Cô dâu 8 tuổi" gồm rất nhiều nhân vật.
- Khán giả Việt đang theo dõi bộ phim truyền hình “Cô dâu 8 tuổi” có nhiều thắc mắc về nhóm lồng tiếng của phim. Chị có thể giới thiệu qua về đội ngũ lồng tiếng phụ trách bộ phim dài gần 2.000 tập của Ấn Độ này?
Như các bạn cũng biết, Cô dâu 8 tuổi là dự án truyền hình khá dài tập và bên cạnh số lượng tập kỷ lục thì đây còn là bộ phim có số lượng diễn viên tham gia diễn xuất khá lớn. Vậy nên việc đảm nhận vai trò lồng tiếng cho các diễn viên trong phim cũng đòi hỏi số lượng diễn viên lồng tiếng nhiều hơn so với các dự án truyền hình khác.
Với Cô dâu 8 tuổi, chúng tôi có đến 9 diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp đảm nhận công việc lồng tiếng và mỗi diễn viên sẽ phụ trách lồng tiếng cho 1 nhân vật, có người 2 nhân vật nhưng cũng có người phụ trách lồng tiếng cho 4 nhân vật. Dù đảm nhận 1 hay nhiều nhân vật thì tất cả chúng tôi cũng đều phải đảm bảo được chất giọng phù hợp với tính cách của từng vai diễn, để khi xem phim, khán giả sẽ cảm nhận được tính cách đặc trưng của từng vai diễn trong suốt chiều dài của phim.
- Dựa trên tiêu chí nào để mọi người phân công ai lồng tiếng vào vai gì?
Khi lồng tiếng cho phim Cô dâu 8 tuổi nói riêng và phim Ấn Độ nói chung, chúng tôi sẽ dựa trên tiêu chí đặc thù về con người và từng vai diễn trong phim. Cụ thể như nhân vật Anandi của Cô dâu 8 tuổi là một cô gái hồn nhiên, trung thực và đầy lòng bao dung nhưng lại rất mạnh mẽ, cứng cỏi nên khi lồng tiếng, diễn viên lồng tiếng đòi hỏi phải có chất giọng trong sáng và dày dặn.
Hoặc như nhân vật thanh tra Shiv (chồng mới của Anandi) là một người đàn ông chín chắn, điềm đạm nên yêu cầu chất giọng của người diễn viên lồng tiếng phải mạnh mẽ và ấm áp.
Nói chung, với Cô dâu 8 tuổi thì những người có chất giọng quá mỏng sẽ không phù hợp.
- Đảm nhận một bộ phim có số tập dài kỷ lục, những người lồng tiếng gặp những khó khăn gì?
Khó khăn lớn nhất chúng tôi gặp phải chính là thời gian. Ở thời điểm hiện tại, Cô dâu 8 tuổi đang được phát sóng 2 tập/ngày và phát sóng liên tục 7 ngày trong tuần. Như vậy, tính ra trung bình 1 tuần sẽ có tất cả 14 tập phim được lên sóng. Đó là chưa kể những phim phải gối đầu. Vậy nên để sắp xếp thời gian cũng là cả một vấn đề đối với tất cả chúng tôi.
- Ấn tượng nhất với chị khi lồng tiếng bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” là gì?
Với những ai đang theo dõi phim thì có lẽ sẽ có chung cảm nhận như chúng tôi, đó là cốt truyện phim chặt chẽ, luôn có những câu chuyện, tình huống cao trào xảy ra và đặc biệt là diễn viên diễn xuất rất hay. Cuộc đời của mỗi nhân vật trong phim được khắc họa rõ nét, đó có thể là những khó khăn, bi kịch, biến cố cuộc sống, những đối kháng và cả những quan điểm cực đoan...
Thế nhưng hơn hết, dù ở trạng thái nào thì tất cả đều dùng tình yêu thương để hóa giải, nhất là với những xung đột gia đình. Đây cũng chính là thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm và chúng tôi nghĩ rằng, đây cũng chính là lý do để bộ phim được yêu thích ở nhiều quốc gia đến vậy.
- Việc một diễn viên đảm nhận lồng tiếng cho nhiều nhân vật được xử lý ra sao để không bị trùng lặp về giọng?
Như đã chia sẻ, mỗi cá nhân trong team 9 diễn viên lồng tiếng của Cô dâu 8 tuổi đều đảm nhận lồng tiếng cho từ 1 – 2, thậm chí 4 nhân vật và tất cả đều là những diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp, nên chắc chắn sẽ không có sự trùng lặp về chất giọng.
Đơn cử như việc diễn viên Thiên Thanh lồng tiếng cho bà Kalyani (bà chồng của Anandi) - một bà già khá cực đoan, cáu kỉnh và lúc nào cũng có thể quát tháo nhưng bên cạnh đó, Thiên Thanh còn lồng tiếng cho một nhân vật khác trẻ hơn, đó chính là Sugna - cô cháu gái của bà Kalyani.
Hoặc như diễn viên Quang Thanh, anh cùng lúc lồng tiếng cho 4 nhân vật: Jagdish (chồng đầu tiên của Anandi) trưởng thành, Khajaan- bố của Anandi, Madan- bố của Siam (anh rể Jagdish) và người hầu nhà bà Kalyani. Trước khi lồng tiếng cho 4 nhân vật này, Quang Thanh cũng là người lồng tiếng cho Jagdish lúc còn nhỏ.
"Cô dâu 8 tuổi" kéo dài theo cuộc đời của Anandi nên những nhân vật nhí gây cản trở lớn với đội ngũ lồng tiếng.
- “Cô dâu 8 tuổi” có diễn biến khá chậm, điều đó có gây áp lực với mọi người trong quá trình lồng tiếng cho các nhân vật phim?
Thật sự thì Cô dâu 8 tuổi là dự án truyền hình dài hơi nhất từ trước đến nay chúng tôi đảm nhận việc lồng tiếng. Với chiều dài của phim thì chúng tôi chỉ có ăn và ngủ cùng phim mà thôi (Cười). Đó không thể nói là áp lực mà là một trải nghiệm khá thú vị.
- Phần đầu của bộ phim diễn tả thời thơ ấu của “Cô dâu 8 tuổi”. Vậy đội ngũ lồng tiếng phải xử lý ra sao đối với hàng loạt nhân vật nhí?
À, đây thực sự là thử thách đối với chúng tôi (Cười). Team lồng tiếng không có ai là trẻ con thực sự nên chúng tôi phải giả giọng. Tất nhiên, giả giọng là sở trường của diễn viên lồng tiếng nhưng giả giọng con nít thì thật sự là thử thách. Đó cũng là lý do vì sao cứ mỗi lần ra khỏi phòng thu thì đầu chúng tôi đau ê ẩm.
- Lồng tiếng cho một tác phẩm truyền hình dài tập như thế, cát-xê của ê kíp có gì khác biệt so với các phim truyền hình khác?
Thật ra phim dài tập hay ngắn tập thì cát-xê vẫn không có gì thay đổi. Quan trọng là chúng tôi yêu thích công việc của mình.
- Người ta nói nghề lồng tiếng là sáng tạo thêm một lần cho nhân vật trong phim. Một trong những yếu tố thành công của “Cô dâu 8 tuổi” tại Việt Nam chính là nằm ở đội ngũ lồng tiếng. Mọi người có bí quyết gì vậy?
Bí quyết của chúng tôi là luôn giữ cảm xúc của nhân vật khi vào phòng thu và không để mọi thứ xung quanh ảnh hưởng đến tâm trạng của mình.
- Cảm ơn chị về những chia sẻ!
Một số hình ảnh của nhóm lồng tiếng phim Cô dâu 8 tuổi:
Bảo Linh lồng tiếng vai Ganga - nhân vật mới trong phần 7.
Huệ Phụng vai Simutra - mẹ của Jagdish.
Quang Thanh cùng lúc lồng tiếng cho 4 nhân vật: Jagdish lúc nhỏ và trưởng thành, bố của Anandi, bố của Siam (anh rể Jagdish) và người hầu nhà bà Kalyani.
Quốc Trung đảm nhận lồng tiếng vai thanh tra Shiv và ông bác Basant.
Thiên Bảo vai Bhairon - bố của Jagdish.
Thiên Thanh lồng tiếng cho bà Kalyani (bà chồng của Anandi) và Sugna (chị gái của Jagdish).
Thúy Loan vai Gehna (bác dâu của Jagdish).
Minh Cường phụ trách lồng tiếng vai Alock - cha của thanh tra Shiv
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.