Giải mã nỏ thần Cổ Loa: Góc nhìn mới từ khảo cổ và khoa học quân sự
Từng được xem như một biểu tượng thiêng liêng của ý chí giữ nước, nỏ thần thường chỉ được hiểu theo lăng kính văn hóa – huyền thoại. Hình ảnh nỏ thần được khắc hoạ rõ nét trên trống đồng Ngọc Lũ (và cả trống đồng Cổ Loa), đó là hình ảnh khi bắn mũi tên đồng Cổ Loa thì cung thủ dẫm lên dây hãm để giữ thân tên như giây hãm giữ ống tên ở nỏ thần.
Dựa trên những bằng chứng khảo cổ học, sử liệu và các nghiên cứu khoa học vũ khí hiện đại, Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Huy Hiệu và chuyên gia vũ khí, kỹ sư Vũ Đình Thanh đã đưa ra một luận thuyết: Nỏ thần là có thật, đó là vũ khí vận dụng trọng lực với sức mạnh vượt xa nhận thức cùng thời.
Nhiều bằng chứng khẳng định: Nỏ thần là thực thể lịch sử, không chỉ là truyền thuyết
Mô hình nỏ thần Cổ Loa được phục dựng thành công.
Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu cùng kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh – người đã phục dựng thành công mô hình nỏ thần Cổ Loa và sở hữu sáng chế liên quan – đã đưa ra nhiều luận điểm khoa học, đặt lại vấn đề: nỏ thần không đơn thuần là huyền thoại dân gian, mà có thể là yếu tố then chốt tạo nên chiến thắng trước quân Tần xâm lược, góp phần làm sụp đổ đế chế hùng mạnh này cuối thế kỷ III trước Công nguyên.
Tìm hiểu về điều này, kỹ sư Vũ Đình Thanh, người phục dựng nỏ thần bắn các mũi tên đồng Cổ Loa, có bằng độc quyền sáng chế về loại nỏ bắn cùng lúc vạn tên đồng, nói rằng cha ông chúng ta có cách bắn cung nỏ riêng biệt, khác biệt không những chỉ với Trung Hoa cổ mà khác biệt hẳn với cả thế giới: đó là không bắn thẳng vào mục tiêu mà bắn lên cao rồi lợi dụng sức hút của trái đất để các mũi tên đồng Cổ Loa đó rơi nhanh dần đều, cấu tạo khí động học đặc biệt khiến các mũi tên đồng xoay quanh trục tăng độ xuyên phá lên nhiều lần.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu – với kinh nghiệm chiến đấu trong chiến tranh chống Mỹ – liên hệ hiện tượng đó với loại pháo rải đinh từng được sử dụng, có khả năng tấn công diện rộng và sát thương cao. Ông khẳng định: "Chúng tôi từng trực tiếp đối mặt với loại vũ khí đó, nên hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, nếu tổ tiên ta biết cách khai thác nguyên lý tương tự, thì nỏ thần có thể là thực tế lịch sử."
Từ năm 2005 đến nay, nhiều phát hiện khảo cổ tại thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) cho thấy hàng vạn mũi tên đồng được chôn lấp trong khu vực thành nội, có niên đại hơn 2.300 năm. Đáng chú ý, một xưởng đúc vũ khí rộng gần 1.000m² cũng được phát hiện tại đây, với hàng loạt khuôn đúc và lò nấu đồng còn nguyên vẹn.
Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy người Việt cổ đã xây dựng được một trung tâm sản xuất vũ khí quy mô lớn, tổ chức bài bản, với năng lực chế tạo hàng loạt. Giới chuyên gia đánh giá đây là một trong những di tích quân sự cổ đại có giá trị đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á.
Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nếu thành Cổ Loa từng bị đánh chiếm, thì xưởng đúc này hẳn đã bị phá hủy hoặc tận dụng, như cách quân Minh từng bắt Hồ Nguyên Trừng – người chế tạo súng thần công – đưa về Trung Quốc. Việc xưởng sản xuất vẫn còn nguyên trạng là một dấu hiệu quan trọng cho thấy: thành Cổ Loa chưa từng rơi vào tay địch, và chiến thắng trước quân Tần là có thật.
Cần tiếp cận lịch sử với tư duy mở và dựa trên chứng cứ
Một điểm đáng lưu ý là tại lăng mộ Triệu Đà – được khai quật ở Quảng Đông, Trung Quốc – không có bất kỳ dấu tích nào của nỏ thần hay mũi tên đồng Cổ Loa, cũng không xuất hiện trong bất kỳ ghi chép quân sự hay văn hóa của nhà Triệu kéo dài gần 100 năm sau đó.
Giới nghiên cứu nhận định: nếu Triệu Đà thực sự chiếm được Âu Lạc, như một số truyền thuyết kể lại, thì việc ông sở hữu và sử dụng nỏ thần là điều chắc chắn xảy ra. Tuy nhiên, bằng chứng khảo cổ hiện nay không chứng minh điều đó. Ngược lại, hệ thống vũ khí ở Cổ Loa vẫn được bảo toàn nguyên vẹn, củng cố thêm giả thiết rằng Triệu Đà chưa từng chiếm được thành này.
Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu.
Ở góc nhìn quân sự – chính trị, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho rằng việc Triệu Đà phát triển nước Nam Việt tại Quảng Đông, Quảng Tây – vùng đất có đông cư dân Việt – đòi hỏi chính sách ổn định nội bộ hơn là gây chiến với người Việt ở Âu Lạc. Khả năng Triệu Đà tổ chức người Việt đánh người Việt, trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó, là không hợp lý.
Bài học từ việc phục dựng và nghiên cứu nỏ thần không chỉ nằm ở khía cạnh quân sự cổ đại, mà còn là sự khẳng định năng lực sáng tạo, tư duy độc lập và ý chí tự chủ của dân tộc Việt Nam trong những thời khắc sống còn của lịch sử. Đây là tiền đề cần thiết để khơi dậy tinh thần tự tôn, tôn trọng sự thật, và tiếp cận lịch sử một cách khoa học, tỉnh táo và đầy trách nhiệm.
Nỏ thần, lâu nay được nhìn nhận như một phần của truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy, mang tính biểu tượng nhiều hơn tính lịch sử. Tuy nhiên, với các dữ liệu khảo cổ học, phân tích khoa học và nhận định từ các chuyên gia quân sự – kỹ thuật hiện nay, đã đến lúc cần đặt lại vấn đề.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhận định: “Nếu một chiến thắng quân sự có thật đã giúp dân tộc giữ vững lãnh thổ, văn hóa và bản sắc từ 2.300 năm trước, thì chúng ta cần ghi nhận nó là một phần của sự thật lịch sử.”
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.