Đổi màu vùng dịch: Một quận "lõi" nội thành Hà Nội nghỉ học trực tiếp 100%
UBND TP Hà Nội vừa có thông báo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo số liệu tính đến 9h ngày 10/12, trên địa bàn thành phố có 8 địa phương có dịch ở cấp độ 1 (tức vùng xanh); 21 địa phương cấp độ 2, (tức vùng vàng) và một địa phương dịch ở cấp độ 3 (tức vùng cam; tính theo quy mô quận, huyện, thị xã).
Học sinh duy nhất của Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) đến trường học trực tiếp ngày 9/12 (Ảnh: Nguyễn Hằng).
Cụ thể, địa phương có dịch ở cấp độ 3 là quận Đống Đa (là một trong 4 quận "lõi" của Hà Nội; ghi nhận 1.336 ca mắc trong cộng đồng trong 14 ngày qua).
8 địa phương ở cấp độ 1 là gồm huyện: Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Thạch Thất, quận Long Biên và thị xã Sơn Tây.
Ở quy mô cấp độ xã, phường, thị trấn, Hà Nội có 439 địa phương có dịch cấp độ 1; 127 địa phương cấp độ 2 và 13 địa phương ở cấp độ 3 (tăng 10 địa phương so với thông báo dịch của tuần trước đó).
Trao đổi với Báo chí chiều ngày 12/12, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, theo nguyên tắc, các địa phương có cấp độ dịch ở mức độ 1,2 thì học sinh được đi học trực tiếp tại trường.
Với những địa phương có cấp độ dịch 3,4, học sinh tạm dừng đến trường trực tiếp.
Sau thời gian đánh giá lại, nếu vùng dịch đó chuyển về cấp độ 2 hoặc 1, học sinh lại tiếp tục đi học trực tiếp. Như vậy, các nhà trường và địa phương được phép linh hoạt việc dạy học theo từng cấp độ dịch.
Ông Cương cũng chia sẻ thêm, hiện một số phụ huynh vẫn còn lo ngại cho con em đến trường là điều dễ hiểu. Trong khi đó, một số phụ huynh lo lắng cho việc học của học sinh lớp 12 trước nhiều kỳ thi sắp tới.
Vì vậy, hiện nay các trường THPT trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì cả việc học trực tiếp và học online.
Trong quá trình dạy học trực tiếp, nếu phát hiện thấy ca F0 thì xử lý ra sao, ông Cương cho hay, Sở GD-ĐT và Sở Y tế TP Hà Nội đã ban hành văn bản hướng dẫn liên ngành về phương án phòng, chống dịch Covid-19 khi có trường hợp mắc Covid-19, F1, F2 trong trường học.
Theo Hướng dẫn này, khi phát hiện F0 tại trường học thì nhà trường cần kích hoạt ngay các phương án phòng, chống dịch và báo cáo ngay cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương; thông báo cho F0 và yêu cầu không tự ý di chuyển, không tiếp xúc gần dưới 1m với người xung quanh, đeo khẩu trang y tế và chờ được hướng dẫn, xử trí.
Đồng thời, nhà trường cần hướng dẫn cho F0 di chuyển theo lối đi đã được phân luồng đến phòng cách ly tạm thời.
Hạn chế các F di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng, khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng; phong tỏa tạm thời toàn bộ trường, lớp nào ở yên lớp đó; thông báo cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đang có mặt tại trường học thông tin chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng và sau đó tiến hành truy vết.
Được biết, Hà Nội mở cửa trường học trở lại từ 8/11, bắt đầu với khối lớp 9 ở huyện ngoại thành Ba Vì.
Ngày 6/12, toàn bộ học sinh THPT tại 30 quận, huyện được trở lại trường ở các khu vực dịch cấp độ 1 hoặc 2.
Mới đây nhất, hai trường học ở huyện Thường Tín và Phú Xuyên quyết định cho toàn bộ học sinh nghỉ học trực tiếp, chuyển sang trực tuyến 100% vì phát hiện hai học sinh là F0.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.