Dự báo tăng trưởng GDP 2016 – 2020 đạt khoảng 7%?
Quang cảnh hội thảo khoa học quốc tế “Dự báo tình hình kinh tế - xã hội phục vụ lập kế hoạch trung hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức này 2.12.2015 tại Hà Nội
Theo kết quả nghiên cứu
của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, sang năm 2016, nền
kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi giai đoạn suy giảm và bắt đầu bước vào chu kỳ phục
hồi mới. Cụ thể, triển vọng kinh tế Việt Nam 2016 - 2020, tăng trưởng GDP trong
khoảng từ 6,5 - 7%, kiểm soát lạm phát trong khoảng 5 - 7%, bội chi ngân sách
nhà nước đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP (bình quân giai đoạn là 4,9%).
Các dòng vốn tăng mạnh trở lại, đặc biệt là dòng vốn trong khu vực tư nhân và đầu
tư nước ngoài…
Phát biểu khai mạc tại
hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh, tăng trưởng
kinh tế được kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh trong giai đoạn 2016- 2020.Thứ trưởng
cũng bày tỏ mong muốn, thông qua hội thảo này, các diễn giả, nhà nghiên cứu,
nhà khoa học, nhà quản lý sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận các vấn đề kinh tế
vĩ mô cũng như các chủ thể chuyên sâu về môi trường kinh doanh của doanh nghiệp,
hội nhập kinh tế quốc tế và một số vấn đề xã hội tác động đến nền kinh tế Việt
Nam. Từ đó, có những đề xuất thiết thực đóng góp cho việc phát triển kinh tế -
xã hội nói riêng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam nói
chung.
Bà Mai Thị Thu, Giám đốc
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia cho biết, sau một giai
đoạn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, kinh tế Việt Nam bắt đầu tăng trưởng
chậm lại. Mặc dù đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn còn
rất nhiều hạn chế, khó khăn. Đặc biệt, là giai đoạn mà lạm phát tăng cao đến
hai con số, mặt bằng lãi suất cao và các nguy cơ về nợ xấu, tín dụng tăng trưởng
nóng hay bong bóng bất động sản đến mức đáng lo ngại. Để có thể nhận diện
một cách rõ ràng tình trạng này và có các giải pháp chính sách khắc phục, cần
có các nghiên cứu cụ thể.
Trung tâm Thông tin và
Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia và Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Ailen đã hợp
tác nghiên cứu một số chuyên đề để hỗ trợ quá trình đóng góp xây dựng và điều
hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm 2011 -2015 cũng như
chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới. Việc hợp tác này được thực hiện với cách tiếp
cận từng bước, bắt đầu từ các khóa học đào tạo do chuyên gia Ailen thực hiện
cho các cán bộ của Trung tâm và các cơ quan thụ hưởng của Việt Nam.
Bà Cait Moran, Đại sứ
Ailen tại Việt Nam khẳng định, Ailen sẽ tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ và cộng tác chặt
chẽ với Việt Nam trong viêc hỗ trợ xây dựng và điều hành kế hoạch phát triển kinh
tế - xã hội trong những năm tiếp theo.
Trong phiên thảo luận
chung, Tiến sĩ Đặng Đức Anh – Trưởng ban, Ban phân tích dự báo, Trung tâm Thông
tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia cùng với Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt – Trưởng
khoa, Khoa kinh tế Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những thông
tin đầy đủ về “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 – 2020” thông qua hai
báo cáo: “Triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2016 – 2020” và “Mô hình
tăng trưởng theo cách tiếp cận năng lực cạnh tranh ngành”.
Các đại biểu tham dự hội
nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp xoay quanh việc cần tìm ra những giải pháp cụ
thể để giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 đạt được
nhiều dấu hiệu khả quan hơn.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ nguyện vọng, Nhà nước cần phải khơi thông luồng vốn sản xuất, huy động tối đa nguồn đóng góp từ mọi thành phần xã hội để phát triển đất nước, song hành với việc đưa ra một khung giám sát và bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả và lãng phí nguồn lực.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.