Gần 1 tỷ người khuyết tật trên thế giới không có khả năng tiếp cận với các sản phẩm công nghệ hỗ trợ
Một người tham gia thử nghiệm tay giả có xúc giác (Ảnh: Nguồn Twitter)
Hiểu về “công nghệ hỗ trợ” người khuyết tật
Công nghệ hỗ trợ là một thuật ngữ dùng để chỉ các hệ thống cung ứng các dịch vụ và các sản phẩm hỗ trợ cho người khuyết tật, thuật ngữ tiếng Anh là “Assistive Technology”.
Công nghệ hỗ trợ sẽ giúp cho người khuyết tật có cuộc sống khỏe mạnh, không bị lệ thuộc vào người khác, và tham gia các hoạt động giáo dục, tham gia thị trường lao động và hoạt động xã hội.
Công nghệ hỗ trợ làm giảm nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế, nhu cầu chăm sóc dài hạn và giảm công việc của những người chăm sóc. Nếu không có công nghệ hỗ trợ, người khuyết tật thường bị cô lập, cảm giá bị loại trừ khỏi các hoạt động của xã hội, do đó làm tăng tác động lên gánh nặng bệnh tật và tàn tật không chỉ đối với họ mà cả gia đình và xã hội.
Có nhiều đối tượng cần sử dụng công nghệ hỗ trợ, bao gồm: người khuyết tật, người cao tuổi, người mắc bệnh không lây nhiễm như tiểu đường và đột quỵ, người có tình trạng sức khỏe tâm thần bao gồm mất trí nhớ và tự kỷ, người suy giảm dần chức năng.
Công nghệ hỗ trợ có thể có tác động tích cực đến sức khỏe và hạnh phúc của người khuyết tật và gia đình của họ, cũng như các lợi ích kinh tế xã hội.
Sự thiếu hụt trầm trọng của các “công nghệ hỗ trợ” người khuyết tật
Esko Bionic – thiết bị robot hỗ trợ người khuyết tật đi lại ở Mỹ - một trong các quốc gia đi đầu trong việc phát triển các công nghệ hỗ trợ người khuyết tật. (Ảnh: Nguồn Internet)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã tiến hành một nghiên cứu nhằm kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào các công nghệ giúp ích cho cuộc sống của người khuyết tật.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố vào ngày 16/05, khả năng tiếp cận các công nghệ hỗ trợ như: thiết bị trợ thính, kính hỗ trợ thị giác,, xe lăn, thiết bị hỗ trợ truyền thông, bộ phận giả,... chỉ chiếm khoảng 3% ở một số quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Đây là những sản phẩm công nghệ cao có thể hỗ trợ tối đa người khuyết tật trong việc đi lại, sinh hoạt và làm việc.
Báo cáo cũng chỉ ra: Hiện nay có khoảng 2,5 tỉ người khuyết tật trên toàn thế giới cần một hoặc nhiều hơn các sản phẩm hỗ trợ. Con số này dự kiến sẽ còn tăng lên khoảng 3,5 tỉ người vào năm 2050.
Đây là nghiên cứu lần đầu tiên về nhu cầu tiếp cận với các công nghệ hỗ trợ cuộc sống của người khuyết tật. Đồng thời cũng kêu gọi các chính phủ, các ngành công nghiệp và các nhà tài trợ xã hội sẽ quan tâm và ưu tiên nhiều hơn đến các sản phẩm hỗ trợ này.
Chân giả công nghệ cao Propio. (Ảnh: Nguồn Internet)
Việc tiếp cận công nghệ hỗ trợ sẽ là nền tảng quan trọng thúc đẩy người khuyết tật trong việc phát triển, học tập, tham gia vào các hoạt động thể thao và hòa nhập với cộng đồng.
Tuy nhiên, vấn đề lớn đặt ra là nhu cầu cần sử dụng công nghệ hỗ trợ của người khuyết tật chưa được đáp ứng. Theo Tổ chức y tế thế giới, trên toàn cầu hiện nay, có 200 triệu người có thị lực kém chưa thể tiếp cận các sản phẩm hỗ trợ chuyên dụng, 75 triệu người cần xe lăn nhưng chỉ có 5 - 15% được tiếp cận sử dụng, 466 triệu người bị mất thính lực nhưng sản xuất máy trợ thính hiện chỉ đáp ứng dưới 10% nhu cầu.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia còn thiếu nhiều lao động trong công nghệ hỗ trợ, như: hơn 75% các nước thu nhập thấp không có chương trình đào tạo làm chân giả và các dụng cụ chỉnh hình. Các quốc gia có tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến khuyết tật cao nhất lại có xu hướng cung cấp lao động có tay nghề cao trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ lại là thấp nhất (2 chuyên gia /10.000 dân).
“Công nghệ hỗ trợ” sẽ phục vụ tương lai của trẻ em nhưng tương lai đó vẫn còn xa vời
“Công nghệ hỗ trợ” phục vụ tương lai trẻ em.
Theo UNICEF, có 240 triệu trẻ em trên toàn cầu là người khuyết tật "Một trong những rào cản lớn nhất đối với trẻ khuyết tật là sự kỳ thị giữa các bạn cùng trang lứa và môi trường trường học không hòa nhập khiến chúng không thể tiếp cận hoặc sử dụng công nghệ hỗ trợ", Rosangela Berman-Bieler, người đứng đầu UNICEF về khuyết tật nói trong một cuộc họp báo trên phương tiện truyền thông.
"Trẻ em không có khả năng tiếp cận công nghệ thậm chí còn ít được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội khác, làm trầm trọng thêm tình trạng khuyết tật và loại trừ chúng tham gia vào cuộc sống hàng ngày. Gia đình của chúng cũng thường bị ảnh hưởng do thu nhập giảm do tăng cường chăm sóc yêu cầu, " Người đứng đầu UNICEF nói thêm.
Nguyên nhân của việc thiếu hụt các “công nghệ hỗ trợ” người khuyết tật
Bàn tay giả BrainCo điều khiển sóng não ấn tượng. (Ảnh: Nguồn Internet)
Cũng theo báo cào ngày 16/05, một trong những rào cản lớn khi người khuyết tật tiếp cận đến các công nghệ hỗ trợ là giá thành sản phẩm rất đắt đỏ. Khoảng 2/3 số người khuyết tật sử dụng các sản phẩm hỗ trợ cho biết họ đã phải bỏ tiền túi ra để mua thiết bị. Một số người khác thì phải vay mượn tiền từ bạn bè, người thân để mua được các sản phẩm hỗ trợ cho cuộc sống của mình.
Trên thế giới, rất ít quốc gia có chính sách hoặc chương trình quốc gia về công nghệ hỗ trợ. Tại nhiều nước, việc tiếp cận với công nghệ hỗ trợ trong khu vực công là rất hiếm hoặc không tồn tại. Ngay cả ở các nước có thu nhập cao, các sản phẩm hỗ trợ thường không được phân bổ trong các chương trình sức khỏe và phúc lợi, điều này dẫn đến việc người khuyết tật hoặc gia đình của họ phải chi trả trực tiếp.
Hiện nay, chính sách phổ biến ở một số nước Châu Âu chỉ cấp 1 máy trợ thính cho người lớn tuổi, mặc dù thực tế là hầu hết những người giảm thính lực do nguyên nhân cao tuổi phải cần 2 máy trợ thính để hoạt động.
Phía sau báo cáo là bài toán đặt ra với tất cả các quốc gia
Báo cáo của UNICEF kêu gọi các quốc gia lưu ý tới các sản phẩm công nghệ hỗ trợ dành cho người khuyết tật như một phần của các gói bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn dân. Điều này cho thấy được sự quan tâm của các quốc gia dựa trên quyền con người và lấy con người làm trung tâm.
Tổng giám đốc WHO- Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Từ chối mọi người tiếp cận với những công cụ thay đổi cuộc sống này không chỉ là vi phạm nhân quyền mà còn là thiển cận về mặt kinh tế”. "Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia kêu gọi tài trợ và ưu tiên tiếp cận công nghệ hỗ trợ và cho mọi người cơ hội phát huy hết tiềm năng của mình."
Các quốc gia cần tính toán đến các bài toán chính sách và liên kết các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức để đảm bảo quyền và lợi ích xã hội với đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó có người khuyết tật. Đây sẽ là bước tính toán lâu dài và bền vững cho tất cả các quốc gia.
“Công nghệ hỗ trợ” người khuyết tật tại Việt Nam đã được phổ biến hay chưa?
Người khuyết tật Việt Nam. (Ảnh: Nguồn Internet)
Công nghệ hỗ trợ đã xuất hiện tại Việt Nam, tuy nhiên các công nghệ không đồng bộ, chưa được phổ biến và còn rất nhiều rào cản để người khuyết tật Việt Nam có thể tiếp cận.
Báo cáo của Tổ chức y tế thế giới cũng đã cho chúng ta thấy được sự thiếu hụt của các sản phẩm công nghệ hỗ trợ người khuyết tật, đặc biệt là tại một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Thực tế, có rất ít nghiên cứu về các sản phẩm công nghệ giá thành thấp hỗ trợ cuộc sống của người khuyết tật. Như vậy, đã nói lên một thực tế rằng, người khuyết tật đang gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống của mình.
Chân giả công nghệ. (Ảnh: Nguồn Internet)
Anh Hoàng Hà - một người khuyết tật trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: “Tôi đã mất chi dưới của mình trong một vụ tai nạn ở tuổi 11. Cho đến gần một năm trước, gia đình tôi mới có điều kiện lắp chân giả cho tôi. Đã rất lâu, tôi mới được đứng bằng hai chân giống như thật vậy, tôi như sống lại. Chiếc chân giả đã thay đổi cuộc đời tôi và truyền cảm hứng cho tôi làm việc và giúp tôi không còn mặc cảm trong cộng đồng"
Chị Hà Nguyễn (Đống Đa, Hà Nội) bị mất một cánh tay cách đây 7 năm trong một vụ tai nạn ô tô. Tại thời điểm đó, chị đã phải nghỉ việc tại ngân hàng. "Mình có hai con nhỏ. Chẳng nhận được sự hỗ trợ nào, do vậy phải mất một thời gian, chúng tôi mới tiết kiệm được đủ tiền để mua một cánh tay giả. Với cánh tay đó, mình cảm thấy hoàn toàn bình thường và hy vọng sẽ tái gia nhập lực lượng lao động”- Chị Hà chia sẻ.
Đây là 2 trong số rất ít người Việt Nam có cơ hội được tiếp cận với các “công nghệ hỗ trợ” hiện đại. Vì vậy để thay đổi thực trạng này cần có sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, tổ chức và của toàn xã hội. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để kiến tạo một Việt Nam bình đẳng và hòa nhập
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.