Gian nan hành trình xác định danh tính liệt sĩ

2020-10-16 08:55:00 0 Bình luận
Việc xác định danh tính liệt sĩ có nhiều vướng mắc, trở ngại khiến hàng nghìn thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn trong hành trình tìm mộ người thân.

Lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ hy sinh tại Cam-pu-chia được Đội quy tập K52 tìm kiếm, quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ (Gia Lai). Ảnh: PHAN HÒA

Thời gian qua, thân nhân liệt sĩ hy sinh tại Viện K20 (Bệnh viện Miền Đông Nam Bộ) gửi đơn thư và đề nghị các cơ quan chức năng lấy mẫu phẩm thân nhân và liệt sĩ để tiến hành phân tích ADN, xác định danh tính liệt sĩ.

Những cuộc tìm kiếm gian nan

"Hôm nay, tôi viết đơn này cũng gần như đã hết cách sau nhiều năm liên hệ các cơ quan chức năng để được hỗ trợ tìm di hài của bố và các đồng đội của ông"- anh Lê Quang Vinh, ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) là con trai duy nhất của liệt sĩ Lê Quang Tặc đã mở đầu bức thư đề nghị hỗ trợ tìm mộ cha mình như thế.

Bức thư có đoạn viết: "Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bố tôi đã từ biệt người vợ đang bụng mang dạ chửa để lên đường vào nam chiến đấu. Cho đến lúc hy sinh, ông vẫn chưa một lần được gặp mặt người con duy nhất của mình. Tôi lớn lên và tưởng tượng về bố qua lời kể của mẹ. Hơn 40 năm trôi qua, chứng kiến sự mòn mỏi đợi chồng của mẹ, tôi luôn khát khao tìm được phần mộ của bố để đưa về an nghỉ tại quê hương, xoa dịu phần nào nỗi đau của mẹ…".

Trên đây chỉ là một trong hàng chục bức thư của thân nhân liệt sĩ gửi về tòa soạn bày tỏ nguyện vọng tìm mộ liệt sĩ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hy sinh tại Vương quốc Cam-pu-chia trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Câu chuyện về hành trình 20 năm tìm mộ cha của anh Vinh khiến chúng tôi xúc động. Sau nhiều năm tìm kiếm, anh Vinh mới biết được nơi hy sinh của bố mình là Nghĩa trang Viện K20, thuộc địa bàn tỉnh Stung Treng, Vương quốc Cam-pu-chia. Anh kể: "Theo trích lục quân nhân thì bố tôi thuộc đơn vị V104/f7-B2, bị sốt rét nên được đưa vào Viện K20 điều trị. Do tình trạng quá nặng, ông hy sinh vào ngày 6-2-1972. Năm 2010, khi tôi sang tỉnh Stung Treng, Vương quốc Cam-pu-chia thì gặp các anh trong Đội quy tập K52 - Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Gia Lai (Đội K52). Lúc đó, anh Vũ Văn Sơn - đội trưởng, nói với tôi rằng, đội đang tổ chức quy tập hài cốt liệt sĩ Viện K20 do nhân chứng Phan Ngọc Huân, nguyên là y tá của Viện K20 chỉ dẫn. Tôi đã ở cùng Đội K52 mấy ngày và chứng kiến rất nhiều hài cốt liệt sĩ được cất bốc, nhưng tất cả đều không có danh tính…".

Từ những thông tin anh Lê Quang Vinh cung cấp, chúng tôi đã liên hệ tìm gặp các nhân chứng. Câu chuyện của người cựu chiến binh, thương binh Phan Ngọc Huân, ở xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa (Gia Lai) đưa chúng tôi trở về ký ức một thời bom đạn chiến tranh, sinh ly tử biệt. Tham gia chiến trường miền nam từ năm 1966, là lính pháo binh, rồi lính bộ binh, trải qua nhiều trận đánh, nhiều lần bị thương, nhiều lần cận kề cái chết, đến năm 1969, ông Huân được điều về tuyến sau làm công tác hậu cần. Từ năm 1971, ông được tiếp nhận về Viện K20 - Bệnh viện Miền Đông Nam Bộ, đóng quân tại xã Ochalong, huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Cam-pu-chia. Nguyên là Tiểu đội trưởng Tổ điều trị Ban 2 - Viện K20, ông đã chứng kiến rất nhiều bộ đội Việt Nam bị thương và sốt rét ác tính được đưa vào viện chữa trị và hy sinh. Chỉ trong hai năm 1971 và 1972, tại đây đã có khoảng 130 liệt sĩ hy sinh, chủ yếu là người miền bắc. Các liệt sĩ đều được an táng tại nghĩa trang của bệnh viện. Khi hòa bình lập lại, may mắn còn sống sót trở về, nhiều năm qua, ông day dứt không nguôi vì những người đồng chí, đồng đội của mình vẫn còn nằm lại trên đất nước bạn, chưa được trở về trong lòng đất mẹ quê hương. Ông đã viết thư gửi Hội Cựu chiến binh Việt Nam với mong muốn Hội đề nghị Nhà nước tổ chức tìm kiếm hài cốt những liệt sĩ đã hy sinh tại Viện K20. Năm 2009, dù tuổi đã cao, sức yếu, lại bị thương tật ở chân, song ông vẫn tình nguyện dẫn Đội K52 băng rừng, vượt núi đi tìm đồng đội. Ông Huân kể: "Khi bác sĩ Đốc gọi điện thoại báo tin cho tôi, tôi mừng quá, vừa khóc vừa nói với anh ấy, người nào xương nhỏ, áo xanh là chị Tư ở Quảng Ngãi, còn người có chiếc răng vàng là anh Tô Điệu (tên thật là Trần Văn Điệu - người viết) ở Nghệ An…".

Nguyên đội trưởng Đội K52 Vũ Văn Sơn kể lại hành trình tìm kiếm, cất bốc các liệt sĩ hy sinh tại Viện K20 do nhân chứng Phan Ngọc Huân chỉ dẫn. Sau ba ngày với các hướng tìm kiếm khác nhau, đội đã xác định được vị trí căn hầm của Viện K20. Từ căn hầm này, các chiến sĩ tiến hành công việc khoanh vùng tìm kiếm, mở rộng bán kính hơn 200 mét, đào sâu xuống lòng đất đến ngập người, tuy nhiên chỉ tìm thấy một số dụng cụ của bệnh viện... Do thời tiết không thuận lợi, lương thực mang theo đã hết, toàn đội phải thu dọn hành trang trở về nước. Mùa khô năm 2009 - 2010, đội tiếp tục quay trở lại khu rừng nguyên sinh thuộc xã Ochalong, huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Cam-pu-chia, tìm đúng vị trí căn hầm được ông Huân xác định từ lần đi trước. Rừng núi âm u, thời tiết khắc nghiệt, ngày đầu chưa tìm thấy bộ hài cốt nào đã có một vài chiến sĩ bị sốt rét rừng hành hạ. Không nản chí, toàn đội vẫn miệt mài tìm kiếm. Khi bộ hài cốt đầu tiên được tìm thấy, tất cả đều xúc động rơi nước mắt. Kết thúc mùa khô, tại khu vực này, đơn vị đã tìm thấy 71 bộ hài cốt liệt sĩ.

Hành trình chưa kết thúc

Từ năm 2015, nhiều gia đình đã gửi đơn đến Chương trình Đi tìm đồng đội, Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 (nay là Ban Chỉ đạo 515) đề nghị hỗ trợ giải quyết nguyện vọng tìm mộ liệt sĩ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chị Tiểu Thúy, nguyên phóng viên Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, người trực tiếp nhận và xử lý đơn của các thân nhân liệt sĩ cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận đơn của 30 thân nhân liệt sĩ và thông tin của cựu chiến binh Phan Ngọc Huân, văn bản xác nhận của Phòng Chính trị - Bộ CHQS tỉnh Gia Lai, Chương trình Đi tìm đồng đội đã có công văn đề nghị Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) cung cấp danh sách các liệt sĩ hy sinh tại Viện K20, trong thời gian đóng quân ở Vương quốc Cam-pu-chia. Cục Chính sách đã cung cấp danh sách 128 liệt sĩ hy sinh tại Viện K20, thuộc xã Ochalong, huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Cam-pu-chia. Sau đó, Chương trình Đi tìm đồng đội có công văn gửi Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đề nghị Cục chủ trì việc lấy mẫu sinh phẩm thân nhân và liệt sĩ hy sinh tại Viện K20 để tiến hành phân tích ADN, sớm trả lại tên cho các liệt sĩ theo Đề án 150 (nay sát nhập với Đề án 1237 thành Đề án 515) của Thủ tướng Chính phủ. Sau hơn một năm tiếp nhận thông tin, ngày 21-6-2017, Cục Người có công có Công văn số 1219/NCC-TTLS đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai xác minh thông tin liệt sĩ nêu trên để có cơ sở quyết định việc lấy mẫu phẩm các liệt sĩ và thân nhân. Ngày 5-7-2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai có Công văn số 711/SLĐTBXH-NCC trả lời Cục Người có công với nội dung như sau: Mùa khô năm 2009 - 2010, Đội K52 quy tập được 149 hài cốt liệt sĩ và đưa về an táng tại Khu 2 lô A7 và lô A8 Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ, không có thông tin liệt sĩ quy tập từ xã Ochalong và cũng không có thông tin nào về Viện K20. Mùa khô năm 2010 - 2011, Đội K52 quy tập được 78 hài cốt liệt sĩ và đưa về an táng tại Khu 1 lô 6 Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ, không có thông tin liệt sĩ quy tập tại Viện K20. Với Công văn số 711 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, thân nhân và những liệt sĩ hy sinh tại Viện K20 không thể lấy mẫu phẩm để xác định danh tính liệt sĩ.

Anh Lê Quang Vinh, người con trai duy nhất của liệt sĩ Lê Quang Tặc đã đi tìm cha suốt 20 năm. Sau nhiều gian nan, hành trình tìm mộ cha có thể đã đến đích, nhưng trở ngại cuối cùng khiến anh cũng như nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ hy sinh tại Viện K20 lại phải tiếp tục cuộc tìm kiếm chưa có hồi kết.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

“Văn hoá tín ngưỡng và kiến trúc nhà thờ, không gian thờ cúng tổ tiên các dòng họ người Việt trong lịch sử”

Vừa qua, chiều ngày 02/11, tại Khách sạn Nesta, 83 phố Hào Nam - Hà Nội, Công ty Cổ phần Viện Phong thuỷ Khoa học Toàn Cầu – thuộc Tập đoàn Xherozone, Hệ sinh thái Phong thuỷ Đại Nam tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia Dự thảo nghiên cứu: “Văn hoá tín ngưỡng và kiến trúc nhà thờ, không gian thờ cúng tổ tiên các dòng họ người Việt trong lịch sử”.
2024-11-09 17:15:00

Bản tin Hòa Nhập số 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa phát đi công điện yêu cầu các bộ ngành và địa phương khẩn trương giải quyết dứt điểm những dự án tồn đọng và ngừng thi công, đồng thời triển khai nhanh chóng để hoàn thành và đưa vào sử dụng một cách hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí và thất thoát.
2024-11-09 07:55:00

Tạp chí Điện tử Hòa Nhập chúc mừng Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam

Ngày 8/11, ông Nguyễn Ngọc Quyết – Tổng biên tập Tạp chí Điện tử Hòa Nhập đã tham gia tọa đàm do Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam.
2024-11-08 19:55:00

Hải Phòng là 1 trong 3 điểm cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm ‘tập kết ra Bắc’

Theo kế hoạch, Hải Phòng sẽ là một trong 3 điểm cầu truyền hình trực tiếp chương trình kỷ niệm 70 năm “tập kết ra Bắc”. Đây là sự kiện nhằm ghi nhớ những mốc son lịch sử của dân tộc ta, được diễn ra vào lúc 20 giờ, ngày 16/11.
2024-11-08 19:48:51

Khẳng định quyền tiếp cận công bằng với kiến thức pháp luật dành cho người khiếm thị

Sáng ngày 8/11/2024, vòng chung khảo cuộc thi tuyên truyền viên pháp luật giỏi dành cho người khiếm thị đã được tổ chức thành công tại Hà Nội, với sự tham gia của các thí sinh xuất sắc từ vòng sơ khảo ngày 17/10.
2024-11-08 16:19:36

Quảng Ninh: Dân ca độc đáo Nghệ thuật hát Đúm được bảo tồn và phát triển

Loại hình dân ca độc đáo “hát Đúm” xuất hiện từ rất lâu đời ở vùng ven biển Quảng Ninh, đặc biệt tại thị xã Quảng Yên đang rất cần được bảo tồn. Việc lan toả nghệ thuật hát Đúm ngày một rộng rãi trong đời sống nhân dân, góp phần bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hoá truyền thống này là hết sức cần thiết.
2024-11-08 16:10:54
Đang tải...